AEC 2015 - cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:26, 14/12/2015

Chỉ còn 2 tuần nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội, thách thức nào, Nhà nước đóng vai trò thế nào trong tiến trình này?

AEC 2015 - cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt

Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015” đã trang bị thông tin một cách tổng quan về các hiệp định RTA, FTA, TPP cũng như tiến trình AEC 

Những vấn đề trên đã được các chuyên gia kinh tế đầu ngành phân tích tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Ngoại giao chỉ đạo tổ chức ngày 13/12.

Đây là cơ hội để các nhà quản lý, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức để hiểu rõ tính tích cực, mức độ tác động của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) về xóa bỏ hàng rào thuế quan với thuế suất bằng 0% cho các nước thành viên, trong nhiều hiệp định thương mại khu vực (RTA) và hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP).

Nhiều cơ hội mới nhưng không ít thách thức

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Chỉ còn 2 tuần nữa AEC chính thức hình thành (1/1/2016). Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, có 4 yếu tố cấu thành cộng đồng kinh tế AEC đó là đảm bảo tự do lưu chuyển hoàng hóa, dịch vụ, đầu tư và vốn.

Theo nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, bản chất AEC không có cơ cấu chặt chẽ, tương đối lỏng và không có sự tương thích nhiều. AEC là tiến trình hội nhập chứ không phải là Hiệp định, là khát vọng chứ không phải bắt buộc của AEC . Như vậy, AEC là một tiến trình và thật ra thời điểm 1/1/2016 là thời điểm tuyên bố hình thành AEC, là khởi đầu để xây dựng AEC . Nên để xây dựng được cộng đồng kinh tế như EU thì còn cần một thời gian dài nữa.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, trong số FTA thì sự cắt giảm thuế quan trong AEC  là cao nhất hiện nay, cao hơn cả so với TPP và các FTA khác. Về tự do hàng hóa và dịch vụ thì sự cam kết cũng cao nhất. Cơ hội cho DN khi AEC hình thành đó là mở ra nhiều thị trường cho DN, tạo khí thế và động lực mới cho DN…Tuy nhiên, AEC cũng mang lại nhiều thách thức như DN sẽ phải cạnh tranh hàng hóa vô cùng lớn khi trình độ phát triển thấp hơn và sự phát triển lại tương đồng, dịch vụ thấp hơn, sự lưu chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn.

TS Vũ Tiến Lộc đánh giá, với tinh chất mục tiêu như vậy thời điểm 1/1/2016 đối với DNVN sẽ không có gì thay đổi đáng kể so với hiện tại, vẫn là tiến trình thực hiện cam kết theo lộ trình đặt ra. Do đó các DN nên hết sức bình tĩnh. Tuy nhiên DN cũng cần sự chuẩn bị tích cực hơn để đón đầu cơ hội này.

AEC 2015 - cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt

Các vị đại biểu, khách mời tham dự chương trình

Đồng quan điểm với TS Vũ Tiến Lộc, ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, AEC cơ bản không có sự thuế quan, là một thị trường duy nhất và và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, có sức cạnh tranh cao, phát triển đồng đều; và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Đánh giá cơ hội của Việt Nam đối với AEC, ông  Nguyễn Hồng Cường cho rằng, sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và việc triển khai Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn, các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn. Cụ thể:

Đối với DN: Sẽ có cơ hội chính như có môi trường kinh doanh rộng lớn hơn và thuận lợi hơn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác. Tuy nhiên, các DN cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam; một số DN với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt.

Đối với người dân: được hưởng thụ những lợi ích thiết thực như: Được sống trong môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn; có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN (đến nay , ASEAN đã ký Hiệp định về di chuyển nhân thể và 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 08 ngành nghề: kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sỹ, điều dưỡng, vận chuyển và du lịch); đi lại thuận tiện hơn trong các nước ASEAN (miễn thị thực 15-30 ngày); được thụ hưởng nhất định từ sự cải tiến của mạng an ninh xã hội. Song, ngày chính người dân cũng gặp một vài thách thức, nhất là phải cạnh tranh về tìm kiếm việc làm có tay nghề, ngay cả tại Việt Nam.

Tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài

Tại diễn đàn, ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, trong những năm vừa qua, thông tin về  AEC, các Hiệp định thương mại tự do, song phương và khu vực không còn xa lạ với DN. Đây là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Xu hướng này đang tăng mạnh cả về số lượng, phạm vi địa lý và mức độ tự do hóa; do các cường quốc dẫn dắt nên tiêu chuẩn thường rất cao.

Theo ông Lê Triệu Dũng, có 4 lý do chính để các nước tham gia hội nhập, đó là: Mục tiêu mở rộng thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu; tạo điều kiện đầu tư; tạo việc làm; và thúc đẩy cải cách trong nước theo hướng hiệu quả.

Ông Lê Triệu Dũng cho biết, AEC  được xây dựng trên cơ sở các cam kết hiện tại gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 2009; Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS) 1995; Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) 2009; Hiệp định di chuyển thể nhân ASEAN (MNP) 2012; Các FTA ASEAN+1: Trung Quốc 2004, Hàn Quốc 2006, Nhật Bản 2008, Ấn Độ, Australia, New Zealand 2009; và các nỗ lực hợp tác khác.

Cộng đồng ASEAN được xây dựng dựa trên 4 trụ cột gồm: Thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Phát triển kinh tế đồng đều; Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở 4 trụ cột này, hiện ASEAN đang xây dựng lộ trình cho 10 năm tiếp theo.

Về cơ hội khi tham gia các hiệp định như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA với EU, hay đối với AEC chúng ta có cơ hội tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta còn có cơ hội tăng công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tham gia FTA với EU còn giúp Việt Nam tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh; Cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn (tham gia vào các chuỗi cung ứng mới).

Có cơ hội thoát bẫy thu nhập trung bình

Chia sẻ về khái niệm ASEAN là gì, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEIM) khẳng định, ASEAN là một hình mẫu liên kết của các nước đang phát triển. ASEAN gồm 4 trụ cột. Điều này rất đúng. Nhưng ASEAN cũng giống tất cả vì nó là FTA, vì nó là tự do hóa.

Nếu TPP cơ bản là luật chơi thị trường đàng hoàng, minh bạch, thì ASEAN lại hướng tới tự do hóa, và nhấn mạnh tới hợp tác – đó là cam kết, đoàn kết và ý chí. ASEAN là kết nối. Nếu bỏ chữ kết nối thì không còn là ASEAN. Ngoài ra, chúng ta cần phải hiểu, ASEAN rất mở. Cộng đồng kinh tế này giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thiết thế ở khu vực. Nếu mất vai trò trung tâm này, thì không còn vai trò của ASEAN.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, ASEAN liên kết các quốc gia cùng bình đẳng. Ban Thư ký của ASEAN giữ vai trò phối hợp hơn thay vì là tiếng nói của Cộng đồng này. “ASEAN là sân chơi thú vị bởi nó là một phần trong mạng chuỗi giá trị toàn cầu. Hãy nhớ rằng ASEAN không chỉ là kinh doanh mà còn là hợp tác. Tại sân chơi này, DN sẽ có nhiều lợi thế bởi có rất nhiều chương trình hỗ trợ DNNVV. Các chương trình này không chỉ dạy cách làm tiền mà còn hướng dẫn chúng ta làm tiền một cách xanh hơn, bền vững hơn, trách nhiệm hơn”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, ASEAN sẽ có tầm nhìn sau 2015 xanh hơn, bền vững hơn, sáng tạo hơn, thông minh hơn và khả năng chống chịu hơn. Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, đây là một chân trời vô tận cho các DNNVV, bởi bên cạnh các xu thế tập đoàn, ASEAN đang có xu thế cá thể hóa, rất phù hợp với con người Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành khẳng định: “Đây là một cơ hội “trời cho” để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội này thì 5-7 năm nữa, Việt Nam sẽ không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta phải nghiên cứu nước cờ chơi như thế nào. Đã đến lúc chúng ta phải chuyển sang cách chơi, thế cờ khác với đối phương thì mới có thể thắng được trên sân chơi hội nhập”.

Chính phủ đóng vai trò gì đối với DN trong hội nhập AEC?

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận xét, với một tiến trình hội nhập rất nhanh thì khả năng nắm bắt của DN là một điều còn trăn trở.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng vai trò của Chính phủ ở đây là vai trò mở đường, khai phá để DN khai thác thông qua việc ký được các FTA, TPP… Tuy nhiên con đường đã có, nhưng DN vẫn chưa bước đi được bởi DN còn quá yếu, Chính phủ cần dẫn dắt và “cầm tay chỉ việc” cho DN thì mới đi được, do đó vai trò của thuận lợi hóa thương mại trong thời điểm này rất quan trọng.

Cũng theo Trần Thanh Hải, lợi ích của thuận lợi hóa thương mại đó là một trong những yếu tố mang lại của cải cho nền kinh tế; bổ trợ và nâng cao sự minh bạch cho các thủ tục liên quan đến DN; góp phần tăng niềm tin cho nhà đầu tư. Nó cũng góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho DN.

Thời gian qua Chính phủ đã tạo ra những cơ chế hỗ trợ DN như: Cắt giảm nhiều thuế quan cũng như các thủ tục hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin như cơ chế một cửa quốc gia. Thêm một cơ chế khác đó là sự phân quyền tự chứng nhận xuất xứ. Đây là sự cải cách rất lớn tạo nhiều thuận lợi cho DN.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương khẳng định, với quá trình gia nhập AEC thì Chính phủ luôn đồng hành cùng DN và mong nhận được sự tương tác từ phía DN. 

 * Một số nội dung đàm phán quan trọng của Hiệp TPP gồm:  Hàng hóa: xóa bỏ gần như 100% thuế nhập khẩu; Dịch vụ và đầu tư: mở cửa cao hơn WTO; Mua sắm của Chính phủ: Thống nhất sẽ có một bộ quy tắc khá toàn diện về mua sắm công; mở cửa thị trường cho các Thành viên TPP tham gia đấu thầu.

TPP yêu cầu các DNNN tham gia phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền; Các DNNN phải minh bạch hóa một số thông tin và nhà nước không không trợ cấp quá mức cho các DN này.

Về sở hữu trí tuệ, tham gia TPP, các DN có thể nâng cao mức độ bảo hộ sáng chế và vấn đề dược phẩm cũng như dữ liệu thử nghiệm cho dược phẩm và nông hóa phẩm; Nâng cao mức độ và kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan; Siết chặt thực thi (bảo vệ) quyền SHTT, đặc biệt là đối với quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường số; Xử lý hình sự các vi phạm và vấn đề xử lý hành chính.

Hiệp định TPP cũng yêu cầu các nước phải ban hành văn bản pháp luật và áp dụng trên thực tế 4 tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

 * Hiệp định FTA với EU được khởi động từ 10/2012 (sau TPP 2 năm). kết thúc các nội dung kỹ thuật tháng 7/2015; kết thúc đàm phán cấp Bộ trưởng đầu tháng 8/2015 (Việt Nam là nước thứ 2 trong khu vực (sau Singapore) kết thúc đàm phán với EU.

FTA với EU chính thức kết thúc đàm phán tháng 11/2015 (ký văn bản kết thúc đàm phán dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo hai bên). Nội dung cam kết về cơ bản tương tự như TPP nhưng tiêu chuẩn thấp hơn chút ít (riêng lĩnh vực mua sắm của Chính phủ thì tiêu chuẩn cao hơn và có thêm cam kết về bảo hộ Chỉ dẫn Địa lý – GI).

Đức Minh