TH true MILK là đối tác chính tại Diễn đàn Nông nghiệp Sữa Quốc tế lần thứ II tại Nga
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 09:44, 21/11/2015
Với tư cách là đối tác chính của diễn đàn quốc tế này, Tập đoàn TH True MILK, một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, cũng dành được sự chú ý tại diễn đàn, nơi quy tụ hơn 1.500 đại biểu, đến từ 32 quốc gia trên thế giới, gồm các nhà sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa, các chuyên gia, đại diện giới khoa học, cùng đại diện Chính phủ Nga và chính quyền tỉnh Moskva.
Phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể, với chủ đề: "Thay thế nhập khẩu - hướng phát triển mới trong việc phát triển ngành công nghiệp sữa", Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich (Ác-ca-đi Đvo-rơ-cô-vích) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động sản xuất sữa, tránh phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh chủ trương của nhà nước Nga là hỗ trợ phát triển ngành sữa, thay thế nhập khẩu, thu hút đầu tư nhằm phát triển nền sản xuất quốc nội...
Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev (A-lếch-xan-đơ Tca-trép) cho biết, hiện tại Nga đang xem xét khả năng giảm lãi suất cho vay đối với ngành công nghiệp sữa và chăn nuôi bò sữa. Ông khẳng định: "Chúng tôi đang chuẩn bị một dự luật nhằm đơn giản hóa các khoản vay dành cho các nhà đầu tư, cũng như giảm lãi suất cho vay ngân hàng xuống mức 5-7%, thay vì 17% như trước đây và các dự án phải hoàn vốn trong thời gian không quá 8 năm". Theo Bộ trưởng Tkachev, Nga cần 7-8 triệu tấn sữa, để có thể bảo đảm 95% dân số được cung cấp các sản phẩm sữa chất lượng, cần phát triển đàn bò tới 1 triệu con bò, và khoảng 650 tỷ rúp từ các nhà đầu tư nước ngoài để có thể tạo sức bật mới cho ngành công nghiệp sữa.
Phó Thống đốc tỉnh Moskva Ildar Gabdrakhmanov (In-đa-rơ Gáp-dra-khơ-ma-nốp) cho biết, trong năm 2015, tỉnh Moskva đã sản xuất khoảng 640.000 tấn sữa và con số này mới chỉ đáp ứng khoảng 32% nhu cầu người tiêu dùng. Chính quyền tỉnh Moskva đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ sản xuất được 1 triệu tấn sữa, nhằm đáp ứng 50% nhu cầu. Đây cũng chính là lý do Tập đoàn TH True MILK- một doanh nghiệp đi đầu trong việc sản xuất sữa tươi sạch của Việt Nam, được chào đón tại diễn đàn này, khi đã ký kết với chính quyền tỉnh Moskva đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD cho các dự án nông nghiệp tại Nga, khởi đầu bằng Dự án "Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, công nghệ cao", theo đó giai đoạn 1 (2015-2016) sẽ đầu tư tại tỉnh Moskva 500 triệu USD để xây dựng 3 cụm trang trại với quy mô đàn bò 45.000 con (trong đó 21.600 con cho sữa) trên tổng diện tích dự kiến 20.000 héc ta và nhà máy chế biến sữa số 1 với công suất 800 tấn/ngày. Giai đoạn 2 (2017-2019): xây dựng 6 cụm trang trại, với tổng đàn bò 100.000 con, và xây dựng nhà máy chế biến sữa số 2 với công suất 1.700 tấn/ngày. Giai đoạn 3 (2020-2025): xây dựng 12 cụm trang trại và hoàn thành nhà máy chế biến sữa Mega, với tổng đàn bò khoảng 200.000 con.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH, là diễn giả chính duy nhất tới từ Việt Nam đăng đàn phát biểu và tham gia các thảo luận về sản xuất và chế biến sữa tươi sạch tại Diễn dàn. Trả lời câu hỏi được rất nhiều đại biểu Nga và quốc tế quan tâm- động cơ nào để TH True MILK lựa chọn Nga là thị trường đầu tư thứ hai, sau Việt Nam bà cho biết, ngoài những tiềm năng lớn về đất đai, khí hậu, phù hợp với chăn nuôi bò sữa, nước Nga còn là thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất từ châu Âu (tới 40%), Nga có những chính sách hỗ trợ nông nghiệp rất tốt sau khi phải đối mặt với các đợt cấm vận từ phương Tây... Đó chính là những dư địa, lợi thế kinh doanh tại Nga mà các doanh nghiệp không nên bỏ qua. Tuy nhiên, "lý do quan trọng nhất, bà Thái Hương cho biết, - đó chính là thiện cảm đặc biệt trong tôi dành cho nước Nga, vốn kế thừa mối quan hệ tốt đẹp suốt 65 năm qua giữa Liên Xô và Việt Nam, kể từ thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 30/1/1950-2015".
Trong hai ngày diễn đàn, các đại biểu đến từ Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Belarus, Nga, Kazakhstan, Tadjikistan, Armenia... tập trung tìm kiếm giải pháp bù đắp 40% lượng sữa thiếu hụt của Nga do lệnh cấm vận từ châu Âu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận vấn đề kiểm soát chất lượng các sản phẩm từ sữa, các xu hướng công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa, đầu tư bền vững trong việc tái trang bị kỹ thuật...