Thủ tướng kết thúc dự Hội nghị ASEM 12, thăm làm việc tại Bỉ

Chính trị - Ngày đăng : 08:59, 20/10/2018

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Á Âu lần thứ 12 (ASEM 12), thăm làm việc tại Liên minh châu Âu (EU) và thăm chính thức Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra.

Thủ tướng kết thúc dự Hội nghị ASEM 12, thăm làm việc tại Bỉ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân trước khi rời sân bay quân sự Melsbroek, thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ

Chiều 19/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới sân bay quân sự Melsbroek, rời thủ đô Brussels lên đường tới Copenhagen, dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Vương quốc Đan Mạch.

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Á Âu lần thứ 12 (ASEM 12), thăm làm việc tại Liên minh châu Âu (EU) và thăm chính thức Vương quốc Bỉ đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra.

Thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel và cùng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến Nhà Vua Bỉ Phillippe; gặp Chủ tịch Hạ viện Bỉ Siegfried Bracke; tiếp Bộ trưởng-Chủ tịch Vùng Wallonie Willy Borsus và Bộ trưởng-Chủ tịch vùng Flanders Geert Bourgeois.

Thủ tướng đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU và Bỉ; làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu của Bỉ và châu Âu.

Thủ tướng cũng đã có cuộc tiếp nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ, Chủ tịch Nhóm các Nghị sỹ Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Thượng viện Bỉ Steven Vanackere.

Nhân dịp thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đã tới gặp gỡ, nói chuyện cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ.

Thăm và làm việc tại châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani; Chủ tich Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange.

Thủ tướng cũng đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á Âu lần thứ 16 (AEBF 16) với sự hội tụ của 400 doanh nghiệp lớn thuộc hai châu lục.

Tham dự ASEM 12, Thủ tướng đã có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng cũng đã dự và chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU.

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc song phương với một số nhà lãnh đạo các thành viên ASEM tham dự hội nghị quan trọng này gồm: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker; Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Slovenia Marjan Sarec, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Tổng thống Mông Cổ Khaltamaagiin Battulga, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có tiếp xúc song phương bên lề với Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.

Thủ tướng kết thúc dự Hội nghị ASEM 12, thăm làm việc tại Bỉ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEM

Trước đó sáng 19/10/2018, tại Tòa nhà Europa, Brussels, Bỉ, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu lần thứ 12 bắt đầu ngày làm việc thứ hai.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, các nhà lãnh đạo đã tiến hành phiên toàn thể đầu tiên về “Cùng vun đắp tương lai: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và kết nối bền vững”. Các nhà Lãnh đạo ủng hộ mạnh mẽ thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, thương mại tự do, mở và không phân biệt đối xử, cam kết chống lại mọi hình thức bảo hộ, phối hợp giải quyết các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế nền kinh tế số và thương mại điện tử.

Hội nghị cũng nhất trí đưa kết nối thành trọng tâm của hợp tác ASEM trong thời gian tới với 6 lĩnh vực ưu tiên, gồm kết nối chính sách, kết nối bền vững, kết nối thương mại và đầu tư, kết nối số, kết nối con người và kết nối liên quan đến thách thức an ninh.

Cũng trong sáng ngày 19/10, tại phiên toàn thể thứ hai về “Củng cố hệ thống đa phương: Thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM ứng phó với các thách thức toàn cầu”, các nhà lãnh đạo khẳng định ASEM cần phát huy vai trò nền tảng thúc đẩy hệ thống đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Phiên họp cũng nhất trí nhiều biện pháp tăng cường hợp tác ASEM nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu đang ngày càng gay gắt, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, nguồn nước, năng lượng, bất bình đẳng xã hội…

Trưa cùng ngày, các lãnh đạo ASEM đã tiến hành phiên họp riêng về “Các vấn đề quốc tế và khu vực”, tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, chống chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải, khủng hoảng nhập cư, Trung Đông-Bắc Phi, Bán đảo Triều Tiên, Iran… Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hội nghị khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên tinh thần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS, cũng như thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hòa bình, hợp tác và phát triển là dòng chảy chính của thời đại, song cộng đồng quốc tế đang chứng kiến những chuyển dịch sâu sắc và thách thức chưa từng có. Thủ tướng đề xuất, vấn đề trước mắt là sớm giảm cọ xát thương mại nhằm tiếp tục đà phục hồi và bảo đảm triển vọng tươi sáng của kinh tế toàn cầu. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế để tìm giải pháp hòa bình và bền vững cho các cuộc xung đột và tranh chấp ở Trung Đông, châu Phi, châu Á…

Việt Nam và các nước ASEAN đã và đang phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do không bị cản trở ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn, nối giao thương Á-Âu và toàn cầu. Theo đó, cần kiên trì thúc đẩy nỗ lực chung, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam đề nghị các bên tiếp tục đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực.

Xuân Lan