Không chỉ có biển xanh, nắng ấm, Quy Nhơn còn hấp dẫn du khách vì điều này
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:44, 28/02/2020
Quy Nhơn đang là một trong những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian gần đây nhờ thời tiết nắng ấm lý tưởng và những danh thắng tuyệt đẹp. Nhưng trái ngược với hiện tượng rác thải từng là vấn nạn tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng, Quy Nhơn mang đến cho du khách một ấn tượng rất khác, khi từ trung tâm thành phố cho tới các khu du lịch, resort, vịnh biển…, đâu đâu cũng vô cùng sạch sẽ.
Bãi biển Quy Nhơn, một trong những bãi biển sạch đẹp nhất Việt Nam
Điểm đến trong lành
Cách đây vài năm, khách đến thành phố vẫn còn gặp cảnh rác dạt vào bờ biển, đặc biệt trong mùa bão. Nhưng những hình ảnh này đã mất dần với sự chung tay quyết liệt của từ chính quyền, doanh nghiệp cho đến cộng đồng và du khách. Triệt để trong công tác xử lý, quản lý rác thải, giờ đây từ trung tâm thành phố cho tới Ghềnh Ráng, bãi Hoàng Hậu, Hòn Chồng, Kỳ Co, Eo Gió…, tất cả đều giữ được diện mạo sạch sẽ, trong lành. Các khu thắng cảnh đang được lắp đặt nhiều thùng rác cùng với các bảng, biển chỉ dẫn cụ thể để du khách và người dân địa phương tuân thủ, từ đó tạo hình ảnh điểm đến xanh, sạch, an toàn.
Nỗ lực này giúp Quy Nhơn vượt qua 7 tiêu chí liên quan đến các hoạt động quản lý môi trường để trở thành một trong 3 điểm đến tại Việt Nam giành danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN” tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2020 vừa qua.
Du khách thích thú dạo chơi trên các bãi biển sạch, “không bóng rác” ở Quy Nhơn
“Khách đến, để họ nhìn thấy rác là kỳ lắm. Quy Nhơn được nhận giải thưởng ‘Thành phố du lịch sạch ASEAN’ thì càng phải tăng cường công tác bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết”, ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn nói.
Còn theo đại diện của FLC Quy Nhơn - quần thể du lịch 5 sao đầu tiên tại Bình Định - thì việc đảm bảo môi trường trong lành có thể xem là yếu tố “sống còn” đối với khu nghỉ dưỡng này. Tọa lạc gần Eo Gió, khu quần thể thường xuyên phối hợp với Đoàn Thanh niên cũng như các hộ dân kinh doanh dịch vụ tại Eo Gió để ra quân dọn dẹp rác thải định kỳ và bảo vệ cảnh quan của nơi ngắm bình minh đẹp nhất Việt Nam.
Nhiều giải pháp đồng bộ khác cũng được triển khai trong khu du lịch như: thay thế toàn bộ chai lọ nhựa hóa mỹ phẩm bằng chai sứ, sử dụng các vòi nước cảm biến tự ngắt để tiết kiệm nước, tận dụng vỏ chai nước nhựa bỏ đi để chế tạo các mô hình máy bay trang trí trong khuôn viên…
“Mục đích đầu tiên của chúng tôi là tạo ra một không gian xanh trong lành để du khách có được những trải nghiệm tốt nhất khi đến đây. Quan trọng hơn, khi du khách cảm nhận được những nỗ lực của cộng đồng người dân cũng như nhân viên quần thể trong việc bảo vệ môi trường thì chính họ cũng sẽ chung tay trong những hoạt động này”, đại diện quần thể cho biết.
Quần thể nghỉ dưỡng FLC phủ xanh lên một dải bờ biển Nhơn Lý
Du lịch bền vững
Chúng ta biết rằng, môi trường và trải nghiệm của du khách có thể bị tàn phá vì ảnh hưởng của nước thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa tại các điểm du lịch, bãi biển. Nhưng chính du khách cũng có thể là một trong những tác nhân khiến câu chuyện này ngày càng tồi tệ hơn.
Hình ảnh những túi nhựa và rác thải đang ngày càng phổ biến trên các bãi biển trước đây còn nguyên sơ, đe dọa sự tăng trưởng bền vững của ngành dịch vụ được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Nhìn ra thế giới, câu chuyện gìn giữ môi trường đã được những điểm đến như Singapore, Đài Loan, Palau…thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ.
Như Singapore, bên cạnh hướng dẫn chi tiết cho người dân và du khách về giữ gìn môi trường, lệnh cấm và các khung hình phạt ngiêm khắc cũng là một “đặc sản” của du lịch nước này. Còn tại Đài Bắc (Đài Loan), thành phố có khoảng hơn 4.000 điểm tập trung rác để người dân dễ dàng tra cứu bằng ứng dụng smartphone.
Đài Loan thì cam kết cấm tất cả các các loại nhựa dùng một lần từ ngày 1/7/2019, còn nước Công hòa Palau đã cho ra đời sáng kiến “Cam kết Palau”, thể hiện trên chính trên chiếc tem hộ chiếu của mỗi du khách với cam kết đối xử tốt với môi trường, đi kèm một đoạn video giáo dục về trách nhiệm của du khách với môi trường phát trên các chuyến bay. Điều này không chỉ là định hướng cho du khách về bảo tồn du lịch mà còn ghi điểm bởi sự sáng tạo độc đáo, kích thích sự tò mò của du khách.
Là điểm đến thu hút du khách 4 mùa, biển Quy Nhơn luôn giữ được sự sạch sẽ, yên bình
Quay trở lại với Quy Nhơn, không chỉ gây ấn tượng với không gian trong lành, mới đây, thành phố biển đang tiếp tục gây chú ý cho cộng đồng với động thái kiên quyết trong việc di dời các khách sạn ven biển để trả lại không gian cảnh quan cho cộng đồng – điều mà nhiều thành phố ven biển nổi tiếng tại Việt Nam chưa thể thực hiện được.
Có thể nói rằng, sự đổi thay và những nỗ lực đáng chú ý của Quy Nhơn có thể đưa thành phố này trở thành một hình mẫu trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Đúng như nhật báo Bangkok Post từng nhận xét, Quy Nhơn không chỉ sở hữu 3 chữ S: Sun, Sea và Sand như các thành phố ven biển miền nhiệt đới, mà còn có thêm một chữ S thứ tư: Serenity - sự yên bình trong trẻo của một thành phố thi ca đang ngày càng trở nên đẹp đẽ, thi vị hơn trong mắt du khách.