Thanh Hóa: Chuẩn bị tu sửa mái vòm phía Tây Thành nhà Hồ
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:56, 01/04/2019
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá), đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Theo sử sách vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần.
Di sản thế giới Thành nhà Hồ bị tác động bởi thời gian
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành. Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông. Chiều Bắc - Nam dài 870,5 m, chiều Đông - Tây dài 883,5 m. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng Tiền - Hậu - Tả - Hữu. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.
Tường thành nhiều điểm bị sập
Cổng tiền (cổng phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Cửa giữa rộng 5,82 m, cao 5,75 m, hai cửa bên rộng 5,45 m, cao 5,35 m. Ba cổng còn lại chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình 5-6 m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10 m. Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai (đường Hoàng Gia) lát đá dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao (nơi nhà vua tế lễ) được xây dựng vào tháng 8/1402. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm dài tới 6 m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.
Qua nhiều năm, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới. Các bức tường thành ngày một bị hư hại.
Không ít cây gây hại mọc trên tường thành
Hiện, cửa Nam thành nhà Hồ đang chịu tác động của tự nhiên, môi trường nhất là sự ăn mòn của muối. Điều này đặc biệt nguy hại, tác động lớn đến viên đá bị tụt, vỡ ở cổng Tây cửa Nam thành nhà Hồ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng và có nguy cơ khiến viên đá bị tụt khỏi vòm cuốn, ảnh hưởng đến kết cấu vòm, nguy hiểm đối với du khách tham quan. Phiến đá nặng 270 kg, kích thước 120cm x 40cm x 30cm bị tụt, vỡ đã xảy ra nhiều năm.
Nguyên nhân của hiện tượng tụt, vỡ là do khí hậu, nước mưa, hơi ẩm đã chuyển muối đến khe nứt rồi tích tụ tại đây. Theo khảo sát, đánh giá của chuyên gia bảo tồn thì hiện tượng tụt, vỡ của viên đá vẫn đang tiếp tục diễn ra. Khối đá bị tụt, vỡ nằm sát bên phải khối đá khoá đỉnh vòm, nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với tính bền vững của cả mái vòm. Muối ở dạng tinh thể, khi hút ẩm sẽ tăng thể tích làm phiến đá bị rời ra thành hai phần.
Các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia bàn cách xử lý tu sửa
Không chỉ có muối, mà rêu, địa y hút các chất khoáng trong đá cũng phát triển rất nhanh cả bên trong và bên ngoài vòm cổng. Độ phủ của rêu lên đến 60% diện tích bề mặt cổng thành, ảnh hưởng đến tính mỹ quan của di sản. Trải qua lịch sử, tường thành còn xuất hiện một số cây thực vật mọc trên các mạch đá. Rễ cây tiết ra nhiều axit làm hư hại đá. Sự tăng trưởng của bộ rễ làm lớn dần các khe mạch của đá dẫn đến sự biến dạng kiến trúc tường đá.
Chuyên gia quốc tế về bảo tồn các công trình kiến trúc đá Vũ Nam Sơn cho hay: Sau khi bàn bạc, đưa ra phương án tổng thể sẽ làm sạch bên trong kẽ nứt, tiếp đó dùng kích để nâng khối đá bị rời ra đạt đến độ chính xác tối đa. Để đảm bảo tính bền vững lâu dài sẽ treo viên đá này lên, chèn thêm chì vào mạch và dùng khoan, khoan trực tiếp vào khối đá, đóng đinh vít cố định. Về việc loại bỏ tác nhân gây hại cổng thành phía Nam, nếu làm thủ công không được thì áp dụng phương pháp phun cát.
Đại diện Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã thống nhất hai phương án làm làm vệ sinh tường thành và đưa khối đá lên. Đối với di sản, màu thời gian cần giữ lại, giữ trong quá trình làm vệ sinh. Phần đen, rêu mốc cần loại bỏ theo phương pháp thủ công và mức độ làm sạch tới đâu thì dựa vào những phiến đá của tường thành sẽ rõ. Việc làm vệ sinh cũng cần lựa chọn phương án bảo quản lâu dài, ít tốn kém nhất. Đối với khối đá bị tụt, tách rời. Phương án treo cũng là một đề xuất nhưng khi khoan đá sẽ gây rung, xuất hiện lỗ khoan. Do đó, nên nâng khối đá lên, dùng vật liệu chèn, ít tác động nhất mà mang lại hiệu quả cao nhất.
Sức hút của Di sản Thành nhà Hồ ngày một lớn đối với du khách, đặc biệt là quốc tế. Thống kê mấy tháng đầu năm 2019, lượng du khách quốc tế đến tham quan Di sản Thành nhà Hồ đạt gần 3 nghìn lượt người, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2018.