Những lễ hội ở miền đất tâm linh
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 07:24, 01/02/2017
Mùa xuân rộn ràng với lễ hội xuống đồng
Hội xuống đồng của người Tày bản Lúc được bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng Giêng khi mưa xuân giăng màn trong tiết trời se lạnh. Bên ngôi đình dựng ở vị thế trang trọng dưới tán cây si cổ thụ soi bóng xuống dòng suối trong xanh, dân làng chứng kiến một vị chức sắc đại diện trong dòng tộc họ Hoàng cùng các bậc cao niên làm lễ cầu phúc lộc, cầu mùa màng tốt tươi, người người mạnh khoẻ.
Ngay sau đó là hội thi cày được diễn ra bên khoảnh ruộng dưới chân ngôi đình. Các thí sinh tham dự thi thường là những công dân gương mẫu, lao động sản xuất giỏi được tuyển lựa trong cộng đồng dân cư. Họ chít một vuông vải điều trên đầu, còn cặp sừng của những “chú” trâu cày cũng được ông chủ của chúng làm “duyên” bằng sợi dây nơ rực rỡ. Sắc màu tươi rói đó là biểu tượng cho thắng lợi của một năm cấy trồng.
Trong tiếng trống ngũ liên dồn dập của người cầm trịch, cuộc thi diễn ra chóng vánh chỉ với 5 đường cày, ai đến đích trước tiên, với kỹ thuật độ đổ của những xá cày đều như chồng bát úp, không để lỏi, đường cày thẳng băng là đạt giải.
Kết thúc phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian gồm: đánh yến, tung còn, kéo co, bắn nỏ… khách gần, khách xa, người già, trẻ nhỏ ai thích chơi trò gì thì tìm đến sân ấy, đông vui, nườm nượp. Xa xa trên đỉnh đồi, bên gốc mơ, gốc đào sắc hoa rung rinh trong gió, đám hát khắp cọi, múa then đắm chìm trong thanh âm của núi rừng Tây Bắc. Những thiếu nữ Tày ửng hồng đôi má, duyên dáng trong sắc chàm truyền thống, uyển chuyển thể hiện trong mỗi trò chơi, mỗi làn điệu giao duyên bay bổng thanh khiết giữa trời xuân.
Mộc mạc, thấm đẫm hơi thở của núi rừng Tây Bắc, hội xuống đồng như một bản sắc văn hoá vùng miền rất riêng của người Tày nơi đây với ý tưởng cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, dân tình mạnh khoẻ, an lành để cộng đồng dân cư có được những giây phút thư giãn, sảng khoái, tạo hứng khởi trước khi bước vào vụ mới.
Mùa lễ hội đền Ông
Lễ hội đền Ông hay còn gọi là lễ hội đền Bảo Hà diễn ra vào ngày 17 tháng 7 Âm lịch hàng năm, tưởng nhớ công lao to lớn của ông Hoàng Bảy, người anh hùng đã đứng lên dẹp giặc ngoại xâm, giữ bình yên cho người dân vùng biên ải phía Bắc vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786 ).
Đền Bảo Hà
Được biết, Lễ hội Đền Bảo Hà đã được Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.
Mở đầu là lễ “nhập tịch” diễn ra vào giờ Tí tại cung Cộng đồng của ngôi đền, bởi theo quan niệm giờ tý là giờ “âm dương lão khởi” tức là mọi điều tốt lành bắt đầu nảy sinh. Một vị hoà thượng cầm cốc nước, tay hua nén nhang trong nghi thức cúng lễ bao hàm ý nghĩa nước là ngọn nguồn của sự sống đem lại nhiều điều may mắn, cầu cho sức khoẻ, thịnh vượng cùng mọi điều tốt lành cho muôn dân. Nghi lễ thể hiện sự cung kính, gột rửa những điều còn tồn tại để tâm thân an lạc thể hiện khát vọng về cuộc sống được sung túc, an lành.
Phần khai hội với nghi thức đầu tiên là lễ rước kiệu với ý tưởng tái hiện hình ảnh hội binh của tướng Hoàng Bảy. Đi đầu là đội múa lân, cờ ngũ sắc, phường bát âm. Tiếp theo là long đình, bát bửu, chấp kích, sau là các kiệu của các thôn bản gồm kiệu thánh, kiệu mẫu, kiệu tướng Hoàng Bảy, đội tế nam, đội tế nữ cùng các đoàn khách.
Trong tiếng chiêng, tiếng trống rền vang, đoàn rước lộng lẫy cờ hoa chuyển động từ Đền Cô sang trình đền Ông, ra sân lễ hội rồi rước Thánh thực hiện nghi lễ dâng hương, đọc chúc văn. tế yên vị trong không gian linh thiêng của ngôi đền toạ lạc dưới chân đồi Cấm. Phần hội diễn ra khá phong phú với nhiều trò chơi dân gian đặc biệt là màn trình diễn các giá hát văn hầu đồng với những làn điệu dọc, cờn, nhịp 1, chèo đò…hoà quyện với tiếng đàn nguyệt, nhị, bầu, thập lục, bộ gõ trầm bổng, dập dìu, khoan nhặt làm mê đắm lòng người.
Mùa thu ở vùng quê này, thiên nhiên dường như hoà vào làm một màu xanh dịu dàng đến nao lòng. Du khách sẽ có cơ hội được hít thở bầu không khí trong lành lúc dạo chơi thăm vùng quả đặc sản để thưởng thức vị ngọt giòn riêng có của trái hồng không hạt, các món ăn truyền thống của địa phương được chế biến từ cá sông Hồng, bánh gai, bánh lẳng cùng các loại rau rừng thanh khiết. Rồi cũng từ nơi đây khách dễ dàng đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện để chiêm ngưỡng cảnh quan từ các khu di tích lịch sử văn hoá Đồn Phố Ràng, thành cổ Nghị Lang, Đền Phúc Khánh…
Lễ hội chọi trâu trong những ngày khai xuân
Hai lễ hội đặc trưng của hai mùa Xuân- Thu, ngoài các trò chơi truyền thống, những năm gần đây Bảo Hà còn phục dựng, duy trì hội chọi trâu. Nếu như chọi trâu trong lễ hội xuống đồng với ước muốn một năm cấy trồng mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu và điều cơ bản là nhằm khơi dậy tiềm năng về chăn nuôi, khuyến khích việc tuyển chọn trâu có chất lượng mang thương hiệu Bảo Yên thì chọi trâu trong lễ hội đền Ông lại biểu thị quyền uy trận mạc, chiến thắng các thế lực thù địch.
Hội thu hút sự tham gia của các chủ trâu từ nhiều tỉnh bạn Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ và cả thành phố Hải Phòng…Mang đậm nét văn hoá độc đáo với tinh thần thượng võ đầy tính nhân văn của người miền núi. Xem hội du khách được mục kích những màn trình diễn đặc sắc, ấn tượng qua những miếng đánh độc, hiểm, những trận đấu giằng co đầy kịch tính mang đậm màu sắc truyền thống.
Tham dự những lễ hội miền đất địa linh, được đắm mình trong không gian di sản văn hoá phi vật thể đậm đà bản sắc dân tộc hẳn du khách sẽ có nhiều ấn tượng đẹp, lòng lại nhủ lòng thêm một lần được đến nơi đây.