Những địa danh in đậm dấu ấn Hồ Chủ tịch
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 09:08, 20/05/2016
Làng Sen
Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là quê nội của Bác, nơi cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của B) đã trải qua những năm tháng thơ ấu đầy kỷ niệm.
Trong suốt cuộc đời bận rộn vì dân vì nước, Bác chỉ về thăm quê được 2 lần. Sau 50 năm bôn ba lần đầu về thăm quê, Bác nói: “Tôi xa quê đã 50 năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi, nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do”.
Trường Quốc học Huế
Được xây dựng từ năm 1896, bên dòng sông Hương thơ mộng, trường Quốc học Huế không chỉ biết đến với vẻ đẹp và lịch sử lâu đời mà còn bởi ngôi trường này là nơi cậu học trò Nguyễn Tất Thành đã từng học tập và hoạt động.
Nơi đây, Người được tiếp thu văn hóa phương Tây, hiểu rõ hơn bản chất chế độ thực dân để từ đó quyết định vào Nam tìm đường cứu nước.
Việc Người chọn Sài Gòn là nơi để đi nước ngoài sau này được lý giải là do lúc bấy giờ Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ có những công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang Pháp.
Bến Cảng Nhà Rồng
Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng ở Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống con tàu Amiral Latouche Tréville để ra đi tìm đường cứu nước.
Ngày nay, nơi đây còn trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh phản ánh những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác và sự phát triển của thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh.
Khu di tích Pác Bó (Cao Bằng)
Sau nhiều năm bôn ba tại nhiều quốc gia trên thế giới, vào ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua biên giới Việt - Trung để trở về căn cứ Pác Bó trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng trong nước.
Tại đây còn lưu giữ những kỷ vật gắn liền với quá trình hoạt động của Người như hiếc máy đánh chữ, đôi dép cao su cùng nhiều vật dụng sinh hoạt khác…
Đến với Pác Bó, du khách được thăm hang Cốc Bó, hang Bo Ban, lán Khuổi Nậm, bãi Cò Rạc, núi Các Mác và suối Lê Nin, suối Nậm…
Thủ đô kháng chiến Tân Trào
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thủ đô kháng chiến Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang trở thành trung tâm đầu não của cách mạng Việt Nam. Nơi đây gắn liền với lịch sử cách mạng và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945.
Quảng Trường Ba Đình (Hà Nội) – Nơi Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập
Sau khi lãnh đạo thành công cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 trên quảng trường Ba Đình tại Hà Nội, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội) là nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Đây cũng là nơi Người đi vào cõi vĩnh hằng ngày 2/9/1969.
Nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17 Paris
Nơi đây Người đã sống và hoạt động lâu nhất, từ 14/7/1921 đến 14/3/1923. Căn phòng nằm trên tầng 3 của ngôi nhà cũ kỹ trong ngõ cụt thuộc một khu phố nghèo ở Paris, không điện thắp sáng, rộng 9m2, chỉ vừa đủ kê chiếc giường cá nhân, một bàn nhỏ và một chiếc ghế.
Năm 1986, chủ sở hữu ngôi nhà đã phá bỏ ngôi nhà cũ này để xây nhà mới 9 tầng. Những kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính quyền thành phố Montreuil đưa về trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Montreuil. Hiện nay, ngôi nhà này chỉ gắn biển di tích tượng trưng.
Cùng với những địa danh in đậm dấu ấn Hồ Chủ tịch, còn có rất nhiều nước trên thế giới đã đặt tên Hồ Chí Minh cho các đường, phố, quảng trường, lớp học... của mình. Điển hình nhất là nước Ý với 21 con đường mang tên Hồ Chí Minh trải dài khắp cả nước; hay đại lộ mang tên Avenida Ho Chi Minh - Đại lộ Hồ Chí Minh tọa lạc ngay trung tâm Thủ đô Lunada, Angola …