Đình Hữu Bằng - Một ngôi đình Đoài đặc sắc

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 13:13, 14/01/2016

Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” – xứ Đoài - Sơn Tây là nơi hội tụ nhiều ngôi đình làng cổ kính và đặc sắc về kiến trúc, lịch sử, văn hóa.

Bên cạnh đình Tây Đằng, đình Tường Phiêu, đình Mông Phụ… thì đình làng Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) có vẻ đẹp độc đáo và lưu giữ trong đó nhiều di sản quý giá.

“Vuông như cả tấm lòng làng”

Cụm di tích đình, chùa, văn từ Hữu Bằng nằm trên một khu đất vốn như một bán đảo, xung quanh là những ao lớn. Ao kè đá ong vuông vức. Do biến thiên của lịch sử, khu di tích chỉ còn lại ao Sen lớn ở phía trước. Kịch tác gia Tào Mạt người làng này, trong thời gian kháng chiến chống Pháp ở chiến khu nhớ về quê nhà đã viết “Nhớ hộ ao Sen già nhăn nếp trán/ Vuông như cả tấm lòng làng”.

Đình làng Hữu Bằng thấp thoáng trong tán cây đa xanh mướt soi bóng xuống ao Sen như một bức tranh thủy mạc. Bước qua hai trụ biểu lớn, là sân đình, hai bên có tả mạc và hữu mạc. Đình được xây dựng năm Chính Hòa thứ 10, triều vua Lê Hy Tông (1689), thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê trung hưng. Ban đầu đình có kiến trúc  như đình Chu Quyến, Tây Đằng, bốn bề thông thoáng, hai bên có bục gỗ, xung quanh là lan can con tiện, hậu cung ngắn, những đầu đao trên mái cũng đơn giản, khỏe khoắn.

137 năm sau, năm Minh Mạng thứ 7 (1826), đây cũng là thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Nguyễn, đình Hữu Bằng được trùng tu lớn. Phía trên nóc đình đắp thêm lưỡng long triều nguyệt và làm thêm một phần hậu cung kép, vừa tạo vẻ bề thế, có nhiều góc nhìn đẹp mắt, vừa có chỗ cất chứa tế khí, sắc phong, hương ước của làng… Hậu cung là phần ống muống dài với thiết kế hai tầng mái, kết thúc bằng  một kết cấu hai tầng tám mái thanh thoát với những đầu đao mềm mại. Trên mái, chỗ tiếp giáp giữa tòa chính và hậu cung là máng nước lớn có đắp hình cá chép giương vây như sắp “hóa long”, cùng với với lưỡng long triều nguyệt là những điểm nhấn tuyệt đẹp.

Đình Hữu Bằng - Một ngôi đình Đoài đặc sắc

Đình làng Hữu Bằng năm 1952    (Ảnh tư liệu gia đinh)

Đi theo cửa chính vào chính điện ta thấy hệ thống hoành phi, câu đối, bát bửu, ngựa thờ, tàn lọng. Do hậu cung sâu nên không gian thờ tự có không khí thâm nghiêm, trang trọng. Bức cuốn thư lớn, sơn son thiếp vàng có bốn chữ “Phổ bác uyên tuyền” (Ca ngợi công đức của Thành hoàng rộng lớn, sâu xa). Bức cuốn thư được tạo lập năm Bảo Đại thứ 7 (1932) do bà con phường thịt Hữu Bằng kinh doanh ở Vĩnh Yên cung tiến. Sau bức cuốn thư là hệ thống cửa võng có ba chữ đại tự  “Tối linh từ” (Đình cực thiêng), hai bên có câu đối “Vũ thí vân hành quang vũ trụ/Càn hoàn khôn chuyển hiển anh linh” nghĩa là: Mưa xuống, mây bay sáng cả vũ trụ/ Trời tròn, đất chuyển hiển anh linh). Lớp cửa võng tiếp theo có bốn chữ “Dương dương tại thượng” (Mênh mông ơn trên) và đôi câu đối rất đặc biệt, hai vế có hai chữ đối nhau thành tên của làng như sau: “Lịch đại HỮU phong chân giản sách/ Bách niên BẰNG thức thử cung đình” nghĩa là: Các triều đại kế tiếp nhau có sắc phong ghi trong sử sách/ Trăm năm chứng cứ ở nơi như cung đình này.

Đình Hữu Bằng thờ ba vị Thành hoàng là Thượng đẳng thần Nam Hải đại vương. Đình còn lưu giữ 26 đạo sắc phong, từ năm Cảnh Hưng nhà Lê đến những năm Bảo Đại nhà Nguyễn.

Hệ thống bia đá của đình còn cho hay, hai chữ “Hữu Bằng” lấy từ Kinh Thi, trong câu “Hữu bằng, hữu dực, hữu hiếu, hữu đức, khải đễ quân tử, tứ phương vi tắc” nghĩa là: Có sự tin cậy, có thể giúp đỡ được nhà vua, có hiếu hạnh, có đạo đức khiến vua vui mừng, đặt phép tắc cho bốn phương. Xem thế đủ biết, khi đặt tên làng tiền nhân đã gửi gắm vào đó biết bao khát vọng. Hữu Bằng không chỉ có nghĩa là đáng tin cậy mà là có tài, có đức.

Một di sản Hán Nôm quí giá nữa của đình Hữu Bằng là bức biển ngạch “Mỹ tục khả phong”  (Tục đẹp, thói hay) do vua Tự Đức ban tặng năm Đinh Mão (1867). Điểm đặc biệt là biển lớn hơn các biển ngạch cùng thời và do triều đình Huế gửi về, chứ không phải chỉ gửi sắc phong và cấp tỉnh chế tác để ban thưởng như lệ thường lúc bấy giờ. Điều đó chứng tỏ Hữu Bằng đã có những đóng góp, thành tích lớn để được triều đình tưởng thưởng đặc biệt.

Hậu cung của đình còn lưu giữ được một tấm bảng gỗ sơn son, chữ đen ghi Hương ước của làng lập năm  Thành Thái thứ ba (1891), thủ bút của cụ đồ Nguyễn Văn Thuyết. Sau đó làng lại có Hương ước cải lương hương chính ở đầu thế kỷ 20. Hương ước Hữu Bằng được các nhà nghiên cứu đánh giá là có những qui định khá dân chủ và nhiều nét đặc sắc.

Những  giai thoại còn lưu truyền

Một giai thoại mà người làng Hữu Bằng không mấy ai không biết là trên một cột đình ở góc phải có năm vết chém. Người ta kể rằng, người cung ứng gỗ cho dân làng làm đình phải lên miền thượng du rất gian nan để mua gỗ rồi vận chuyển về, nhưng khi đình đã hoàn thành, dân làng tri ân những người có đóng góp lớn để bầu làm hậu thần, mãi mãi được dân làng hương khói, thì không có người cung ứng gỗ. Nguyên do là có người cho rằng, ông cung ứng gỗ chắc hẳn đã có lãi, như vậy không phải là làm công đức. Tiện cây dao dài, ông chém ba nhát vào cây cột và thề rằng ông đi mua gỗ không lấy lãi, nhưng cuối cùng dân làng bàn bạc và không đưa ông vào làm hậu thần. Cho rằng dân làng không công bằng, ông ra đình chém thêm hai nhát vào cây cột và thề rằng, ông sẽ bỏ làng ra đi.

Đình Hữu Bằng - Một ngôi đình Đoài đặc sắc

Không gian thờ tự của đình hiện nay

Ông Phan Văn Bốc khi sinh thời có kể rằng, ông là hậu duệ của người cung ứng gỗ đó, cụ tên là Phan Văn Thành, cụ giận bỏ ra đi nhưng để lại vợ con, và cụ đến khu đồi Mơ, cách làng vài cây số để lập nghiệp, tạo thành một chi họ Phan nữa ở đấy. Sau đó ít năm, cụ ra chùa Thầy (Sài Sơn) sống bằng nghề làm thuốc. Cụ mất tại Sài Sơn được học trò an táng theo lời dặn lại của cụ, ngay bên chùa Một Mái. Hàng năm con cháu vẫn viếng mộ cụ… Thật ra, dân làng cũng không quên ơn cụ mà sau đó mỗi khi có cúng tế, dân làng đều mang cỗ vào biếu gia đình.

Nếu giai thoại về người cung ứng gỗ nói về thời làm đình thì chuyện giữ đình cũng được dân làng truyền tụng. Qua nhiều binh lửa chiến tranh, đình Hữu Bằng vẫn được dân làng gìn giữ nguyên vẹn cho đến nay. Trong đó, chuyện giữ đình trong thời tiêu thổ kháng chiến còn in đậm trong tâm trí dân làng. Hồi đó có phong trào phá dỡ các công trình lớn để giặc Pháp không có chỗ đồn trú. Đình Hữu Bằng cũng thuộc diện phải phá dỡ. Nghe tin này, các cụ trong làng hết sức lo lắng, vội họp bàn để giữ đình. Các cụ mời ông Tào Mạt, khi đó là một trong những đại diện chính quyền đến để phân tích phải trái. Các cụ nhắc rằng xưa nay qua bao cơn loạn lạc, đình làng chưa bao giờ là nơi đồn trú của giặc do vị trí không thích hợp, hơn nữa đình là nơi thiêng liêng đối với dân làng nên không thể phá… Tào Mạt lắng nghe rồi thưa: Hôm đó các cụ cứ như thế mà nói, chúng cháu sẽ cùng nghe ạ. Ngày dỡ đình, dân làng cử một cụ có nghĩa khí, nói năng khẳng khái làm người phát ngôn. Các cụ mặc áo the khăn lượt cùng dân làng đứng chật sân đình, cụ đại diện phân tích mọi điều hơn thiệt. Cuối cùng việc dỡ đình được hoãn lại. Sau đó, chủ trương tiêu thổ kháng chiến thay đổi nên đình Hữu Bằng và một số đình trong khu vực, được bình yên. Câu chuyện về “cụ giữ đình” thường được kể lại như một biểu tượng của dũng khí và tinh thần đoàn kết trong làng.

Những năm hợp tác hóa, đình được trưng dụng làm xưởng sản xuất, nhưng sau khi Đổi mới, đình được trả lại cho dân làng. Bằng công sức và tài lực, vật lực của cả làng, thập kỷ 90 của thế kỷ 20, đình lại được phục hồi như dáng vẻ nguyên sơ, trở thành một di tích văn hóa – nghệ thuật quốc gia được xếp hạng. Một đáng tiếc nhỏ là hai trụ biểu được xây dựng lại khá thô vụng. Hy vọng, khi có điều kiện hai trụ biểu sẽ được làm lại cho tương xứng với vẻ đẹp toàn thể của ngôi đình.

Điểm tham quan thú vị

Ngồi trên bục đình rộng rãi và vững chãi, chúng tôi hiểu rằng nơi mình đang ngồi đã trải qua nhiều thế kỷ, với biết thế hệ dân làng, các nhà khoa bảng, chức dịch, hương lão, quan viên… đã ngồi đây để bàn bạc việc làng, giữ cho những tục đẹp, thói hay được truyền từ đời này sang đời khác. Đình làng như một già làng cần mẫn, một nhân chứng lịch sử chứng kiến biết bao niềm vui, nỗi buồn, những thăng trầm dâu bể của thời cuộc, cũng là nơi an ủi, khích lệ mỗi con dân của làng khi họ cần đến một chỗ dựa tinh thần. Đình làng vì thế vừa thân thiết, đơn sơ lại vừa linh thiêng, cao quí.

Bên cạnh đình là chùa, chùa có tên chữ là Vĩnh Phúc tự, cũng được xây dựng thời Lê Chính hòa. Kế bên chùa là Văn từ, thờ Khổng tử và các nhà khoa bảng của địa phương.

Hữu Bằng, nằm giữa chùa Thày (Sài Sơn) và chùa Tây Phương, hai danh lam đặc biệt của xứ Đoài, nên cũng là một điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Một lần ghé thăm đình Hữu Bằng, lắng nghe tiếng nói của lịch sử vọng về, hỏi chuyện các bô lão… sẽ là những trải nghiệm thú vị đối với du khách.

Một trong những vị hậu thần phối thờ ở đình Hữu Bằng là quan Thượng Vòng Nguyễn Khả Trạc (1598-1672) người xã Dịch Vọng, Từ Liêm. Ông là con rể quan Phụ quốc thượng tướng Vân quận công ở xã Vĩnh Lộc kế bên. Sau khi hồi hưu, ông đã làm nhiều công đức cho Hữu Bằng và Vĩnh Lộc, như mua ruộng hiến cho hai làng “trâu cùng thả, mả cùng chôn” và mua đất xây dựng chợ Hữu Bằng. Hữu Bằng thờ ông là hậu thần dù ông tạ thế trước khi xây dựng đình. Hiện nay Hữu Bằng còn lưu giữ được những tấm bia ghi công đức của ông và vợ con ông nhiều lần xuất tiền ủng hộ việc kiến thiết, tu bổ đình làng Hữu Bằng.