Tưng bừng tiệc núi

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 14:36, 25/12/2015

A Riêu Ping là lễ hội quan trọng bậc nhất mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Pa Kô ở phía Tây Quảng Trị.

Lễ hội không chỉ là dịp để con cháu tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất mà đây còn là cơ hội để đồng bào các dân tộc vùng cao gặp gỡ, giao lưu mỗi khi mùa màng đã vãn.

Người đến từ phía núi

Trong tiếng Tà Ôi, “Pa” là “phía”, “Kô” là “núi”. Pa Kô là “người phía bên kia núi”. Đến bây giờ, người già Pa Kô ở huyện Đakrông và Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc của mình. Câu chuyện của họ có gì đó ngậm ngùi, hờn tủi như chính tên gọi của tộc người, như hành trình của tổ tiên họ đến với vùng đất miền Trung Việt Nam.

Câu chuyện đó kể rằng: Người Pa Kô là hậu duệ của người Pa Đoal, một tộc người hiện sống phổ biến ở Myanma. Khi đang sinh sống yên ổn thì người Pa Kô bị một tộc người khác đến quấy phá. Để ngăn chặn tình trạng xung đột, tranh chấp kéo dài, hai tộc người liền tổ chức một cuộc thi xem ai xây thành nhanh nhất, bên nào thua sẽ phải nhường lại đất đai, nhà cửa cho bên thắng. Người Pa Kô vốn thật thà, họ cố gắng xây một tòa thành thật kiên cố bằng những cây gỗ lớn, chính vì thế mà bị thua người láng giềng do họ dựng một bức thành tạm bợ bằng những vật liệu dễ kiếm, dễ tìm.

Theo giao kèo, người Pa Kô phải rời khỏi vùng đất đang ở. Họ dắt nhau đi về phía mặt trời mọc. Khi đến Lào, họ định an cư lạc nghiệp ở đó nhưng vì không hợp thổ nhưỡng, khí hậu và tôn giáo, họ lại tiếp tục đi về phía Việt Nam. Khi chạm dãy Trường Sơn, do ở đó đã có người Tà Ôi sinh sống từ trước, không thể tranh giành những phần đất đai màu mỡ đã có chủ nên họ đành dịch chuyển qua những ngọn núi cao, chọn cho mình những nơi hoang vu để định cư. Tên gọi Pa Kô - tức là người phía núi cũng bắt đầu từ đó.

Tưng bừng tiệc núi

Tưng bừng lễ hội A Riêu Ping  Ảnh: IE

Trước kia, người Pa Kô sống gần như tách biệt, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt và hái lượm. Cách đây khoảng hơn 50 năm, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, người Pa Kô đã bước ra khỏi rừng già sâu thẳm để lập làng, lập bản. Từ cuộc sống ăn hang ở lỗ, từ mái đá hoang vu, người Pa Kô đã và đang từng bước hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Chu toàn với người đã khuất

Chính vì phải dời bỏ vùng đất cũ, lang thang du canh du cư qua nhiều vùng đất khác nhau cho nên người dân tộc Pa Kô không có điều kiện để hương khói, chăm sóc phần mồ mả của ông bà tổ tiên mình. Thế nên, cứ khoảng mười, mười lăm năm hay hai mươi năm các bản làng người dân tộc Pa Kô mới tổ chức lễ A Riêu Ping một lần nhằm báo hiếu với ông bà tổ tiên của mình và thường tổ chức vào dịp năm mới, khi việc nương rẫy, ruộng vườn đã thư thả ít nhiều.

Địa điểm tổ chức tuỳ thuộc vào sự bố trí của già làng, miễn sao thuận lợi về đi lại cho những người tham gia lễ hội. Thời gian tổ chức lễ hội thường kéo dài trong ba ngày, ba đêm. Đầu tiên, đồng bào làm chung một ngôi nhà ở trung tâm để mời các già làng, trưởng bản lân cận, những vị khách quý tham dự lễ đến ở trong suốt thời gian lễ hội. Sau đó, các thanh niên bắt đầu dựng cây nêu trước sân nhà lớn.

Khi cây nêu được dựng xong thì đó cũng là lúc lễ hội mới thực sự rộn ràng. Bởi, theo quan niệm của người Pa Kô, cây nêu là nơi ở của các vị thần cháu con mời về dự lễ. Đứng trước cây nêu, một người có uy tín nhất trong bản đọc lời thề: "Hỡi anh em các dân tộc 3 miền, chúng ta hãy nguyện đời đời đoàn kết đùm bọc lẫn nhau như anh em một nhà". Kết thúc lời thề, tất cả các loại nhạc như cồng, chiêng, tù và nổi lên và nhân dân trong vùng nhảy múa suốt đêm để hầu các vị thần về chung vui, phù hộ cháu con.

Cùng với việc dựng nêu, bà con dân bản tiến hành dựng nhà mồ theo lối kiến trúc dân gian gồm 4 cột chịu lực, mái trước cao, mái sau thấp, liên kết chân và đầu cột bằng các tấm ván có trang trí họa tiết hình mặt người như trang trí trên đầu cột. Hình thức lợp mái nhà mồ rất độc đáo đó là bằng các ống tre chẻ đôi sắp úp ngửa, nắng không thể vào, mưa không thể dột. Sau đó, toàn bộ thanh niên, trai tráng trong bản được huy động để bốc mộ và đưa hài cốt của những người đã khuất tại rừng ma về tập trung ở nhà mồ.

Tưng bừng tiệc núi

Anh Hồ Văn Linh: “Người Pa Kô rất trọng tình cảm”

Trước khi cất bốc hài cốt người đã khuất về nhà mồ 3 ngày, các gia đình và dòng họ làm lễ cúng Giàng và người đã khuất cáo mời về dự lễ A Riêu Ping. Theo luật tục, khi bốc các hài cốt còn mới, các gia đình đặt câu hỏi "bốc hết chưa", người giúp cất bốc chỉ cần lấy một vài bộ phận nào đó tượng trưng mà trả lời "hết rồi" thì xem như hài cốt người quá cố đã được lấy hết và đưa vào tiểu sành mang về như những người khác.

Già làng Hồ Kha ở A Túc, Hướng Hóa, Quảng Trị, cho biết: Việc đặt nhà mồ cũng phải tuân theo thứ tự. Nhà mồ của chủ làng được đặt ở ví trí đầu tiên, kế theo là các dòng họ của làng. Địa điểm đặt nhà mồ đặt ở gần các con suối có nước chảy quanh năm. Theo quan niệm của người Pa Kô, việc đặt nhà mồ ở đó để những người đã khuất luôn mát mẽ và thuận lợi trong làm ăn ở thế giới bên kia. Nhà mồ nơi đặt các hài cốt tập thể, không phân biệt gái, trai, ai chết sau đặt trước, ai chết trước đặt sau (tức là đặt ở bên trên), hướng đầu quay về phía núi cao thoáng rộng. Phía trước nhà mồ được trang trí bằng các hình người nam, nữ khỏa thân được đẽo bằng cây rừng tượng trưng cho hạnh phúc và sự sinh sôi nảy nở như vòng đời bất tận.

Lo xong việc nhà mồ, trai làng thay nhau đánh chiêng, đánh trống và nhảy múa, ca hát suốt ba ngày đêm, gọi là "đánh trống, chiêng “nuôi” người đã khuất". Để tỏ lòng tôn kính, những người đến dự lễ cũng tham gia vào các màn nhảy múa. Có những lúc đoàn “vũ công” lên đến cả trăm người. Họ vừa nhảy, vừa hát: “Anh em dân tộc ba miền. Cùng nhau xiết chặt nối liền vòng tay. Truyền thống tốt đẹp xưa nay. Một lòng đoàn kết nồng say chan hòa”.

Cứ thế, cuộc múa hát kéo dài cho đến ngày thứ ba thì dân làng và khách mời cũng như khách thập phương cùng tham gia vào lễ đâm trâu. Theo tục lệ cũ, mỗi dòng họ trong làng bắt buộc phải có một con trâu lớn cúng lễ; nay thực hiện theo nếp sống mới, việc tổ chức lễ hội cũng có sự thay đổi, tránh lãng phí, tốn kém. Theo đó, cả làng góp lại, chỉ đâm một con trâu, còn các gia đình thì tự nguyện, lễ vật tuỳ theo điều kiện kinh tế.

Đề cao tính cộng đồng

Khi diễn ra lễ hội A Riêu Ping, họ hàng, thông gia nội ngoại ở các bản trên bản dưới đều được mời về tham dự. Những gia đình đang sinh sống ở nước bạn Lào cũng được mời về, khách thập phương cũng được tiếp đãi trang trọng. Cựu chiến binh Hồ Văn Mòn ở bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông cùng nhiều người dân ở bản mình sang làm khách Ra Zóc (cách gọi khách đến tham dự lễ A Riêu Ping của người Pa Kô) cho biết, năm nay, họ đã đi làm khách Ra Zóc ở bốn bản khác nhau, trong đó có ba bản ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đường đi dẫu có xa nhưng họ rất vui cái bụng. Đến bất cứ bản nào, các gia đình ở bản đó tiếp đón họ như những người thân trong gia đình.

Để tỏ lòng hiếu khách, đồng bào Pa Kô thường tổ chức các trò chơi rất thú vị và sôi nổi rành cho Ra Zóc. Ví dụ như trò chơi “lấy lộc”. Giữa khu đất trống, trưởng bản đem buộc một con gà đen vào cây cột nêu, khi các Ra Zóc tới mọi người tranh nhau bắt gà, nếu Ra Zóc ở bản nào mà lấy đuợc con gà ấy thì tức là họ sẽ mang đuợc nhiều lộc về cho bản mình, cho dòng họ và gia đình. Ai cũng muốn bắt được “gà lộc”, thành thử cây cột nêu với những tua hoa được gọt từ cật tre cứ hết bật lên rồi bị kéo võng xuống bởi sức kéo của bao người. Thật vui và náo nhiệt.

“Một nét đẹp văn hóa được thể hiện rõ nhất trong lễ A Riêu Ping của người dân tộc Pa Kô đó là tình cảm của hai gia đình thông gia, theo tiếng của người Pa Kô là Khơi Cù Za. Mỗi khi lễ A Riêu Ping được tổ chức thì hai gia đình thông gia phải có trách nhiệm đem lễ vật đến cho nhau. Với người dân tộc Pa Kô khi đã lấy vợ gả chồng dù ở xa bất cứ nơi đâu nhưng nghe tin báo bản mình tổ chức lễ A Riêu Ping thì họ cũng phải tìm về để vui chung với gia đình, dòng họ và bà con dân bản, vừa thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, thăm hỏi anh em họ hàng trong gia đình vừa là dịp để báo hiếu với ông bà tổ tiên nhắc nhở cho con cháu luôn nhớ về cội nguồn”, anh Hồ Văn Linh, người dân tộc Pa Kô, cán bộ TAND huyện Đakrông, chia sẻ.

Chính vì muốn khơi lại những mạch nguồn văn hóa, tâm linh sâu thẳm ấy mà thời gian gần đây, các ban ngành của tỉnh Quảng Trị đã và đang tìm cách phục dựng và tổ chức thường xuyên hơn lễ hội A Riêu Ping. Như thế, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn, những điệu múa, các bài dân ca khoáng đạt như núi rừng, mang tải tâm hồn, tình cảm của “những người đến từ phía núi” lại được dịp vang lên, hòa vào khí núi, hương rừng, tô đẹp thêm cho bức tranh văn hóa rực rỡ của các dân tộc Việt Nam.

Nam Hoàng