Khai hội Đền Huyền Trân Công Chúa: Trang trọng và giàu bản sắc dân tộc
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:48, 27/02/2015
Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, để thắt chặt tình đoàn kết giữa hai dân tộc Đại Việt và Chămpa, công chúa Huyền Trân - người đã hy sinh tình yêu và hạnh phúc của riêng mình để lo cho sự nghiệp của dân tộc. Công chúa Huyền Trân đã về làm dâu xứ Chiêm Thành. Chính bà đã đem về cho Đại Việt một vùng đất thiêng Châu Ô, Châu Lý vuông ngàn dặm, là phần đất trải dài từ Nam sông Hiếu, Đông Hà - Quảng Trị đến tận Bắc sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Nghiêm trang Điện thờ Huyền Trân công chúa.
Lễ hội bắt nguồn từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta và được tổ chức thường niên để tưởng nhớ đến công ơn của người con gái Đại Việt - Công chúa Huyền Trân.
Năm nay, Lễ hội được tổ chức vào ngày giỗ thứ 675 của Công chúa Huyền Trân, mang đậm nét dân tộc truyền thống cung đình xưa. Khai lễ được bắt đầu bằng khởi chiêng trống và tấu nhạc theo nghi thức dân gian truyền thống Huế (Tế Thúc Phần và các bậc khai canh công thần).
Hàng nghìn người dân, khách thập phương đã về dự lễ, thắp hương, chiêm bái. Những nơi được du khách tham quan nhiều là điện thờ tượng vàng Công chúa Huyền Trân, tượng công chúa khi đã xuất giá đến tu tại chùa, tượng thờ Phật Di Lặc, đền thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - cha Công chúa Huyền Trân và tháp chuông Hòa Bình... Đây là lễ hội thường niên, Lễ hội đã thu hút đông đảo các tổ chức đoàn thể, tầng lớp nhân dân, bà con tăng ni phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách gần xa đến bày tỏ lòng thành kính của với bậc tiền nhân đã có công lớn đối với dân tộc.
Lễ hội Đền Huyền Trân công chúa kéo dài từ ngày 09 đến hết ngày 16 tháng Giêng năm Ất Mùi tức ngày 27/2 đến ngày 6/3/2015.