Phong tục đón Tết nguyên đán tại một số nước Châu Á

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 06:59, 09/02/2015

Không riêng Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người dân nhiều nước châu Á với nhiều phong tục thú vị.

Hàn Quốc

Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc được gọi theo tiếng Hàn là Seollah, rơi vào khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2 dương lịch.

Theo tục lệ, ngày 30 Tết, các gia đình sẽ dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, buổi tối trước lúc giao thừa, họ thường tắm rửa sạch sẽ bằng nước nóng để tẩy trần và đặc biệt là người dân Hàn Quốc không ngủ đêm giao thừa, bởi theo truyền thuyết nếu ngủ thì đến khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn.

Trong những tuần giáp Tết, người Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ thường trao nhau các tấm bưu thiếp để cảm ơn lẫn nhau về những gì đã có trong năm cũ và cầu chúc một năm mới hạnh phúc.

Phong tục đón Tết nguyên đán tại một số nước Châu Á

Nghi lễ thờ cúng tổ tiên vào thời khắc giao thừa của người Hàn Quốc. Ảnh: Internet

Vào những ngày Tết, mọi người mặc trang phục truyền thống là Hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất và cả gia đình sẽ cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên vào thời khắc giao thừa.

Đồ ăn dâng cúng thần, Phật, tổ tiên được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải hoàn tất vào đêm giao thừa. Đồ ăn cúng bao gồm 20 món và bắt buộc phải có món ttok – kuk (một loại phở nước được chế từ bò hoặc gà).

Sáng sớm ngày mồng 1 Tết, sau khi tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool (một loại rượu bổ của Hàn Quốc), cả nhà lại tiến hành tiếp nghi lễ cúng tổ tiên gọi là Chesa do người trưởng nam đứng ra làm lễ.

Trẻ em tại đây sẽ được thoải mái tham gia vào các trò chơi truyền thống được tổ chức ở nhiều địa điểm. Câu chúc phổ biến của người Hàn Quốc là: “Say hay boke –mahn he pah du say oh”, nghĩa là “Mong nhiều phúc lành sẽ đến với bạn trong năm mới”, trước cửa nhà nào cũng treo “Bok jo ri”, đó là 1 cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi, treo vật này ngoài cửa người Hàn Quốc mong muốn được nhận phúc lộc quanh năm.

Mông Cổ

Ngày tết cổ truyền âm lịch ở Mông Cổ được gọi là tết Tsagaan Sar hoặc tết Tháng Trắng. Đây là một trong hai ngày tết quan trọng nhất và được đợi chờ nhất ở đây (ngày tết còn lại là tết Naadam vào tháng 7).

Phong tục đón Tết nguyên đán tại một số nước Châu Á

Tsagaan Sar là một trong hai ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Mông Cổ. Ảnh: Internet

Ngày tết này được tính theo năm Tây Tạng. Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar không chỉ là một ngày lễ cổ truyền báo hiệu kết thúc mùa đông dài và lạnh lẽo để đón chào một mùa xuân mới, mà còn là thời điểm quây quần, sum vầy gia đình và thắt chặt các mối quan hệ xã hội (giống với tết của người Việt Nam).

Vào những ngày này, mọi người thường tụ họp lại trong nhà của người già nhất trong vùng, trao đổi các món quà cho nhau, đặc biệt là cho trẻ em. Sau đó họ sẽ cùng ăn những món ăn truyền thống như: cơm với sữa đông, cơm với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.

Thái Lan

Phong tục đón Tết nguyên đán tại một số nước Châu Á

Trang hoàng đón năm mới ở thủ đô Bangkok. Ảnh: Internet

Người Thái Lan gọi tết cổ truyền mừng năm mới là Songkran.Tết âm lịch được chào mừng bằng lễ hội té nước, thành viên trong gia đình sẽ sức dầu cho nhau bằng các loại nước thơm.

Nhiều cuộc thi sắc đẹp cũng sẽ được tổ chức trong dịp này, ngoài ra còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều mầu sắc.

Những người lớn tuổi sẽ yêu cầu thế hệ trẻ hơn bỏ qua những hành vi, lời nói khó chịu của họ trước đó. Sau đó họ sẽ buộc những đoạn dây nhỏ vào cổ tay chúng như một phần của nghi lễ truyền thống.

Trung Quốc

Lễ hội mừng năm mới của người Trung Quốc thường kéo dài đến ngày rằm tháng giêng, khi mà mặt trăng sáng nhất. Người Trung Quốc sẽ nghỉ một vài tuần làm việc để chúc mừng năm mới.

Phong tục đón Tết nguyên đán tại một số nước Châu Á

Biểu diễn múa sư tử của người Trung Quốc trong dịp Tết. Ảnh: Internet

Và mỗi năm luôn có những con vật tượng trưng cho năm đó ở Trung Quốc. Trong dịp năm mới, các gia đình Trung Quốc trang hoàng nhà cửa, nấu những đồ ăn độc đáo, mưa sắm quần áo mới, nợ nần thanh toán và gia đình bạn bè tụ tập để cùng mừng năm mới.

Trẻ em trong ngày đón năm mới được nhận những phong bao lì xì, đi thăm hỏi bạn bè, họ hàng và cầu chúc những điều tốt đẹp cho 1 năm mới.

Singapore

Ngay từ những ngày trước Tết, đèn lồng đỏ đã được treo khắp đường phố Singapore. Khu Chinatown (phố Tàu) - trung tâm của Lễ hội Tết âm lịch ở Singapore - nhộn nhịp mua bán thực phẩm, hoa tươi và trái cây cho ngày Tết.

Phong tục đón Tết nguyên đán tại một số nước Châu Á

Khu Chinatown rực rỡ trong Lễ hội hoa đăng. Ảnh: Internet

Khu vực này cũng là nơi tổ chức Chunjie (Lễ hội Mùa xuân) với nhiều hoạt động văn hoá khác nhau, nổi bật nhất là Lễ hội Hoa đăng Mừng năm mới, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ diễu hành Chingay kéo dài suốt hơn một tháng, từ tuần cuối tháng chạp năm cũ cho đến Rằm tháng Giêng âm lịch.

Trong suốt 15 ngày, từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày 15 tháng Giêng, trên đất nước Singapore đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động vui xuân.

Vào dịp này, người dân Singapore thường đến các đền chùa để lễ thần, Phật, vãn cảnh ở các vườn hoa, công viên, khu di tích, danh thắng văn hóa hoặc đi chơi ở các khu vui chơi giải trí trong cả nước. Tết cũng là dịp để người ta đi thăm họ hàng, bạn bè và đãi tiệc nhau.

Cha mẹ và những người thân đã lập gia đình sẽ gửi tặng “hong baos” (tiền lì xì đựng trong bao đỏ) cho những người thân chưa lập gia đình như một cách cầu chúc may mắn cho họ.

Khôi Anh(TH)