Kể chuyện Phật ở ngôi chùa đẹp nhất nhì thành phố Hồ Chí Minh
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:01, 13/05/2013
Nổi tiếng không chỉ vì nó là ngôi chùa đẹp, đồ sộ nằm giữa trung tâm thành phố mà còn vì sự linh thiêng mà nhiều người biết đến. Chùa còn có nhiều sinh hoạt cộng đồng độc đáo ít nơi có được. Bởi thế, từ lâu nó là nơi mà người dân thành phố tìm đến, gửi gắm nỗi lòng, để tìm sự thanh tịnh và niềm tin cuộc sống.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến không nằm ở kiến trúc đồ sộ của chùa Xá Lợi mà nằm ở khung cảnh yên tĩnh, thanh thoát. Chùa rất đông người nhưng tuyệt đối trật tự, từ tăng ni phật tử đến người ngoài mỗi người một việc riêng, trong im lặng. Chỉ có tiếng kinh mõ thi thoảng vọng về, như tô điểm cho không gian linh thiêng thêm ấn tượng.
Kho báu Phật pháp
Ở chùa Xá Lợi, dường như cái gì cũng hiền hòa, từ tăng ni phật tử cho đến người ngoại đạo đều trìu mến. Tôi nhác thấy ở chỗ trông xe có để một thùng nhỏ ghi chữ tùy hỷ, người gửi xe để vào bao nhiêu tiền cũng được, thậm chí không để cũng chẳng sao, nhân viên chẳng hỏi han gì và vẫn nở nụ cười tươi tiễn khách. Giữa thành phố kim tiền, quả thật hiếm có nơi nào như vậy. Đi vào trong sân chùa rộng và rợp bóng, có những hàng cây sa la (loài cây gắn với giai thoại về đức Phật) rợp bóng, hoa trái sum suê. Nhà chùa cẩn thận bao lưới những trái to, còn để cả biển báo đề phòng trái rơi trúng đầu người.
Chùa Xá Lợi quá đẹp và bề thế. Các sư sãi cho biết nó chính thức khởi công xây dựng ngày 5/8/1956 trên diện tích 2.500m2, do Câu lạc bộ Đông Dương nhượng lại với số tiền tượng trưng là một đồng bạc Việt Nam. Thời gian thi công ngôi chùa là mười bảy tháng và hoàn thành ngày 2/5/1958. Chùa Xá Lợi chỉ mới trải qua một lần trùng tu duy nhất trong ba năm, từ 1999 đến 2001. Đợt trùng tu này đã giữ nguyên vẻ kiến trúc ban đầu của ngôi chùa. Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Đây là ngôi chùa lầu đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh mở đầu cho lối kiến trúc mới của Phật giáo: Trên Bái đường, dưới Giảng đường. Đồng thời trên nóc Chính điện là những đầu mái uốn cong. Chùa có các hạng mục: cổng tam quan, ngôi chính điện, giảng đường, tháp chuông bảy tầng, thư viện, văn phòng Ban quản trị, khu tăng phòng, nhà trai đường, phòng khách, đoàn quán gia đình Phật tử, phòng phát hành kinh sách, nhà vãng sinh và các vườn cảnh.
Tụng kinh dưới chân Phật
Trong số những công trình nêu trên thì, kiến trúc mang nét đặc trưng làm nên phong cách riêng của chùa Xá Lợi là ngôi Chính điện và tháp Chuông bảy tầng. Ngôi Chính điện có chiều rộng 15m2, chiều dài 31m2. Chính điện được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, hiệu quả ánh sáng được vận dụng tốt nhờ hệ thống các cửa sổ cao, cọng với mặt tường được tô đá rửa màu vàng lợt. Hiếm thấy có chùa nào chánh điện rộng như vậy, nền đá sạch bóng và mát rượi. Trên tường xung quanh Chính điện có 14 bộ tranh mô tả lịch sử cuộc đời đức Phật từ lúc Đản sanh đến khi nhập Niết bàn. Nhà chùa giải thích bộ tranh này do giáo sư Nguyễn Văn Long Trường Đại học Mỹ thuật Gia Định thực hiện năm 1958. Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn bột màu, rất sinh động, trông vào như đắp nổi. Đây là tác phẩm rất có giá trị nghệ thuật về phong cách họa tiết. Ngoài ra, trên Chính điện còn có một tháp bằng ngọc, hình lá Bồ đề, bên trong đựng ngọc Xá Lợi của đức Phật Thích Ca. Tháp đựng Xá Lợi được tôn trí ở trên cao, ngay trước tượng Phật Thích Ca.
Mặt trước chùa là cổng Tam quan chính, nhìn ra đường Bà Huyện Thanh Quan. Cổng Tam quan phụ mở ra phía đường Sư Thiện Chiếu. Phía trong cổng Tam quan chính, bên trái là tháp Chuông bảy tầng cao 32m được khởi công xây dựng ngày 15 tháng 12 năm 1960. Trong tháp treo Đại hồng chung. Đại hồng chung đã phải đúc hai lần. Lần đầu đúc ngày ngày 01 tháng 03 năm 1961 bị hỏng. Lần hai đúc ngày 15 tháng 04 năm 1961, cân nặng 2 tấn, đường kính 1,2m, cao 1,6m, rót đồng tại phường Phường Đúc Huế theo mẫu của đại hồng chung chùa Thiên Mụ. Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đặc biệt không có câu đối. Nhưng bù lại chùa lại có những pháp khí qúi giá khác như: Bức hoành phi đề bốn chữ Hán tự “Đông thùy pháp vũ” do chính tay Từ Hy thái hậu viết. Một tháp bằng bạc trong đựng ngọc Xá lợi của Đức Hoạt Phật Chương Gia Đại Sư do Pháp sư Diễn Bồi mang từ Đài Loan sang tặng chùa Xá Lợi vào ngày 11/12/1960. Một ngọn tháp bằng đồng lấy kiểu từ ngọn tháp cổ đã tìm lại được dưới đất sâu tại Ấn Độ hồi thế kỉ 18. Ngọn tháp này do ông S. Gupta, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Việt Nam đến chùa Xá Lợi nhân danh Ban tổ chức lễ kỉ niệm Buddha Jayanti tặng cho ông Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt vào ngày 25/8/1957.
Ngoài ra, chùa Xá Lợi còn được coi là ngôi chùa Bắc tông duy nhất ở Việt Nam hiện lưu giữ pho kinh Pali viết trên lá buôn cổ xưa nhất. Pho kinh này đã trên một ngàn năm tuổi. Bản kinh dài 45 cm, rộng 6cm, hai đầu có dùi lỗ để xỏ chỉ xâu lại. Bìa kinh làm bằng gỗ, sơn son thép vàng, có trang trí hoa văn cầu kì. Pho kinh được bọc trong một khăn lụa ngũ sắc. Bản kinh được cung thỉnh về chùa Xá Lợi vào ngày 16/6/1957. Nội dung pho kinh này chép những lời ngọc của đức Thế Tôn khi Ngài bắt đầu chuyển bánh xe Pháp luân.
Sơ lược vài nét như vậy đủ cho thấy chùa là một “kho báu” Phật pháp thật sự. Vì lẽ đó, nó càng trở nên tôn nghiêm, linh thiêng khác lạ.
Kho báu cuộc đời
Chùa Xá Lợi không những là nơi thờ tự mà còn là trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của tất cả mọi người. Ngay bên dưới tòa chánh điện là lớp giáo lý. Trong không khí trang nghiêm, hàng trăm phật tử ngồi phía dưới chăm chú lắng nghe từng giai thoại, từng đạo lý nhà Phật. Ngoài ra, nhà chùa còn có lớp Thư pháp dành cho mọi đối tượng. Ấn tượng nhất có lẽ là thư viện hiện có trên 3.000 đầu sách, trong đó có hai bộ Đại tạng king bằng chữ Hán rất có giá trị, đó là bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh và bộ Tân Tu Tục Tạng. Thư viện mở cửa phục vụ ngày hai buổi suốt cả tuần. Từ thứ hai đến thứ năm dành cho bạn đọc người Việt, từ thứ sáu đến chủ nhật dành cho bạn đọc người Hoa. Chùa Xá Lợi nghe đâu còn thường hay tổ chức lễ hằng thuận (lễ cưới) cho nhữn cặp uyên ương là Phật tử và những ai muốn tổ chức lễ cưới theo nghi thức Phật giáo.
Chùa Xá Lợi mang kiến trúc rất đẹp
Tôi bỏ nhiều giờ theo chân lớp học toàn những phật tử trẻ tuổi. Giữa không khí thoát tục, những đứa trẻ túm tụm bên nhau ca hát rất vui tươi. Xong giờ sinh hoạt ở giữa sân, cả lớp chừng gần trăm em cùng vào chánh điện niệm kinh phật. Những đứa trẻ ngây thơ quỳ dưới chân phật, chắp những bàn tay nhỏ xíu, miệng ngân vang những lời kinh theo tiếng chuông, tiếng mõ. Một cảnh tượng thanh bình, thoát tục bày ra trước mắt. Tôi tiến đến chỗ cậu bé đang say sưa đọc sách trên ghế đá ngoài khu chánh điện. Thằng bé giới thiệu tên là Huỳnh Tuấn Khải, học sinh lớp 4 trường tiểu học Kỳ Đồng. Vừa đọc sách nó vừa đọc theo bài kinh tụng vang ra bên trong chánh điện rất đều đặn. Thì ra nó thuộc làu những bài ấy. Khải cho biết cũng là thành viên lớp học phật tử tại gia ở chùa. Anh trai Khải học lớp 6 cũng đang học bên trong. “Ngày nào em cũng vào đây học bài, ở đây yên tĩnh và dễ học anh ạ”-Khải tâm sự. Nhà ở gần nên nó có cơ hội được đến chùa mỗi ngày. Khải theo lớp học phật tử nhiều năm, nhìn nó rất ngây thơ vào ngoan hiền. Nhiều lần tôi hỏi em có tin sẽ được đức Phật phù hộ không? Nó trả lời không biết. Nhưng nó tin trong chùa chỉ toàn người tốt nên nó tìm đến. “Lúc đầu vào đây, thấy Phật em sợ lắm, nhưng bây giờ khác rồi. Ở đây ai cũng tốt nên em cũng sẽ thành người tốt anh nhỉ?”-thằng bé hồn nhiên nói.
Lời thằng bé bỗng dưng cho tôi một trải nghiệm quá đỗi lý thú. Rằng Phật pháp, cái đẹp đẽ của lẽ sống đôi khi đi vào con người một cách tự nhiên, như một làn nước mát lành vậy. Có lẽ vậy nên hàng trăm người đến chùa Xá Lợi mà tôi gặp ai cũng mang một vẻ mặt như thế: đôn hậu và ngời niềm tin. Thật ra, tôi đến chùa lúc đầu với mục đích là để kiểm chứng: Nhiều người nói chùa Xá Lợi dạo này vắng hơn trước nhiều. Vì xung quanh hàng quán xô bồ và ô uế mọc như nấm làm cho nơi này mất linh thiêng. Nhưng có lẽ những người nói vậy chưa đặt chân đến đây. “Vào đây là để gặp phật, gặp sự thanh thảnh trong con người mình. Còn gì linh thiêng hơn nữa”-Bà Hạnh, một bà lão ngoài 60 ngồi bên ngoài sân chùa nói với tôi. Bà kể cũng nghe đồn ở nơi này thiêng lắm, trước đây người ta kháo nhau cầu gì được nấy. Nhiều người giàu có đến bằng xe hơi đắt tiền. Riêng bà không quan tâm đến chuyện đó. Bà đến đây đã mấy chục năm liền, chỉ để cho nhẹ lòng, vơi bớt những ưu tư, không mưu cầu bất cứ điều gì. Nhà bà rất nghèo nhưng của cải lớn nhất là niềm tin vào cuộc sống, tin ở Phật pháp và những điều tốt đẹp. “Ai tham lam thì cầu xin tứ phương, xin không được lại mang lòng oán trách, như vậy là đã đánh mất mình rồi”-bà nói. “Quán nhậu xô bồ hay bất cứ gì cũng không thể làm lu mờ Phật pháp linh thiêng được”.
Chợt nhớ đến lời hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới rằng: “Phật ở trong tâm, khi đã có tâm Phật thì làm cái gì cũng không mưu cầu lợi danh cho mình và luôn được Phật chứng giám, độ giúp”.Trong cuốn sách “Khi hoàng hạc bay về”, ông còn kể lại: Khi xin được đất để xây chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lâm Tì Ni (Nê Pan) giữa một vùng đầm lầy, bùn quá nửa thân người. Nghi lễ khấn nguyện được tổ chức nhưng không ai có thể lội một vòng cúng vái quanh vùng đất ấy. Cả đoàn đến lúc mất hy vọng thì có một người cưỡi voi không hay từ đâu đến đồng ý cho mọi người ngồi trên lưng voi đi một vòng khu đầm lầy để cúng. Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự vừa khởi công thì đã có chim hoàng hạc bay đến trú ngụ. Những điều màu nhiệm đó không khác gì tín hiệu của đức Phật đã nghe thấy, chứng dám cho con người.
Mãi mông lung, bà lão Hạnh đến vỗ vai chào tôi với nụ cười đôn hậu, chừng nhắn nhủ với tôi rằng rằng nơi linh thiêng nhất của Phật pháp đến vào neo đậu lại chính là lòng người. Rằng với bà và nhiều người khác, chùa Xá Lợi không khác gì kho báu của cuộc đời, mãi mãi linh thiêng và kỳ diệu.