Tháng 7, về miền đất thiêng
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 07:27, 27/07/2012
Trong chiến tranh, Quảng Trị là nơi địa đầu giới tuyến, bom đạn đã chà đi xát lại, người còn sống như hạt gạo trên sàng. Có lẽ, không có nơi đâu trên đất nước mình mà xã nào cũng có nghĩa trang liệt sỹ, rồi huyện nào cũng có nghĩa trang liệt sỹ; không những thế, Quảng Trị còn có hai nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia. Tháng 7 này, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ và 40 năm sự kiện Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, xin được hành hương về thăm miền đất thiêng, nơi mà mỗi tấc đất đều thấm bao máu xương của các liệt sỹ, nơi chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng nỗi đau vẫn chưa thể nào nguôi ngoai.
1. Trên con đường thiên lý Bắc - Nam, đi qua vùng Quảng Trị thấy hiện lên những đồi cát chạy dài. Những trảng cát như hút mắt khách hành hương. Cùng với những đồi cát là các nghĩa trang liệt sỹ. Các nghĩa trang, phần lớn đều ở ven đường lộ, tiện đường giao thông; cách một quãng đường lại bắt gặp một nghĩa trang. Nhà ở của dân, có khi còn nghèo, đơn sơ nhưng các nghĩa trang liệt sỹ đều được xây dựng khang trang, chăm sóc cẩn thận. Đó là các nghĩa trang liệt sỹ xã. Ở Quảng Trị có 62 nghĩa trang như thế. Ngoài ra còn có 8 nghĩa trang liệt sỹ huyện và 2 nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia (Trường Sơn, Đường 9). Sau hòa bình, có những xã như Hải Thượng, chỉ 4.000 dân nhưng đã có trên 2.000 mộ liệt sỹ; xã Hải Phú, dân số 3.000 người mà có tới 1.960 mộ liệt sỹ. Tòan tỉnh Quảng Trị hiện có gần 6 vạn mộ liệt sỹ được mai táng trong 73 nghĩa trang hiện có trên địa bàn.
Ở Quảng Trị còn có một nghĩa trang lớn nhất, nghĩa trang chưa có tên và chắc mãi không có tên: nghĩa - trang - trong- lòng - dân! Đó là Thành Cổ Quảng Trị. Hiện tại, ở nghĩa trang Thành Cổ chỉ có chưa đến một nghìn ngôi mộ liệt sỹ, hầu hết là chưa có tên. Thế nhưng, trong 81 ngày đêm chiến đấu để bảo vệ Thành Cổ rộng chỉ 4km2, nơi đây đã phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn của địch (sức công phá tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hirosima - Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai). Sau cuộc chiến, cả Thành Cổ chỉ còn là đống gạch vụn. Đã có hơn một vạn chiến sỹ Quân giải phóng đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ Thành Cổ, xương thịt của các anh đã hòa lẫn vào đất.
Tìm tên thân nhân trên bia tượng niệm
Vì vậy, có những chuyện có thật mà nghe khó tin. Sau giải phóng, người dân Thành Cổ mỗi lần đào móng làm nhà, chuẩn bị xây dựng một công trình thì đều chuẩn bị tiểu sành, hương hoa bởi họ biết mỗi lần đào đất lên, thế nào cũng gặp hài cốt liệt sỹ! Một Thành Cổ nhỏ bé, rộng 4 km2, sau giải phóng chỉ có 3.132 gia đình mà đã có 500 gia đình thương binh, liệt sỹ.
2. Những nghĩa trang trải dài suốt dải đất Quảng Trị cũng chưa nói hết nỗi đau chiến tranh. Có những liệt sỹ hy sinh nhưng đến hôm nay chưa biết mộ phần ở đâu? Trong chiến tranh, có lẽ người chịu nhiều mất mát, thương đau là các bà mẹ. Tiễn con ra đi, nhiều bà mẹ không có được ngày đoàn tụ, đón con trở về.
Từ thị trấn Diên Sanh, rẽ về tiểu lộ 8, qua Vĩnh Thắng, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hòe ở xã Hải Vĩnh. Mẹ Hòe có một người con trai độc nhất là liệt sỹ. Mẹ cười móm mém: “Mẹ có thằng con đã cho cánh mạng nhưng bù lại mẹ được tận mắt nhìn thấy nhà nước độc lập, quê hương ngày càng được đổi mới. Được các chú quan tâm, xây cho ngôi nhà che nắng, che mưa là mẹ mừng”. Còn mẹ Võ Thị Sản, ở xã Hải An là Mẹ Việt Nam anh hùng có ba con liệt sỹ cầm tay chúng tôi mà nước mắt chảy dài: “Các con đến thăm, mẹ như thấy được bóng hình của các con mẹ trở về”.
Các cựu chiến binh thả hoa tưởng niệm trên sông Thạch Hãn
Ở Quảng Trị, những bà mẹ bình dị mà lớn lao. Mẹ Diêu Cháu, mẹ Hoàng Thị Sáng ở làng Mai Xá, huyện Gio Linh. Các mẹ đều có con trai đi hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man rồi chặt đầu đem cắm lên cọc tre bêu đầu ngòai cổng chợ. Nghe tin con bị giặc chặt đầu, các mẹ vô cùng đau xót và đi lấy đầu con về chôn cất. Về câu chuyện này, nhạc sỹ Phạm Duy đã sáng tác bài hát “Bà mẹ Gio Linh” nổi tiếng. Mẹ Nguyễn Thị Dương ở thôn Gia Đẳng (Triệu Phong) có đến sáu người con là liệt sỹ: Đoàn Định, Đoàn Giao, Đoàn Anh, Đoàn Cư, Đoàn Thị Tùng và Đoàn Hà. Mẹ còn có ba người con nổi tiếng, đó là Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương và Đại tá Đoàn Thúy. Gia đình thuộc lọai chính sách, là mẹ của các vị tướng, thế nhưng khi đồng chí Đỗ Mười về thăm, mẹ chỉ nói một ước nguyện giản dị: “Mẹ mong muốn cuối đời được một miếng đất nhỏ gần con cháu để sau này mất đi, mẹ sẽ nằm xuống đó cho con cháu đi thăm viếng được gần!”.
Qua nhiều đợt phong tặng, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị có gần 1.000 bà mẹ được Nhà nước phong tặng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện có 95 mẹ còn sống. Tất cả các mẹ đều được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến suốt đời. Mảnh đất nghèo nhưng luôn ấm áp tình người.
3. Hàng chục năm nay, cứ vào dịp 27-7, cựu chiến binh Lê Bá Dương - một người lính năm xưa đã từng chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị, năm nào cũng trở về viếng thăm đồng đội cũ của mình đã nằm lại đâu đó xung quanh Thành Cổ, dưới dòng sông Thạch Hãn. Lê Bá Dương đã dùng một chiếc thuyền, chở đầy hoa, đi từ thượng nguồn trôi về xuôi và anh đã thả những cành hoa tưởng niệm xuống dòng Thạch Hãn. Lê Bá Dương đã viết những câu thơ gan ruột để tưởng nhớ đồng đội của mình: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Lâu dần thành lệ. Các đồng đội cũ, chẳng ai bảo ai, mỗi năm tìm về một đông. Chiếc thuyền mỗi năm một đầy thêm hoa. Gần đây, hình thức tưởng niệm này đã trở thành một nghi lễ. Hòa cùng với các anh, trên chuyến đò ngang sang Thành Cổ, vào 27-7 các mẹ, các chị cũng thả xuống dòng sông những bó hoa tươi. Nghi thức tưởng niệm đơn sơ mà nhiều ý nghĩa.
Tháng 7 này, phía bờ bắc sông Thạch Hãn đã hiển hiện lên một ngôi đền tưởng niệm. Đây là bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn (phường An Đôn, thị xã Quảng Trị) vừa được khánh thành vào ngày 21- 7- 2012. Tháng 7 này, nắng và gió Lào vẫn miên man thổi trên miền đất Quảng Trị. Nắng và gió sẽ làm tươi thắm hơn sắc hoa- những cành hoa mà đồng bào, đồng chí thả xuống dòng Thạch Hãn để vọng tưởng, tri ân những liệt sỹ đã ngã xuống trên miền đất thiêng này.
(Quảng Trị - TP.HCM tháng 7-2012)
Linh Giang