Du lịch Vũng Tàu: Đừng để khách đi không trở lại

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 11:16, 13/04/2012

Với 3 mặt giáp biển, khí hậu điều hòa ấm áp quanh năm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thiên nhiên ban tặng lợi thế đặc biệt để trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Thế nhưng, trên thực tế, trong khi lượng khách nội địa bình dân với mức chi tiêu thấp đến Bà Rịa-Vũng Tàu không ngừng tăng thì số du khách quốc tế đến tỉnh này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Khi du lịch “ăn xổi”


Năm 2011, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đón tiếp và phục vụ số lượng khách du lịch khổng lồ: trên 9,5 triệu lượt người, nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 2000 tỷ đồng. Trong khi đó, số lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ninh kém xa Bà Rịa-Vũng Tàu: chỉ với trên 6 triệu lượt khách - bằng 60% so với Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng doanh thu du lịch của Quảng Ninh lên tới 3.400 tỷ, gần gấp đôi doanh thu của Bà Rịa-Vũng Tàu.


Nguyên nhân nào khiến hiệu quả kinh doanh của du lịch Quảng Ninh vượt xa Bà Rịa-Vũng Tàu? Không khó để có câu trả lời. Đó là do chất lượng khách đến Quảng Ninh cao hơn hẳn Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong khi cả năm 2011, Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đón được 362 ngàn lượt khách quốc tế, thì số khách quốc tế đến Quảng Ninh lên tới 2.300.000 lượt với mức chi tiêu vượt trội. Nếu so với số 6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2011, thì con số 263 ngàn lượt khách quốc tế đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu càng trở nên quá nhỏ bé. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đón và phục vụ trên 600.000 lượt khách, nhưng tới 95% trong số đó là khách nội địa đi về trong ngày, mức chi tiêu rất thấp. Khách quốc tế đến Bà Rịa-Vũng Tàu trong những ngày đầu xuân 2012 chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, nhưng lại nườm nượp đổ về Hội An, Hà Nội, Quảng Ninh…

Khách du lịch tới Vũng Tàu


Một câu hỏi được đặt ra: tại sao du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu lại kém sức hút đối với du khách quốc tế - nhất là đối tượng khách cao cấp?


Ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh cho rằng: ngành du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thiếu một chiến lược marketing dài hơi, thiếu hẳn sự đầu tư bài bản và hợp lý mà thường khai thác theo kiểu “ăn xổi ” mang tính thời vụ, do đó thường bị động trước những diễn biến khách quan không thuận lợi. Những tác động từ sự suy thoái, khủng hoảng tài chính toàn cầu và tình hình lạm phát trong nước tăng cao đã, đang và sẽ còn tác động mạnh đến ngành du lịch, trong khi đó, một kịch bản để ứng phó đã không đựơc đưa ra kịp thời. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến Bà Rịa-Vũng Tàu kém sức hút đối với khách quốc tế là do những trở ngại về giao thông. Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh ven biển với hệ thống hàng chục cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới nhưng lại không hề có cảng biển chuyên dụng cho các tàu du lịch có thể neo đậu. Trong khi đó, nhiều khách quốc tế - nhất là đối tượng du khách cao cấp có mức chi tiêu lớn gấp hàng chục lần so với khách du lịch “bụi”, thích du ngoạn vòng quanh thế giới bằng đường biển.

Để có thể cập cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, các tàu khách thường phải cập “nhờ” các cảng tổng hợp, thậm chí phải neo tại khu vực vịnh Gành Rái rồi từ đó thuê các tàu hoặc ghe nhỏ chuyển tải du khách vào bờ. Việc khó khăn khi cập cảng đã gây nản lòng cho các hãng tàu du lịch, khiến Bà Rịa-Vũng Tàu mất đi cơ hội đón những đoàn du khách quốc tế chất lượng cao. Với những khách quốc tế đi du lịch bằng đường hàng không, sau khi tới Tp. Hồ Chí Minh sẽ di chuyển đến Vũng Tàu cũng thường chọn đường thủy với phương tiện di chuyển là tàu cánh ngầm. Tuy nhiên, trong thời gian qua phương tiện vận tải này cũng gây ra nhiều tai tiếng với những sự cố chậm chuyến, hủy chuyến, hỏng máy trên biển liên tục xảy ra khiến du khách nản lòng. Đó là giao thông đường thủy. Còn đường bộ, tình trạng thi công quốc lộ 51 thời gian kéo dài trong nhiều năm qua khiến giao thông từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh đến Bà Rịa-Vũng Tàu gặp nhiều trở ngại do đường xấu, thường xuyên xảy ra tắc đường khiến du khách không muốn đến các điểm du lịch tại Bà Rịa Vũng Tàu mà chuyển hướng đi nghỉ mát tại các địa phương khác.


Một nguyên nhân nữa khiến du khách nước ngoài ít chọn Bà Rịa-Vũng Tàu làm điểm đến, hoặc nếu có đến thì cũng chỉ nghỉ lại 1 - 2 đêm chứ không lưu trú dài ngày là do các khu du lịch, resort trên địa bàn tỉnh này thiếu hẳn các dịch vụ phụ trợ, sản phẩm du lịch quá nghèo nàn. Ngoài tắm biển, ăn vài món hải sản (mà nếu không cẩn thận còn có nguy cơ bị “chặt chém”), tham quan một số di tích, chùa chiền, khách không tìm đâu ra những điểm có dịch vụ vui chơi, giải trí. Thậm chí nhiều du khách đã than phiền: đến Vũng Tàu, muốn hưởng thụ cũng … chẳng biết tiêu tiền vào đâu vì không có sản phẩm, không có dịch vụ. Một nguyên nhân nữa không thể không nói đến, đó là du lịch tải chưa đạt tới phong cách phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại; các doanh nghiệp du lịch vẫn kinh doanh theo kiểu “ăn xổi” mà không có sự đầu tư bài bản, thiếu hẳn chiến lược và định hướng lâu dài. Những điều này đã khiến cho du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu kém sức thu hút đối với khách quốc tế.


Giải pháp nào?


Ông Lê Chí Toàn, Phó Giám đốc Khu du lịch Biển Đông - một khu du lịch nổi tiếng vào bậc nhất tại Tp. Vũng Tàu cho rằng: Khách đến Vũng Tàu không chỉ để tắm biển. Họ còn có nhu cầu được thưởng ngoạn và khám phá những “vẻ đẹp tiềm ẩn” của thiên nhiên và văn hóa địa phương, cần được thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí. Nhưng những nhu cầu này của khách hầu như không được đáp ứng. Để du lịch tăng độ hấp dẫn, đủ sức thu hút khách cao cấp và khách quốc tế, cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chất lượng với sự liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà” là nhà làm du lịch, nhà văn hóa và nhà sản xuất. Bà Rịa-Vũng Tàu cần học hỏi cách kinh doanh du lịch của những nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc. Du khách đến những điểm du lịch của các nước này luôn luôn được thỏa mãn bởi phong cách phục vụ thật sự chuyên nghiệp, khách “không thể dời chân đi” vì sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các doanh nghiệp du lịch, sự hấp dẫn của vô số các sản phẩm, dịch vụ phong phú khiến khách không ngần ngại “móc hầu bao”.


Theo TS Phùng Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu: Không phải chỉ có khách quốc tế mới chi tiêu cao và làm tăng doanh thu của ngành du lịch, nhưng chỉ có khách quốc tế, nhất là khách đến từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới mới làm tăng đẳng cấp cho ngành du lịch. Muốn hấp dẫn được đối tượng khách này, Bà Rịa-Vũng Tàu phải có quy hoạch và đầu tư bài bản, có chiến lược marketing với tầm nhìn mang tính chiến lược. Bản thân các doanh nghiệp du lịch phải có phong cách hoạt động chuyên nghiệp chứ không thể cứ áp dụng mãi lối tư duy “tiểu nông” trong kinh doanh như hiện nay. Khách quốc tế không chỉ mang lại doanh thu cho ngành du lịch mà còn mang đến cơ hội giao lưu, giao thoa văn hóa và mang văn minh thế giới, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Do đó, để có thể nâng cao đẳng cấp, tạo dựng thương hiệu mạnh, ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cần tìm được hướng đi thích hợp với những sản phẩm du lịch hấp dẫn, phong phú để thu hút được nhiều hơn khách du lịch quốc tế.

Lương Lan

congly.com.vn