Phiên chợ trên đỉnh trời

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 11:16, 13/04/2012

Từ bao đời nay, đối với người vùng cao, mỗi phiên chợ không chỉ là địa điểm buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn nơi gặp gỡ, giao lưu kết bạn. Cũng với ý nghĩa quan trọng như thế, chợ Dào San, phiên chợ họp trên độ cao 1.900m của đỉnh Chùng Sủa Dằn (xã Dào San, Phong Thổ, Lai Châu) đã và sẽ mãi luôn là một kho tài sản tinh thần của cả vùng biên viễn.

Ở trên cái chợ phiên treo lơ lửng giữa mây xanh ấy, người ta đi chợ không chỉ để bán mua, mà còn để tìm cho mình một niềm vui mới, một người bạn mới. Và, trên hết, người ta tìm lại được chính mình.


Đã thành lệ, cứ đến chiều ngày thứ Bảy, những người phụ nữ của huyện vùng cao Phong Thổ lại xếp gọn mọi lo toan vào chái bếp, thảnh thơi ngồi bên nhau chuẩn bị váy áo cho phiên chợ sáng mai. Dẫu chỉ mua dăm ba cuộn chỉ, hộp dầu xoa hay chút ít thực phẩm dùng cho cả tuần, nhưng váy áo đi chợ nhất định phải thật đẹp, bởi đi chợ là đi chơi, đi gặp bạn. Không riêng gì họ mà đối với hầu khắp mọi người dân thuộc 8 dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, chợ phiên Dào San đặc biệt có ý nghĩa quan trọng.

Chợ thường được họp vào Chủ nhật hàng tuần.

Ông Vàng An Phùa, Bí thư Đảng ủy xã Dào San kể, theo thông lệ trước đây, chợ Dào San chỉ mở vào ngày "những con có sừng" trong 12 con giáp của lịch âm, ngày Sửu và ngày Mùi nên còn được gọi là "chợ sừng". Người dân ở Phong Thổ quan niệm rằng, trâu và dê là hai con vật mang lại đời sống ấm no cho họ. Với cách tính này, thì cứ sáu ngày chợ sẽ họp một lần. Về sau, để tiện cho việc quản lý cũng như thông thương hàng hóa, chợ được quy hoạch lại và định ngày họp chợ vào chủ nhật hàng tuần.


Bình minh vừa ló rạng, sương còn chùng chình quẩn lối dưới lòng thung, khắp các bản Mông, Dao, Thái, Tày. Hà Nhì... đã rộn ràng tiếng gọi nhau xuống chợ. Người ta có gì mang lên chợ thứ ấy, bất kể sang hèn. Từ các triền núi, bản mường, người vùng cao đến chợ gùi theo những đặc sản của núi rừng, những sản vật của dân tộc mình có được do bàn tay lao động từ mọi thành viên trong mỗi gia đình. Đây măng, mộc nhĩ, nấm hương; kia chút gạo nương thơm lựng, cả những mớ rau rừng, chùm mắc khén, trái cà tím non tươi cũng đua sắc bên nhau tạo nên một bức tranh sinh động…


Cái sự mua bán cũng thật giản đơn, người bán nói bao nhiêu, người mua nếu ưng bụng sẽ trả bấy nhiêu mà không mặc cả. Mỗi dân tộc nói một thứ tiếng, nhưng dường như mọi người vẫn hiểu nhau rất rõ. Người ta mở lòng mời nhau ăn một bát thắng cố ngậy mùi, bát bánh canh bột tẻ nóng bỏng hay thử dăm ba chén rượu ngô như ướp keo đầu lưỡi. Khi hơi rượu đã châng lâng thì khoác tay nhau mà đi giữa chợ, như thể cần phải khoe cho cả thiên hạ biết về cái sự phóng khoáng, ngất ngưởng của mình.

Phía cuối chợ, đám thương lái từ xuôi lên đang cố gắng trả giá, kì nèo với những người đến chợ, cốt sao mua được cho đầy lồng gà vịt để còn kịp về xuôi giao hàng. Những chú gà, chú chó được nuôi bằng hạt ngô, rau rừng và bằng cả mây mù, được xếp vào lồng chuẩn bị hạ sơn, trở thành món đặc sản của núi rừng cho người miền xuôi thưởng thức.

Chợ phiên Dào San còn giữ được đậm nét bản sắc.

Một góc chợ Dào San.

Trong bộn bề biết bao âm thanh, màu sắc của phiên chợ, mới thấy dường như phiên chợ Dào San còn ẩn chứa một điều gì đó thật khó cắt nghĩa. Nó như một dòng chảy văn hóa len lỏi qua những nếp nhà sàn thô mộc. Dọc theo con đường nằm giữa trung tâm xã Dào San, dòng người đủ màu sắc ấy cứ trôi đi trong sương tựa như một dải lụa màu. Những ngọn núi già trầm ngâm trong giấc ngủ ngàn năm, vươn dáng sa mộc kiêu hãnh giữa sương giá mây mù. Có nét gì đó mộc mạc, thuần phác, tưởng như tất cả tinh hoa của núi rừng đều đổ về trên đỉnh Chùng Sủa Dằng cao ngất. Dẫu phiên chợ ngày nay không còn rộn ràng vó ngựa, không mấy khi réo rắt điệu khèn môi, nhưng cái tình của người Phong Thổ đối với chợ Dào San không hề thay đổi.

Chị Lý Thị Khen, người dân tộc Mông ở Nậm Xe quả quyết với chúng tôi rằng, người dân bản chị không tuần nào không đến chợ, dẫu đường đi dài gần ba mươi cây số. Háo hức nhất có lẽ là bọn trẻ, ngày phiên, mỗi đứa “bế” theo một con gà, con vịt do chính tay mình nuôi, đổi lấy vài ba thứ đồ chơi quen thuộc. Nếu trước đây, chúng thường đổi lấy vòng tay, chỉ màu nếu là con gái, và quần phíp, dép tổ ong nếu là con trai, thì bây giờ, tất thảy chỉ nhăm nhăm gom cho đủ tiền để mua điện thoại. Vừa đi chợ vừa điện cho nhau í ới, hoặc chỉ để nghe mấy bản nhạc phát ra tiếng xập xình theo bước đi, theo nhịp váy dường như đã trở thành một nét mới trong văn hóa chợ ở Dào San.


Không chỉ có nam thanh nữ tú mới mong đến chợ, ngay cả những cụ ông, cụ bà cũng gánh tuổi tác của mình lên chợ, cốt chỉ để tìm gặp lại bạn xưa. Những đuôi mắt đã trĩu màu thời gian nhìn theo dòng người xuống chợ, tròng mắt đục nhìn xa thăm thẳm. Chẳng có gì để bán mua, càng chẳng phải có nhu cầu thưởng thức món ngon, nhưng khi đám trẻ rục rịch chuẩn bị cho chợ phiên thì người già cũng phải đi, đi tới chừng nào cái đầu gối lỏng ra, không gạt được mây, không vượt được dốc thì lòng mới thôi thúc giục.

Cụ ông Vàng Séo Phử và cụ bà Giàng Thị Mua đều đã có con đàn cháu đống. Ngặt nỗi xưa kia vì ngăn núi cách sông mà không nên duyên nợ, thôi thì đành hẹn nhau đến phiên chợ, cùng ngồi nhìn mây, nhìn người, ôn lại chuyện xưa. Vợ của cụ ông, chồng của cụ bà thấy vậy cũng đành chỉ lặng im, dợm bước vào quán hàng nào đó gặp bạn cho đỡ nóng ruột. Đến khi mặt trời cao giữa đỉnh đầu thì lóc tóc ra đầu con đường đi về bản mình để “đợi nửa” kia cùng về.


Rồi cũng đến hồi vãn chợ. Người ta rậm rịch rủ nhau ra về. Người mua được cái lưỡi cày, người đổi được mươi cân gạo, cũng có người chả mua gì, tạt vào quán bên đường làm mồi thuốc lào say ngất ngư rồi nhìn thiên hạ. Có những cặp vợ chồng rời chợ, người chồng khi hơi men đã ngấm, đành lăn vào vệt cỏ bên đường mà đánh một giấc quên đời, mặc cho người vợ nhẫn nại ngồi che ô cho đức ông chồng đang say ngủ.


Chợ tan, người ta vẫn còn bịn rịn, luyến lưu trong từng ánh mắt, từng lời ước hẹn, truyền cho nhau niềm tin sống, niềm tin ấy giúp cho họ vượt qua những nhọc nhằn để hướng đến phiên sau.

Phong Thành

congly.com.vn