Công tác tư pháp cơ bản đạt yêu cầu Quốc hội đề ra
Chính trị - Ngày đăng : 22:58, 14/09/2018
Không phát hiện án oan
Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC năm 2018, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết: Năm 2018, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, trong đó tập trung làm tốt công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; Triển khai thí điểm tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án và hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy Tòa án các cấp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, từ 01/10/2017 - 31/7/2018, các Tòa án đã giải quyết được 354.145 vụ việc trong tổng số 475.610 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 74,5%); số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du
Trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả nên chất lượng xét xử được đảm bảo, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,08%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được dư luận quan tâm. Như, vụ án Trịnh Xuân Thanh; Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án xét xử Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”…Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, TANDTC đã triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính tại Hải Phòng, kết quả thí điểm đã hòa giải thành trên 76% số vụ việc. Hiện nay, TANDTC đang xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng mô hình này trong toàn quốc, đồng thời cũng đang xây dựng dự thảo Luật hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại Tòa án để báo cáo Quốc hội.
Còn về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC và các TAND cấp cao đã giải quyết được 5.267 đơn/vụ trong tổng số 15.152 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đạt tỷ lệ 34,76% (tăng 4,26% so với cùng kỳ năm 2017). Quá trình giải quyết, đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật được chú trọng, như việc ban hành các Nghị quyết hướng dẫn, án lệ áp dụng trong xét xử; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ được tiến hành thường xuyên;…
Tăng cường kỷ luật công vụ
Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, việc thanh kiểm tra công tác chuyên môn và việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức được tiến hành thường xuyên, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và rút kinh nghiệm đối với những sai sót về công tác chuyên môn, cũng như công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các Tòa án. Chánh án TANDTC đã thành lập 16 đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo, Thẩm phán TANDTC làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác xét xử tại các TAND cấp cao, 31 Tòa án cấp tỉnh và 66 Tòa án cấp huyện; đã thực hiện việc thanh tra, giám sát hoạt động công vụ đối với Tòa án 02 cấp của 12 tỉnh, thành phố. Các Tòa án cấp tỉnh cũng đã triển khai 307 đợt thanh tra, kiểm tra về hoạt động công vụ đối với các đơn vị Tòa án cấp huyện và các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tỉnh.
Hoạt động giám sát đối với Thẩm phán được tăng cường. Cho đến ngày 31/7/2018 đã có 112.218 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của 91% các Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TAND để nhân dân tham gia giám sát.
Thẩm tra báo cáo, UBTP cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2018, công tác xét xử của Tòa án tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được tăng cường. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.
Việc cho các bị cáo hưởng án treo được kiểm soát chặt chẽ; số bị cáo được hưởng án treo đúng pháp luật đạt 99,3%. Tòa án đã khẩn trương đưa ra xét xử 157 vụ án tham nhũng với 398 bị cáo; đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan tiếp tục giảm và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội.
Đáng lưu ý, TANDTC đã tiến hành công khai toàn bộ các bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát và qua đó buộc mỗi Thẩm phán phải đề cao hơn nữa trách nhiệm; bố trí lại phòng xử án theo yêu cầu cải cách tư pháp, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Về giải quyết các vụ, việc dân sự, năm 2018, số lượng các vụ, mặc dù việc dân sự được Tòa án giải quyết tăng 12.707 vụ. Nhưng nhờ công tác hòa giải được chú trọng, nên tỷ lệ hòa giải thành các vụ án dân sự tăng, có những địa phương tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 60%. Số vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan giảm mạnh (79,9%) . Các phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức tăng 11,8%. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan tiếp tục giảm và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 111.
Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp
Tuy nhiên, UBTP cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đề nghị các Tòa án khắc phục. Đó là vẫn còn tình trạng bản án tuyên không rõ, khó thi hành, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết Quốc hội. Vẫn còn một số vi phạm trong công tác xét xử như: vi phạm trong thụ lý đơn khởi kiện; vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa,…
Công tác giải quyết án hành chính có nhiều điểm đáng chú ý. Đó là, do việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện được các Tòa án chú trọng nên nhiều trường hợp người khởi kiện đã tự nguyện rút đơn khởi kiện hoặc Chủ tịch UBND chủ động hủy bỏ quyết định hành chính trái pháp luật. Bên cạnh đó, việc giải quyết vụ án hành chính tiếp tục gặp nhiều khó khăn do người bị kiện là Chủ tịch UBND, người đại diện của UBND chưa tham gia tố tụng đầy đủ.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cũng đã giải trình thêm một số nội dung mà các đại biểu nêu ý kiến, như tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung được VKSND chấp nhận; công tác chỉ đạo điều hành của TANDTC và việc công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án…
Phó Chánh án cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp để tiếp tục chỉ đạo, điều hành và triển khai công tác Tòa án được tốt hơn trong thời gian tới.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Nhìn chung UBTVQH đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo của các trưởng ngành. Các cơ quan đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc đảm bảo sự ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế đất nước; khẳng định được vị thế của các cơ quan tư pháp trong nhà nước pháp quyền, thể hiện trong hoạt động tranh tụng, công khai bản án trên cổng thông tin điện tử. Công tác điều tra, truy tố xét xử đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Án cải sửa do lỗi chủ quan giảm, thi hành án có chuyển biến tích cực. Công tác thể chế được các ngành quan tâm, tập trung cho việc hoàn thiện các dự án: Luật thi hành án hình sự, Luật PCTN sửa đổi…
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, một số tội pham nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tăng như: hiếp dâm, tội phạm công nghệ cao.., Án tham nhũng năm 2018 với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo đã có nhiều chuyển biến, nhiều vụ án được dư luận quan tấm khi đưa ra xét xử được dư luận đồng tình.
UBTVQH đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát đối với hoạt động tư pháp. Các cơ quan cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản về công tác tư pháp, trong đó có Luật về giám định tư pháp; chuẩn bị dự án Luật hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại Tòa án để báo cáo Quốc hội. Còn về đầu tư kinh phí trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, Nghị quyết của Quốc hội cũng đã quy định về phương án để giải quyết 35 trụ sở Tòa án huyện phải đi thuê nhưng các cơ quan chưa thực hiện vì vậy cần phải lưu ý vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan hoàn thiện các báo cáo để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới.