Xử lý người đứng đầu cơ quan chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Chính trị - Ngày đăng : 15:55, 04/09/2018

Nội dung trên được nhiều đại biểu đề nghị tại Phiên họp mở rộng của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khai mạc sáng nay (4/9).

Xử lý người đứng đầu cơ quan chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp Thường trực Ủy ban Pháp luật mở rộng

Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì. Tham dự có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TANDTC, VKSNDTC.

Diễn ra trong hai ngày 4-5/9, tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hành chính công; Đề án hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

12 văn bản còn nợ, chưa ban hành

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Trí Hiếu cho biết, từ Kỳ họp thứ Tư đến nay, QH đã thông qua 13 luật do Chính phủ trình, song đều không nằm trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/2014 của UBTVQH về triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Đây là những luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền dân sự - chính trị, quyền kinh tế - xã hội của con người, và để quản lý một số lĩnh vực, nên được quan tâm xây dựng sớm.

Để triển khai thi hành luật, pháp lệnh, hiện các bộ, cơ quan ngang bộ đã thành lập vụ, cục pháp chế; ở các cơ quan thuộc Chính phủ đã thành lập các phòng pháp chế. Tại các tỉnh, thành phố có 112 phòng pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, với 997 người có trình độ cử nhân, 1.072 người chưa có trình độ cử nhân (trong 2.138 người làm công tác pháp chế).

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, ngay sau Kỳ họp thứ Tư và thứ Năm của QH, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập danh mục văn bản quy định chi tiết các luật vừa được QH thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ phân công cụ cơ quan chủ trì soạn thảo, thậm chí xác định rõ thời hạn ban hành. Thủ tướng Chính phủ cũng lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Với những nỗ lực này, dù còn tình trạng “nợ” ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ giảm dần so với các năm trước. Số văn bản chưa ban hành (12 văn bản) chủ yếu vì có nội dung khó, phức tạp cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 8/2018 còn 21 dự án luật nằm trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718 của UBTVQH chưa được ban hành, trong đó có 17 dự án luật chưa đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2018, 2019. Công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, còn tồn tại một số văn bản quy định chi tiết có chất lượng hạn chế. Để đẩy mạnh công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, Chính phủ xác định sẽ dành nhiều thời gian tại các phiên họp thường kỳ để thảo luận các dự án luật; tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề về xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời, thực hiện giải pháp ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao, hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết; đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân...

Khắc phục triệt để việc chậm ban hành văn bản

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật vẫn chưa được chấp hành nghiêm chỉnh. Ở cấp bộ, ngành vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, chất lượng văn bản chưa cao.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Thái Bình nhấn mạnh đến nay, vẫn còn 12/152 văn bản hướng dẫn thi hành luật đã có hiệu lực mà chậm ban hành. Đặc biệt, có những Luật có hiệu lực gần 4 năm nhưng văn bản thi hành hiện nay đang trình, thậm chí đang soạn thảo.

Nhấn mạnh đây là vấn đề tồn tại từ lâu, cần có giải pháp khắc phục triệt để, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, cơ quan soạn thảo hay thẩm tra; bộ, ngành nào chậm ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết sau khi Luật có hiệu lực để làm cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp Quốc hội tới.

Các đại biểu cũng đề nghị xem xét, cân nhắc và đánh giá kỹ lại nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan; yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới để xảy ra chậm trễ trong việc thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; đồng thời khẩn trương hoàn tất việc rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để đề xuất đưa vào Chương trình sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 17 dự án thuộc danh mục ban hành để thi hành Hiến pháp cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Sáu tới, Chính phủ sẽ trình QH nhiều báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật... TANDTC, VKSNDTC cũng có báo cáo về các hoạt động xét xử, kiểm sát công tác tố tụng. Do vậy, báo cáo của Chính phủ nên đưa ra đánh giá khái quát về tác động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh thông qua công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật. Sau đó, cần tập trung thể hiện, phân tích, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện các yêu cầu, mục tiêu được Nghị quyết 67/2013 của QH và Nghị quyết số 718/2014 của UBTVQH đưa ra.

Trong đó, Nghị quyết 718/2014 xác định tổ chức thi hành Hiến pháp nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài về Hiến pháp, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật. Bảo đảm các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

“Khi tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp phải xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan”. Nhấn mạnh yêu cầu này của Nghị quyết 718/2014 của UBTVQH, Phó Chủ tịch QH đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ những chuyển biến, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tồn tại cụ thể trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết. 

Ngọc Mai