"Người đẹp nói dối": Bài ca muôn thuở

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 09:51, 21/03/2017

Làng giải trí lại bắt đầu hát bài ca muôn thuở về người đẹp nói dối”, cư dân mạng ngán ngẩm đưa ra lời bình luận sau sự cố người đẹp Nguyễn Thị Thành bị thu hồi danh hiệu Á khôi cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017.

Những lùm xùm liên quan đến người đẹp Bắc Ninh Nguyễn Thị Thành, người vừa tự nguyện trả lại danh hiệu Á khôi 1 Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 cho Ban tổ chức (BTC), dường như là phát súng mở màn báo hiệu một mùa thi người đẹp có thể sẽ diễn ra với không ít sóng gió. “Làng giải trí lại bắt đầu hát bài ca muôn thuở về người đẹp nói dối”, cư dân mạng ngán ngẩm phán.  

1. Chỉ hai ngày sau đêm chung kết Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 diễn ra tối 10/3 tại TPHCM, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT-DL) yêu cầu BTC cuộc thi giải trình về việc người đẹp Nguyễn Thị Thành được trao danh hiệu Á khôi 1 sau khi đã phẫu thuật răng. Điều đáng nói là, người đẹp Bắc Ninh cũng từng bị loại trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 (HHVN 2016) chỉ vì cùng một lý do: Làm răng!

Thậm chí, thông tin chi tiết về việc Nguyễn Thị Thành phải dừng chân trong cuộc thi HHVN còn lùm xùm và dày đặc các mặt báo hơn sự cố lần này. Khi ấy, người đẹp đã gửi đơn cứu xét giải trình trước BTC nêu rõ, “trước khi dự thi vòng sơ khảo HHVN 2016, trong khi làm việc tại một công ty, thí sinh đã bị ngã đập miệng vào thành cầu thang bộ gãy 3 răng, lung lay 5 chiếc khác, được bác sĩ ở một Trung tâm y khoa khám chỉ định đi làm răng và đã được một bác sĩ thẩm mỹ ở cơ sở khác làm 8 chiếc răng sứ”. 

Hình ảnh thí sinh Nguyễn Thị Thành trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Ảnh: BTC Hoa hậu Việt Nam

Và rồi sau khi tiến hành xác minh, những cá nhân có liên quan ở các địa chỉ trên đều xác nhận giải trình của Nguyễn Thị Thành. Duy chỉ có điều là, theo như mô tả của người đẹp thì chấn chương khá nặng, song tại các cơ sở y khoa, thẩm mỹ được nêu trong đơn cứu xét lại không không hề lưu bất cứ dấu vết nào về mặt hành chính (như không có hồ sơ khám, không có phim chụp trước và sau điều trị/làm dịch vụ, hóa đơn, chứng từ thu chi… - mặc dù chi phí của việc làm 8 chiếc răng sứ được ước tính là không nhỏ). Cuối cùng, Tổ công tác cuộc thi HHVN 2016 kết luận, do đã làm 8 chiếc răng sứ, hàm răng đã mang vẻ đẹp nhân tạo, nên Nguyễn Thị Thành vi phạm quy định “phải có vẻ đẹp tự nhiên”.

2. Trưa 14/3, Nguyễn Thị Thành đã tự nguyện trả lại danh hiệu này cho BTC. “Tôi biết không thể nào làm khác nên tôn trọng ý kiến và quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn, của BTC. Tôi không muốn BTC khó xử. Dù rất buồn nhưng tôi xin trả lại danh hiệu của mình”, người đẹp chia sẻ trên tờ Thanh Niên Online.

Tiếp đó, trả lời phỏng vấn một tờ báo sau khi danh hiệu bị thu hồi, Nguyễn Thị Thành giãi bày: “Tôi ước mơ trở thành hoa hậu từ nhỏ. Tôi nghĩ rằng thông qua danh hiệu người đẹp tôi có thể làm những việc tác động đến xã hội, thế giới. Tôi mong muốn được một lần ra với quốc tế, được thể hiện tài năng…”.

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là, Nguyễn Thị Thành cũng như nhiều người đẹp khác dường như hiểu rất rõ ràng rằng, cùng với sắc đẹp và trí tuệ, danh hiệu người đẹp chính là một tấm vé thông hành giúp nhiều cô gái có nhan sắc mở cánh cửa lớn bước ra với thế giới, và từ đó “có thể làm những việc tác động đến xã hội, thế giới” - như Nguyễn Thị Thành chia sẻ. Ước mơ ra biển lớn, ước mơ được cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội là một ước mơ đẹp và rất đáng trân trọng. Và tất nhiên,việc cô hiểu giá trị của danh hiệu người đẹp cũng như nỗ lực để có được nó lại càng đáng khâm phục hơn bao giờ hết!

Vậy nhưng, với những người nổi tiếng, mà lại là người đẹp, có lẽ công chúng bao giờ cũng có cái nhìn khắt khe hơn chăng? Nhiều người cho rằng, những cố gắng không biết mệt mỏi để giành được một danh hiệu nào đó trên đấu trường sắc đẹp của các người đẹp không đơn giản và “cao cả” như lời chia sẻ của cô gái Bắc Ninh. Có người lại băn khoăn, đã bị loại sao Nguyễn Thị Thành vẫn “chịu khó” đăng ký dự thi cuộc thi mới? Vì cô không hiểu quy chế hay vì “cố đấm ăn xôi”, vì muốn có cái danh, bản “profile” đẹp để dễ bề “thăng tiến”? v.v… và v.vv…

Lại có người dẫn trường hợp HHVN 2012 Đặng Thu Thảo khi trả lời một cuộc phỏng vấn đã khá thật thà và thẳng thắn cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà bất kỳ cô gái nào khi tham dự HHVN đều có một mục đích lớn nhất để trở thành Hoa hậu... Tất nhiên sẽ có nhiều thay đổi trong cuộc sống của tôi. Ngôi vị HHVN mang đến cho tôi nhiều thứ, giúp ổn định kinh tế hơn, được nhiều người biết đến và quan tâm mình hơn”.

Xét cho cùng, đó cũng là mong ước và suy nghĩ của nhiều người đẹp khi quyết định tham gia một đấu trường sắc đẹp nào đó. Giành được một giải thưởng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cơ hội tham gia showbiz, event hơn, giá cát xê tăng, có cơ hội giành được nhiều hợp đồng quảng cáo hay hình ảnh đại diện cho các nhãn hàng nổi tiếng hơn… Và theo đánh giá của giới truyền thông, đây có lẽ cũng là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nhan sắc vì một lý do nào đó không được “danh chính ngôn thuận” dự thi đã phải che giấu thông tin về đời sống cá nhân, hoặc lén lút đi thi mà chưa được cấp phép để chen chân vào những cuộc thi sắc đẹp “mang tầm vóc quốc tế” mà chất lượng vốn chẳng thua một cuộc thi… “Hoa hậu ao làng” là bao!

Còn nhớ, một thời gian cả giới showbiz lẫn những người có chút quan tâm đến thế giới này phải dậy sóng vì thông tin người mẫu Vương Thu Phương, ứng viên sáng giá của chiếc vương miện HHVN 2012 đã phải dừng bước ngay trước đêm chung kết chỉ vài giờ đồng hồ. Nguyên nhân là do chân dài đã kết hôn nhưng lại giấu nhẹm chuyện này...

Hay như khoảng cuối tháng 2/2014, khán giả lẫn giới truyền thông “ngã ngửa” khi biết chồng hoa hậu Diễm Hương đệ đơn ra tòa ly dị bởi trước nay cô vẫn xuất hiện với hình ảnh “single girl”. Khán giả cũng lên án cô đã lừa dối để đi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 tại Mỹ. Mặc dù không bị tước vương miện và dù đã gửi “lời xin lỗi chân thành” đến khán giả nhưng lỗi lầm của cô khó nhận được sự cảm thông, tha thứ.

Phút đăng quang đầy xúc động của Nguyễn Thị Thành trong cuộc thi Hoa khôi Du lịch 2017. Ảnh: Thanh Niên Online

3. Xin quay lại việc Nguyễn Thị Thành tự nguyện trả lại danh hiệu cho BTC. Hành động này được những người ủng hộ và đồng hành với cô trong suốt cuộc thi đánh giá cao. Họ cũng lấy làm tiếc cho một nhan sắc xứng đáng như người đẹp xứ Kinh Bắc đã không được BTC cuộc thi công nhận chỉ vì... từng làm răng sứ. Thậm chí trước khi có quyết định chính thức của BTC, trên một fanpage khá nổi tiếng về sắc đẹp, cư dân mạng còn đồng loạt kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ Nguyễn Thị Thành.

Theo lý giải của phần lớn netizen (dân mạng), việc tước đi vương miện của một cô gái tuổi đôi mươi là một hành động... khá tàn nhẫn, bởi suy cho cùng, việc làm răng sứ chưa được khẳng định là phẫu thuật thẩm mỹ (!?). Và ngay cả đại diện của BTC cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 bà Mỹ Dung, trước đó cũng cho rằng “thẩm mỹ răng không phải là một dạng chỉnh sửa nhan sắc, không can thiệp vào vẻ đẹp tự nhiên”. Bà khẳng định, nếu như người đẹp Bắc Ninh chỉnh sửa mũi hay ngực thì chắc chắn không bao giờ đồng ý cho cô tham gia cuộc thi.

Còn theo như lời ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, theo quy định chung tại Việt Nam, thí sinh tham gia các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp không được phẫu thuật thẩm mỹ. Do vậy, việc BTC để thí sinh đã từng phẫu thuật thẩm mỹ tham gia cuộc thi là trái với quy định. Cũng theo ông Chương, thí sinh Nguyễn Thị Thành sẽ không được thừa nhận danh hiệu và không được cấp phép để tham gia bất kỳ cuộc thi sắc đẹp quốc tế nào. Mạnh tay hơn, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng từ chối cấp phép trong trường hợp BTC Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 đứng ra tổ chức cuộc thi nhan sắc khác, đồng thời yêu cầu các sở VH-TT các tỉnh, thành không cấp phép cho đơn vị vi phạm.

Thế nhưng rõ ràng là, trước khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi bất kỳ một cuộc thi nhan sắc nào, các thí sinh cũng phải tìm hiểu rõ thể lệ, quy chế, yêu cầu mà cuộc thi ấy đề ra. Ở trường hợp người đẹp Nguyễn Thị Thành, từng một năm bị loại chỉ vì… “làm răng”, vậy tại sao đến năm 2017, cô vẫn mạnh dạn và tự tin đăng ký tham gia cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam, để rồi lại phải ngậm ngùi “tự nguyện” trả lại danh hiệu?

Nhiều người gọi cô là “người đẹp nói dối”, là người đẹp… cố đấm ăn xôi… Nhưng nếu tĩnh lại để nhìn nhận vấn đề một cách sâu xa hơn, thì câu hỏi đặt ra là, tại sao hồ sơ của Nguyễn Thị Thành lại được thông qua và đi đến tận vòng chung kết? Do khâu quản lý còn nhiều bất cập, lỏng lẻo và tắc trách hay liệu phía sau còn có gì “khuất tất” như nhiều người nghi ngờ?  

Cha đẻ Hoa hậu Việt Nam: "Cái đẹp mong manh lắm"

Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, thường được biết đến với cụm từ “Cha đẻ Hoa hậu Việt Nam” khi trả lời câu hỏi “có khi nào ông làm một phép so sánh về chất lượng các thí sinh trước đây và hiện nay? Bản thân ông thích vẻ đẹp nào hơn, vẻ đẹp xưa hay nay?” đã cho biết:

Như người ta thường nói “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”. Mỗi thời chất lượng thí sinh có những sự khác nhau. Trước đây, nhiều thí sinh có chiều cao khiêm tốn vẫn hăng hái đăng ký dự thi thì đến nay thí sinh phải có chiều cao trên 1m60. Trước đây quy chế thi người đẹp độ tuổi từ 16 - 28, nay phải từ 18 tuổi. Trước đây, thí sinh dự thi không cần bằng tốt nghiệp phổ thông, nay phải có bằng tốt nghiệp…

Những năm gần đây, số thí sinh dự thi có trình độ đại học, hay thạc sĩ nhiều hơn, học vấn cao hơn… Nhưng bằng cấp chưa nói lên tất cả, trí tuệ con người không phụ thuộc bằng cấp. Trước đây, có nhiều thí sinh và có nhiều hoa hậu xuất thân từ những gia đình trí thức, có nền tảng học vấn cao. Ví như hoa hậu Bùi Bích Phương, hoa hậu Diệu Hoa, Thu Thủy, Nguyễn Thiên Nga… nay có nhiều thí sinh xuất thân từ người mẫu, hay các lò luyện người mẫu, trước rất ít hoặc không có.

Đấy chỉ là cảm tưởng của cá nhân thôi. Tôi có cảm tưởng các thí sinh dự thi hoa hậu trước đây hồn nhiên, vô tư, đi dự thi là để tham gia một sự kiện văn hóa lớn, để giao lưu, học hỏi bạn bè, để hướng tới cái đẹp đích thực. Còn ngày nay hình như mục đích thực dụng nhiều hơn chăng?

Người đẹp thời nào cũng có. Người đẹp ngày càng được hoàn thiện hơn theo sự phát triển của xã hội. Đồng thời cũng phức tạp hơn, khó lường hơn, ẩn chứa nhiều cái hay cái dở hơn.

Người đẹp thực sự toàn diện, hài hòa thì hiếm. Cái đẹp mong manh lắm. Cần giữ gìn, nâng niu, đó là điều tôi mong mỏi nhất.

 

Nhật Minh