Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư: Tăng cường tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp
Chính trị - Ngày đăng : 19:56, 29/08/2018
Hội thảo về vấn đề này vừa được tổ chức tại Quảng Ninh do Ủy ban Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tổ chức với nhiều chuyên gia pháp lý, đại diện các DN và cơ quan, ban ngành.
Doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân
Theo tổng kết, đánh giá về quá trình tổ chức thi hành Luật PCTN thời gian qua cho thấy, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang tiếp tục xảy ra như tình trạng đưa, nhận hối lộ để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh; sự thiếu minh bạch trong tổ chức và hoạt động; chưa rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức xã hội… Chính những bất cập này đã làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông trong doanh nghiệp. Do đó, việc dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết.
Theo đó, dự thảo Luật quy định về việc xử lý đối với người có hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này. Dự thảo Luật cũng quy định về biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCTN...
Theo nhiều chuyên gia, tham nhũng được coi là một hiện tượng phức tạp vì nó được diễn ra dưới nhiều hình thức và phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Trước đây, ở Việt Nam, hoạt động PCTN gần như được “mặc định” gắn với khu vực nhà nước. Khi nói về tham nhũng, DN không chỉ được coi là nạn nhân mà còn là tác nhân gây ra tham nhũng.
Bởi vậy, khi nói đến tham nhũng trong khu vực tư để quy định vào Luật, cần xem xét dưới 3 mối quan hệ gây phát sinh tham nhũng như: Quan hệ giữa các doanh nghiệp/tổ chức khu vực ngoài nhà nước với nhau và trong nội bộ DN, tổ chức đó. Trong trường hợp này, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng đều là người có chức vụ, quyền hạn trong DN; quan hệ giữa doanh nghiệp/ tổ chức khu vực ngoài nhà nước với cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước nhưng cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong DN.
Hiện nay, BLHS 2015 đã đưa ra các quy định cụ thể về điều chỉnh hành vi tham nhũng trong các mối quan hệ nói trên, bao gồm các điều khoản quy định các tội danh như: tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Vì vậy, để đảm bảo sự tương thích với Bộ luật này cần bổ sung vào dự thảo điều khoản về phạm vi phát sinh tham nhũng trong khu vực tư.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường chủ trì Hội thảo. Ảnh Hà An
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành Tổ chức hướng tới Minh bạch quốc tế cho rằng, dự thảo Luật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp/ngành nghề xây dựng, ban hành và thực hiện các quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ về tính tùy nghi hay bắt buộc đối với DN trong việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Trong trường hợp là quy định bắt buộc, dự thảo Luật cần có cơ chế giám sát và chế tài kèm theo nhằm đảm bảo các DN thực thi trên thực tế. Tuy vậy, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy pháp luật không nhất thiết bắt buộc toàn bộ các DN (đặc biệt là DN quy mô nhỏ) phải áp dụng các quy định về kiểm soát nội bộ.
Gốc rễ vấn đề nằm ở các luật về quản trị doanh nghiệp
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần tiếp tục chỉnh lý quy định về xử lý vi phạm pháp luật về PCTN đối với DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo hướng bổ sung các hình thức xử lý vi phạm, ưu tiên các biện pháp kinh tế. Và để tránh nguy cơ lạm quyền trong thanh tra, gây phiền nhiễu cho hoạt động bình thường của DN khu vực ngoài nhà nước, cần bổ sung điều kiện để cơ quan thanh tra có thể tiến hành khi có yêu cầu, kiến nghị của các tổ chức là đối tượng thanh tra.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tham nhũng trong lĩnh vực công cần được ưu tiên phòng chống bằng các công cụ mạnh mẽ, nhưng việc ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực tư cũng là điều rất cần thiết. Chống tham nhũng trong lĩnh vực tư phần nào sẽ bảo vệ nhà đầu tư, bên thứ ba, làm gia tăng các quan hệ kinh tế, từ đó thúc đẩy sự dịch chuyển nguồn lực xã hội, giúp phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, giải pháp cho vấn đề này lại không nằm ở Luật PCTN, mà các giải pháp PCTN phải là: Tăng cường tính minh bạch trong quản trị DN, minh bạch tài chính doanh nghiệp, tăng cường cơ chế kiểm soát nội bộ. tăng quyền cho các cổ đông ít vốn, bảo vệ người lao động, tạo cơ chế thuận lợi để cổ đông ít vốn hay người lao động có thể khởi kiện lãnh đạo DN ra Toà, phát huy vai trò của thiết chế trung gian như hiệp hội ngành hàng, báo chí… Như vậy, cốt lõi của các giải pháp nêu trên nếu sửa luật phải là Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Ngân hàng, Luật Chứng khoán, Bộ luật tố dụng dân sự, pháp luật về hiệp hội… chứ hoàn toàn không phải là vai trò cốt yếu của Luật PCTN.
Theo ông Tuấn, giải quyết vấn đề tham nhũng trong khu vực tư là vấn đề lớn có nhiều yếu tố mà thị trường tự điều chỉnh được. Vai trò của Nhà nước nếu có lại liên quan đến nhiều thiết chế, rộng hơn, cần phải giải quyết nhiều vấn đề như nâng cao chất lượng quản trị DN, nâng cao hiệu quả và minh bạch của hệ thống Tòa án, trọng tài. Nếu đưa vấn đề chống tham nhũng trong khu vực tư vào luật và dùng chế định điều chỉnh như hiện nay có thể tạo ra những hệ quả không mong muốn. Hiệu ứng tích cực có thể có, nhưng đáng lo ngại là những chế định này khả năng lại tạo ra nhiều hiệu ứng tiêu cực. Vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải tính đến.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 được VCCI công bố cho thấy, có tới 59% doanh nghiệp trong nước thừa nhận phải chi trả chi phí không chính thức. Riêng với doanh nghiệp FDI, 53% cho biết phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan và 45% đã từng chi trả phi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra trong năm qua. |