Quảng Bình phải góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Chính trị - Ngày đăng : 16:04, 27/08/2018
Thủ tướng và các đại biểu tham dự hội nghị
Sáng 27/8, tại thành phố Đồng Hới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, các tỉnh của Lào, các ngân hàng thương mại, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các tổ chức tín dụng, cùng đại diện hơn 700 tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã, đang và sẽ đầu tư vào tỉnh Quảng Bình.
Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 66 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, trong đó FLC cam kết đầu tư nhiều nhất, với số vốn khoảng 63.000 tỷ đồng.
Cần dịch vụ hóa nền kinh tế, phát huy tối đa mũi nhọn du lịch
Lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, đánh giá cao sự quan tâm doanh nghiệp đối với Quảng Bình, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quảng Bình không đơn giản là một Việt Nam thu nhỏ hay là sự phản ánh sắc nét về vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp bất tận của Việt Nam mà Quảng Bình thực sự là “viên kim cương màu xanh” của châu Á với những giá trị huyền bí cần được khám phá.
Nhắc lại cách đây một năm, đã yêu cầu Quảng Bình phải góp phần tạo “làn gió Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là sự khẳng định niềm tin lớn của Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng đối với Quảng Bình.
Quảng Bình hoàn toàn có thể là một lựa chọn xuất sắc để tạo nên những ấn tượng đầu tiên mới lạ và sâu sắc về một Việt Nam được yêu thích ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Tạp chí New York Times của Mỹ đã bình chọn Quảng Bình xếp thứ 8 trong top 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh, là điểm đến đến hấp dẫn nhất châu Á.
“Nếu quý vị muốn tìm kiếm một ý tưởng về du lịch rất độc đáo, khác biệt, còn nguyên bản và kỳ vĩ thì Quảng Bình là một lựa chọn hiếm có. Có thể gọi đây là nơi không còn sót lại nhiều trên trái đất này”, Thủ tướng phát biểu.
Tất cả những kỳ vĩ ấy nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa thành công?, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng: Một trong những nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa hình thành một ngành dịch vụ có khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Và nếu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là mục tiêu ở nhiều nơi thì với Quảng Bình, chiến lược trung tâm phải là dịch vụ hóa nền kinh tế, phát huy tối đa mũi nhọn du lịch, song song với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và tự nhiên, tạo sự kết nối lan tỏa đến nhiều vùng miền khác của cả nước ta.
Phải biết “góp gió thành bão”
Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu về phát triển sân bay Đồng Hới. Đây không chỉ là điều kiện cho sự phát triển của Quảng Bình mà là sự phát triển cho toàn ngành du lịch. “Nếu chúng ta chậm một ngày, thì Quảng Bình và ngành du lịch Việt Nam đang lỡ đi một ngày cơ hội”.
Thủ tướng chia sẻ, không chỉ là “làn gió Đại Phong mới”, Quảng Bình phải biết “góp gió thành bão”, cùng với các địa phương khác để ngành du lịch Việt Nam đi xa hơn, có sức cạnh tranh và hội nhập toàn cầu, thúc đẩy xu hướng du lịch toàn thế giới, hướng về những giá trị chúng ta đang có. “Góp gió thành bão” nghĩa là Quảng Bình cần liên kết cộng hưởng trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có ngành du lịch, với Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Theo Thủ tướng, bây giờ, chúng ta không thể phát triển nếu vẫn “một mảnh tình riêng, ta với ta” như tâm tư của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan cách đây gần 200 năm khi bước chân qua Đèo Ngang.
Bên cạnh đó, với “viên kim cương xanh” độc nhất vô nhị trên đời, chúng ta cần những bàn tay khéo léo, có nhãn quan, có tư duy, có tầm nhìn và có trách nhiệm. Năng lực quản trị, tầm nhìn cùng với nhãn quan phát triển sẽ tác động sâu sắc tới hình ảnh du lịch Quảng Bình, một hình ảnh đang nổi bật lên là một đại diện ưu tú cho du lịch Việt Nam và cả khu vực ASEAN.
Muốn vậy, chính quyền Quảng Bình không chỉ cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước mà còn là chính quyền đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, của doanh nghiệp. Phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Có quy hoạch tổng thể, chuẩn mực hơn. Phải biết mời chọn những người thợ khéo, tức là nhà đầu tư có tài, có tâm, có tầm để “viên kim cương xanh” của du lịch Việt Nam, của Quảng Bình sẽ tỏa sáng lâu dài trên bản đồ du lịch quốc tế.
Với nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị “nói đi đôi với làm”, thực hiện đúng các cam kết đầu tư, lời hứa tôn trọng các di sản, bản sắc văn hóa và môi trường tự nhiên. Cho rằng đầu tư vào vùng đất khó khăn là thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước, Thủ tướng đề nghị mỗi cam kết vào địa phương này phải thực sự đi liền với hành động và hành động đó phải đầy đủ, đúng hẹn và càng sớm, càng tốt.
Nhắc đến lời sấm hơn 400 năm trước của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” đã được lịch sử chứng minh, Thủ tướng nêu rõ, Quảng Bình không chỉ là chốn dung thân mà còn là vùng đất ấp ủ những khát vọng, những khởi nghiệp mới. Quảng Bình không chỉ là nơi náu mình chờ thời mà thời cơ đang hiện hữu ngay trước mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Quảng Bình cần phải làm tốt hơn, tương xứng hơn nữa để góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới; đồng thời kéo thế giới về với Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn người dân Quảng Bình sẽ tiếp tục vươn lên, xây dựng tỉnh phát triển xanh và thịnh vượng. Với sự xuất hiện của những “con sếu lớn trên bầu trời Quảng Bình”, Thủ tướng tin tưởng rằng, cái khá, cái giàu sẽ càng sinh sôi nảy nở mạnh mẽ hơn nữa trên mảnh đất này.