Thủ tướng: ĐH Cần Thơ cần bảo đảm thu nhập để giảng viên không phải lo “chạy sô”
Chính trị - Ngày đăng : 13:53, 11/08/2018
Thủ tướng tại buổi nói chuyện
Chiều ngày 10/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên, giảng viên của Đại học Cần Thơ.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả Đại học Cần Thơ đạt được trong 52 năm qua, kể từ khi thành lập. Trường đào tạo 98 chuyên ngành bậc đại học, 45 chuyên ngành thạc sĩ, 16 chuyên ngành tiến sĩ. Số sinh viên theo học gần 47.000 người. Đại học Cần Thơ đứng trong tốp đầu các trường đại học của Việt Nam về số lượng công bố quốc tế.
Theo Thủ tướng, với nền tảng như vậy, cùng với cơ sở vật chất và đội ngũ, Đại học Cần Thơ hoàn toàn có thể định vị với vai trò là nơi khởi nguồn các ý tưởng sáng tạo, phát kiến, khởi nghiệp. Trường nên mạnh dạn thay đổi sứ mệnh phụng sự xã hội, thông qua đổi mới trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu sáng tạo. Đại học Cần Thơ cần hướng đến là 1 trong 20 trường đại học hàng đầu về nghiên cứu ở Đông Nam Á vào năm 2030, là mô hình đại học kiểu mẫu của Việt Nam thông qua sự kết hợp các tri thức cơ bản với giáo dục thực tế, qua đó đào tạo nên những con người có khả năng, tạo dấu ấn mới, được vinh danh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế.
Thủ tướng mong muốn Đại học Cần Thơ sẽ tạo ra môi trường cởi mở với không gian rộng lớn cho việc trao đổi học thuật; là nơi phát kiến các ý tưởng lớn, các nghiên cứu tầm cỡ, các sáng tạo đổi mới mang tính bước ngoặt; bảo đảm mỗi người đều được phát huy tiềm năng, giải phóng năng lực tiềm tàng. Bên cạnh đó, Đại học Cần Thơ cần không ngừng tìm kiếm, khai phá tri thức mới của nhân loại và tưởng thưởng xứng đáng cho năng lực và sự sáng tạo đổi mới. Trường cần hướng tới sự khác biệt và suy nghĩ độc đáo; thúc đẩy sự hiểu biết và đa dạng về văn hóa. Đại học Cần Thơ sẽ là một cộng đồng biết chia sẻ, biết hợp tác, bình đẳng và sự tôn trọng. Mục tiêu chiến lược nữa là Đại học Cần Thơ tạo cơ hội và điều kiện tiếp cận cho bất cứ ai đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về mặt học thuật.
Để bảo đảm chất lượng, Thủ tướng cho rằng Đại học Cần Thơ phải dựa vào 3 trụ cột. Trước hết là sự cam kết của trường, từ hiệu trưởng đến mỗi giảng viên, nhân viên và đặc biệt là sinh viên. Thứ hai là sự công nhận của xã hội. Và thứ ba là kiểm định chất lượng giáo dục.
Thủ tướng đề xuất Đại học Cần Thơ nên làm đầu mối tổ chức các diễn đàn thường niên giáo dục đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng ra hơn nữa. Diễn đàn không chỉ có đại diện các trường đại học trong vùng tham gia mà còn là nơi quy tụ các chuyên gia giáo dục uy tín trong nước và quốc tế với vai trò cố vấn chiến lược cho sự phát triển của các trường đại học trong vùng.
Thủ tướng lưu ý không ít giảng viên có khả năng, có tâm huyết nghiên cứu khoa học nhưng do khó khăn và nhu cầu cuộc sống nên không thể theo đuổi đam mê khoa học, phải dạy thêm nhiều giờ để có thu nhập, làm nhiều việc không phải sở trường hay sở thích, thậm chí đôi khi làm những việc trái với lương tâm cốt để kiếm sống. Thủ tướng đề nghị Đại học Cần Thơ cần có kế hoạch bảo đảm thu nhập và đời sống cho giảng viên, để giảng viên không phải lo “chạy sô” mà tập trung nghiên cứu cập nhật kiến thức; cần xem đây là vấn đề then chốt bởi nếu không thì những mục tiêu như đẳng cấp quốc tế hay những giá trị cao mà nhà trường đặt ra sẽ phi thực tế.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy trong bối cảnh hội nhập, trình độ giảng viên phải bắt kịp xu hướng và trình độ phát triển tri thức chuyên ngành của thế giới. Giảng viên phải có trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đặc biệt là trình độ tiếng Anh và trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực giảng dạy nghiên cứu do các giảng viên phụ trách.
Nhấn mạnh nhiều sinh viên ra trường không có khả năng thích ứng và hòa nhập được với thị trường lao động, Thủ tướng cho rằng một phần do năng lực của sinh viên yếu nhưng đằng sau đó là trách nhiệm của giảng viên, của những người thầy; tinh thần giáo dục đại học phải chuyển từ cung cấp kiến thức mà ở đó vai trò của người thầy là trung tâm sang đề cao tính tự giác trong tư duy, trong sáng tạo của sinh viên. Đi liền với kiến thức chuyên môn, sinh viên Đại học Cần Thơ phải có ước mơ, hoài bão xây dựng đất nước phát triển, nhất là phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại công nghiệp 4.0.
Thủ tướng mong muốn Đại học Cần Thơ là đại học khởi nghiệp, nghiên cứu, chứ không đơn thuần là đại học giải quyết việc làm. Sinh viên không chỉ là công dân toàn cầu mà còn mang bản sắc văn hóa Việt Nam, yêu quê hương đất nước. Vì vậy, sinh viên Đại học Cần Thơ cần có ý thức giữ gìn truyền thống cha ông, trước hết là truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng, giữ gìn non sông bờ cõi; không để bị kẻ xấu lôi kéo, kích động trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh đất nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng “đặt hàng” Đại học Cần Thơ lọt vào TOP trường đại học hàng đầu khu vực châu Á vào năm 2020, chậm nhất là 2025, thời gian đó đứng trong TOP 1.000 của thế giới. Đại học Cần Thơ cần tăng gấp đôi số đầu báo quốc tế trong 5 năm tới. Trường tự đưa ra cam kết về số lượng bằng xác minh, sáng chế trong 5 năm tới; cam kết về số dự án khởi nghiệp của cả sinh viên và của giảng viên, tự đưa ra cam kết về số đề tài, công nghệ chuyển giao thành công cho doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng mong muốn, Đại học Cần Thơ là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đưa ra chính sách nhưng hơn ai hết, những sinh viên, giảng viên trong trường chính là một cơ quan nghiên cứu thực hiện Nghị quyết với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ ngành.
Thủ tướng và các đại biểu tại lễ khánh thành Tổ hợp Đại học và Công viên phần mềm FPT tại Cần Thơ
Chiều 10/8, cũng trong chuyến công tác tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khánh thành giai đoạn 1 Tổ hợp Đại học và Công viên phần mềm FPT.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đánh giá cao mô hình Tổ hợp Đại học và Công viên phần mềm FPT khi gắn kết hữu cơ giữa đào tạo, nghiên cứu, thực hành kỹ năng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp thông tin cũng như các ngành khác.
Thủ tướng cho rằng Đại học FPT cần có khát vọng, tầm nhìn, đặt mục tiêu trở thành đại học lớn, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam, phấn đấu đưa thương hiệu Đại học FPT lên tầm khu vực và thế giới. Phân hiệu Đại học FPT tại Cần Thơ sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đặc biệt là nhân lực số cho các lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhấn mạnh Chính phủ chú trọng phát triển nguồn nhân lực số để đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số và xã hội số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đánh giá sinh viên Đại học FPT là đội ngũ nhân lực tiềm năng cho ngành công nghiệp số, chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin. Thủ tướng mong muốn sinh viên Đại học FPT cần không ngừng trau dồi tri thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, hình thành tư duy đổi mới, sáng tạo, thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng mới, trở thành công dân toàn cầu mang văn hóa Việt Nam; là người tiên phong trong công cuộc thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số trên chính quê hương của mình.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, nhanh chóng nắm bắt xu thế đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa, để phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế năng lực số trong hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực số, phấn đấu đưa Việt Nam thành trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực số, có chất lượng cao cho khu vực và thế giới.
* Trong chuyến công tác tại Cần Thơ, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình người có công với cách mạng.