Bạo lực, xâm hại trẻ em là không thể dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 14:32, 06/08/2018

Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bạo lực, xâm hại trẻ em là không thể dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị

Sáng nay (6/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến tới 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã - cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, với sự tham gia của khoảng 18.000 đại biểu.

Hội nghị nhằm đánh giá đúng thực trạng xâm hại trẻ em; phân tích chính xác các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và đưa ra những giải pháp hiệu quả để phòng, chống, chặn đứng tình trạng xâm hại trẻ em.

Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời

Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (năm 1990). Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước. Điều 37 Hiến pháp quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Thời gian qua, chúng ta đạt được một số kết quả trong công tác bảo vệ trẻ em. Trong điều kiện còn là một nước nghèo, Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi. Gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng. Gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo. Nhà nước không thu học phí đối với học sinh tiểu học.

Nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ trẻ em đang được triển khai rất hiệu quả, thiết thực như triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, hoạt động 24/7 miễn phí...

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế như tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao (khoảng 24%). Tỉ lệ trẻ em đi nhà trẻ vẫn còn thấp (khoảng 28%). Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông.

Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm..

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống bị thay đổi, mai một; cha, mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình. Hình ảnh đoàn tụ trong mỗi bữa cơm gia đình còn ít. Những thông tin thiếu sàng lọc trên mạng internet, mạng xã hội và những điều phức tạp khác tác động rất lớn đến nhân cách, tâm hồn trẻ em.

Vì vậy, theo Thủ tướng, có một thực tiễn rất giản dị, chí lý về môi trường sống của trẻ mà chúng ta dễ bỏ qua: Một đứa trẻ sống trong đùm bọc sẽ biết quan tâm đến mọi người. Một đứa trẻ sống bằng lẽ phải sẽ biết được lẽ công bằng. Một đứa trẻ thường xuyên được ngợi khen sẽ biết trân trọng người khác. Một đứa trẻ thường xuyên được khích lệ sẽ trở nên tự tin. Một đứa trẻ sống trong hạnh phúc sẽ tìm được tình yêu và cái đẹp.

Chính vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. “Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai”, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.

“Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội”, Thủ tướng nói. Chúng ta đau xót khi mỗi năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông hoặc bị bỏ rơi.

Làm mọi cách để trẻ em được hưởng thành quả phát triển kinh tế-xã hội

Nhấn mạnh việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, được sống an toàn của trẻ em, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em.

Nhấn mạnh việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn về thực trạng hiện nay, nhiều gia đình, “bữa cơm mỗi người cầm một cái máy vào mạng suốt, không ai nói một lời”.

Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý khi mà hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 - khoảng 5% cấp xã bố trí.

Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản.

“Các mô hình này rất cần thiết. Chứ chúng ta lo họp chuyện này, chuyện khác suốt, còn trẻ em thì không nhắc tới, coi là chuyện con nít thì làm sao chuyển biến được”, Thủ tướng nói và đề nghị các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật về trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho các cháu, tùy theo lứa tuổi, giới tính.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em, đừng để tình hình nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng cơ quan chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể thì chưa rõ.

Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17/10/ 2018.

“Với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, chúng ta phải làm mọi cách để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế-xã hội”, Thủ tướng nói.

Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%...

Theo một số ý kiến, giải pháp quan trọng là phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em… Trong đó, giải pháp rất quan trọng là nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở.

Xuân Lan