Thủ tướng: Điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 06:53, 26/07/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp
Chiều 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp cho rằng, tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Nhu cầu về phế liệu như giấy vụn, nhựa… để làm nguyên liệu là có thật, điều này có lợi về kinh tế cho nhà sản xuất nhưng không có lợi về môi trường. Hiện nay còn tồn đọng nhiều container phế liệu nhập khẩu tại các cảng. Các ý kiến cho rằng, cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh tình trạng này.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ liên quan tiếp thu ý kiến để ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng hiện nay. Đây là vấn đề cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc.
Phải tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nhân dân. Vì vậy, cần phân công trách nhiệm rõ ràng về vấn đề này.
Thủ tướng nêu rõ, cần điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng; làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe.
Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ tác động từng sản phẩm phế liệu, từ đó, nêu rõ cơ sở cần thiết để có danh mục phế liệu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để nhập vào Việt Nam với tinh thần là giảm danh mục tối đa, tránh tình trạng “lợi bất cập hại” do nhập phế liệu vào Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương, các bộ liên quan xử lý tiêu hủy, di dời các container phế liệu.
Thủ tướng nhấn mạnh cần rà lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra việc cấp phép thời gian qua, xử lý nghiêm cán bộ, doanh nghiệp vi phạm.
Bộ Công Thương cũng phải rà lại vấn đề tạm nhập tái xuất phế liệu.
Sau cuộc họp, Thủ tướng nhất trí, cần ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này, là văn bản quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan, các địa phương trong cả nước thực hiện; do đó, cần làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà đầu tư
Chiều tối cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào dự án Nhà máy sản xuất điện khí thiên nhiên hóa lỏng (khí LNG) tại Bạc Liêu.
Cùng dự có lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và một số bộ, ngành liên quan.
Dự án có công suất 3.200 MW với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, tức là khoảng hơn 91 nghìn tỷ đồng và giá bán điện dự kiến sẽ khoảng 7 cent/1 kWh. Nếu nhận được sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam, các nhà đầu tư dự kiến trong 3 năm nữa sẽ phát điện tổ máy đầu tiên với công suất 1.000 MW.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, lượng khí thải của nhà máy rất thấp so với nhiệt điện than và hầu như không có chất thải khác gây ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận dự án này khả thi, mức giá 7 cent/1 kWh là hợp lý, thấp hơn so với giá điện được sản xuất từ nhiệt điện than và điện gió, điện mặt trời.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng rất lớn để đầu tư các dự án điện khí, hiện có rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm muốn đầu tư xây dựng nhà máy điện khí tại khu vực này.
Thủ tướng hoan nghênh các đối tác đã quan tâm tìm hiểu và đề xuất đầu tư dự án. Nhất trí với các ý kiến cho rằng dự án có nhiều điểm ưu việt, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với EVN và các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh Tổng sơ đồ điện VII, nếu dự án tính khả thi cao thì bổ sung dự án này để có thể phát điện 1.000 MW vào năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bạc Liêu, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư trình tự, thủ tục đầu tư với tinh thần cải cách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là dự án có vốn đầu tư lớn, nên trong mọi khâu phải làm nghiêm túc, bài bản, đúng quy trình. Dự án phải bảo đảm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường, giá điện phải có tính cạnh tranh cao và bảo đảm đúng tiến độ của dự án.