Chủ tịch nước: Cần nâng cao chất lượng tranh tụng của luật sư tại phiên tòa

Chính trị - Ngày đăng : 18:15, 10/07/2018

Nội dung trên được Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tại buổi làm việc với Đảng đoàn và Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chủ tịch nước: Cần nâng cao chất lượng tranh tụng của luật sư tại phiên tòa

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu kết luận buổi làm việc

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng đoàn và Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương.

Qua nghe báo cáo về tổ chức, hoạt động và phương hướng phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cùng những ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng về những kết quả, thành tích mà Liên đoàn và đội ngũ luật sư Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Hiện nay, cả nước có hơn 12.500 luật sư, bộ máy tổ chức, nhân sự, điều lệ hoạt động, quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp được kiện toàn.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thể hiện tốt vị trí, vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ luật sư cả nước tích cực tham gia bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tham gia vào hàng chục ngàn vụ án, hàng trăm ngàn vụ việc dân dự, thương mại, lao động...; tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương ở thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng hàng trăm ngàn vụ trợ giúp pháp lý ở các địa phương.

Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhất là với Hiệp hội luật sư quốc tế và Hiệp hội luật sư châu Á-Thái Bình Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân theo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư trong quá trình hành nghề, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới luật sư được bảo đảm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ năm 2018 là năm thứ ba, năm bản lề có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Năm 2018 cũng là năm các Đoàn Luật sư trong toàn quốc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới tổ chức Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2020-2025).

Nhiệm vụ này đòi hỏi Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết thống nhất, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 và những năm tiếp theo, góp phần tích cực bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động hành nghề luật sư và tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư; tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn Luật sư và chuẩn bị nhân sự cho việc tổ chức Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tiếp tục tham mưu với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, xây dựng cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng của luật sư tại phiên tòa, nhất là các phiên tòa luật sư được chỉ định tham gia; xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư, trong đó chú trọng hoạt động tư vấn pháp lý phục vụ hội nhập quốc tế; khuyến khích luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế 2010-2020; triển khai nghiên cứu “xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư” theo sự phân công của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát huy vai trò trong công tác đối ngoại nhân dân, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là nhiệm vụ chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Về một số kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi về trụ sở làm việc; sớm thể chế hóa Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị để Liên đoàn được hưởng chế độ của tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan tư pháp Trung ương sớm có hướng dẫn thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 để bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, tạo điều kiện để luật sư phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ công lý và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập vào tháng 5/2009. Từ khi thành lập đến nay, cả nước đã có gần 12.600 luật sư. Liên đoàn đã thể hiện tốt vị trí, vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ luật sư cả nước tích cực tham gia bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Liên đoàn thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ luật sư. Chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, rà soát thủ tục hành chính theo yêu cầu của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính; tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương.

Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhất là với Hiệp hội luật sư quốc tế và Hiệp hội luật sư châu Á - Thái Bình Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân theo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư trong quá trình hành nghề, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới luật sư được bảo đảm. Qua đó, đã tạo lập được niềm tin của đội ngũ luật sư vào Liên đoàn.

Trọng Bằng