Chuyện cạnh tranh phim chiếu rạp đã lên đến Quốc hội
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 12:00, 16/11/2017
“Khi được biết nhiều đại biểu Quốc hội có quan tâm đến tình hình của điện ảnh Việt Nam thì tôi thực sự rất mừng. Hy vọng Quốc hội có thể giúp sửa đổi Luật Cạnh tranh và sau này là Luật Điện ảnh, để tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng nhất, giúp cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể có cơ hội tham gia vào phát triển mọi chuỗi hoạt động của điện ảnh Việt Nam" - bà Ngô Thị Bích Hạnh (Phó Tổng Giám đốc BHD) cho biết – "Các doanh nghiệp Việt Nam không sợ cạnh tranh sòng phẳng và luôn mong mỏi có một môi trường cạnh tranh lành mạnh để có thể cùng phát triển”.
Đừng để các doanh nghiệp Việt khóc ròng
Như Truyền hình Thông tấn đưa tin, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) phát biểu tại kỳ họp: "Các nhà làm phim Việt không dễ đưa phim của mình ra rạp, bởi hệ thống rạp gần như rơi vào tay doanh nghiệp ngoại. Trường hợp này, doanh nghiệp Việt dù có liên kết lại với nhau thành bó đũa cũng khó có thể cạnh tranh với đối thủ ngoại.”
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì nói: “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi nước mắt vì bị mất thị trường ngay trên chính quê hương mình, ngay cả khi được nước ngoài chào mua lại với giá ba đời ăn không hết. Thật đau lòng khi con em chúng ta thần tượng nhạc ngoại, mê phim ngoại, để tóc, ăn mặc, ăn uống theo cung cách ngoại mà không biết cả những kiến thức cơ bản về văn hóa và lịch sử Việt Nam.”
Trước đó, chiều tối 13/11, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cũng đã ra thông cáo báo chí về việc “CGV có biểu hiện kinh doanh trái phép và tiếp tục chèn ép doanh nghiệp Việt”. Trong đó có đoạn: “Việc một doanh nghiệp nước ngoài có dấu hiệu ngang nhiên kinh doanh trái phép, thu lợi bất chính lớn trong một thời gian dài để chiếm lĩnh đến 61% thị trường mà không bị xử lý sẽ ảnh hưởng đến kỷ cương phép nước, tạo tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư kinh doanh”.
Ông Nguyễn Văn Nhiêm (Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): “Chúng ta không thể không quyết liệt, nếu cứ để tình trạng như hiện tại, chỉ cần 3-5 năm nữa thôi, các doanh nghiệp phim trong nước sẽ bị các doanh nghiệp ngoại như CGV thâu tóm hoặc nuốt chửng”.
Ông Nhiêm nói thêm: “Chờ đến khi thay đổi được Luật Điện ảnh vào năm 2019, có lẽ đã là quá muộn, vì tốc độ thâu tóm đang quá nhanh. Chỉ mới vài năm thôi, mà hiện nay doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm hơn 65% thị phần rạp chiếu phim và gần 70% thị phần phát hành phim. Riêng CGV thống lĩnh thị trường với hơn 40% thị phần rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim điện ảnh tại Việt Nam”.
Một câu chuyện cũ
Hồi tháng 6/2016, 8 đơn vị sản xuất và phát hành phim trong nước đã gửi đơn khiếu nại lên các chức năng về việc họ bị CGV chèn ép tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé. Nhưng kết quả của vụ khiếu nại này thế nào thì xem như… để ngỏ.
Tiền thân của CGV là Megastar cũng từng bị khiếu kiện. Ngày 1/3/2010, 6 doanh nghiệp nội địa đã cùng đệ đơn cầu cứu lên các ban ngành quản lý về việc Megastar nâng giá thuê phim và áp đặt các điều kiện phát hành phim. Vụ kiện này cũng không có hồi kết.
“Quan trọng hơn, việc doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường phim Việt Nam, quyết định phim nào được đến với công chúng, về lâu dài sẽ tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với bản sắc văn hóa và sự phát triển lành mạnh của các thế hệ người Việt trong tương lai” - Thông cáo báo chí của Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cho biết.
Mong muốn có tiếng nói 2 chiều trong vụ việc này, chúng tôi đã tìm cách liên lạc đến các nhân viên truyền thông và người phụ trách truyền thông của CGV. Đáng tiếc, rất giống nhau, tất cả đều không nghe máy. Được biết, tình trạng im lặng này cũng xảy đến với vài đồng nghiệp ở các báo khác. |