Những “kép Tư Bền” đến lúc thác vẫn còn vương tơ…
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 20:04, 01/11/2016
Con tằm đến lúc thác vẫn còn vương tơ
Tối 31/10, NSƯT Phạm Bằng đột ngột qua đời vì tuổi cao, bệnh nặng. “Bố Bằng” ra đi khiến giới nghệ sĩ và người hâm mộ đều bàng hoàng. Nhắc đến ông, nhiều người thường nhớ đến vị “sếp đầu hói”, ưa nịnh, diễn xuất ăn ý cùng một Vân Dung “mắt nói, miệng nói” giọng lanh lảnh, chua ngoa trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần”. Có thể nói, thời điểm chương trình “làm mưa làm gió” trên sóng truyền hình, bộ tứ Phạm Bằng - Vân Dung - Quang Thắng - Quốc Khánh trở thành những nhân vật được chờ đợi nhiều nhất vào các ngày cuối tuần.
Ở NSƯT Phạm Bằng còn có một điểm vô cùng đặc biệt. Nhiều khán giả yêu ông vì với họ, quán bánh trôi tàu mang tên ông ở góc phố Hàng Giầy vẫn là nơi chốn hẹn hò quen thuộc mỗi khi những cơn gió đông ngúng nguẩy thổi bay tà áo, đem từng hơi lạnh thấm vào da thịt các nam thanh nữ tú. Nhiều người đến đây đơn giản vì muốn thưởng thức món bánh quen thuộc, để cảm nhận một Hà Nội mùa đông ấm áp len qua đầu lưỡi ra sao. Nhưng cũng có những người đến với quán bánh trôi tàu của bác Phạm Bằng chỉ để được nhìn thấy ông, nhìn thấy những nghệ sĩ mình yêu mến bằng da bằng thịt, trò chuyện dăm ba câu cho thỏa… trí tò mò.
Với các nghệ sĩ trẻ, NSƯT Phạm Bằng được gọi bằng cái tên rất trìu mến “Bố Bằng”. “Bố Bằng” thân thiện, hiền lành, được thế hệ đàn em, lớp con cháu vô cùng yêu quý và kính trọng. Bởi, như ông từng chia sẻ trên một tờ báo rằng: “Trong bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, sự nhường nhau giữa những người nghệ sĩ chuyên nghiệp thực thụ đều rất quan trọng”.
Giấu nỗi niềm riêng sau ánh đèn sân khấu, những “Kép Tư Bền” lặng lẽ rút ruột nhả tơ, mang lại niềm vui và nụ cười cho khán giả
Với ông, quan niệm khi đóng cặp với bạn diễn là phải biết “cất cánh”, nhưng cũng cần biết “nhường”, biết làm “bệ đỡ”, biết tung hứng để tất cả cùng thăng hoa, để làm sao truyền tải hiệu quả nhất mà tác giả kịch bản muốn truyền tải tới khán giả, và để làm sao người xem được thỏa mãn, được cười thực sự, được hạnh phúc thực sự.
Còn nhớ trong đĩa hài Tết cách đây vài năm, khán giả từng nức nở và cảm như thấu hiểu hơn về cuộc đời người nghệ sĩ khi nghe NSƯT Xuân Hinh ngân lên từng câu trong bài ca “Kiếp con tằm”. Nếu người họa sĩ vẽ là vì cái nghiệp vẽ, thi sĩ làm thơ vì cái nghiệp thơ, người làm văn thì vì cái nghiệp văn, người nuôi tằm vì cái nghiệp tằm thì NSƯT Phạm Bằng cũng như nhiều nghệ sĩ khác, họ như những con tằm với thiên chức “rút ruột nhả tơ” bởi mong muốn mang lại nụ cười, niềm hạnh phúc cho khán giả, làm cho cuộc đời thêm đẹp, thêm đáng yêu, đáng sống.
Lặng lẽ những “kép Tư Bền”
Mang thiên chức của con tằm rút ruột nhả cho đời những sợi tơ hạnh phúc rạng rỡ, người nghệ sĩ ngồi trước gương điểm tô khuôn mặt cho tới khi ra chất của nhân vật. Đèn sân khấu rực sáng, tiếng nhạc nổi lên, với họ, nhiệm vụ lúc này chính là mang lại niềm vui, mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Thế nhưng, ít ai biết, khi xa rời tiếng vỗ tay của người hâm mộ, họ lại trở về với những ưu tư khắc khoải, với những chuyện đời đầy xót xa như Kép Tư Bền - nhân vật nổi tiếng trong truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Nhớ đến kép Tư Bền, người đọc nằm lòng hình ảnh một kép Tư Bền chỉ “nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu, chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ nhìn một cái điệu bộ cỏn con của anh ta, các khán quan cũng đủ phải ôm bụng mà cười, vỗ tay đôm đốp”. Ấy thế nhưng, những người yêu sách, yêu mến nhân vật này hẳn không thể nào quên được nỗi đau mà anh trải qua khi nhận được tin cha mất trong phút giây thăng hoa trên sân khấu…
Trong bài viết kể lại câu chuyện cuộc đời với giọt nước mắt mặn chát của diễn viên hài Minh Nhí, anh cho biết, một đêm diễn, khi đang đứng trong cánh gà chuẩn bị diễn ở sân khấu Trống Đồng (TP. Hồ Chí Minh) thì được tin cha mất. Lúc đó, anh chỉ nghĩ bạn bè đùa. Thế nhưng, linh cảm bất an nên Minh Nhí gọi điện thoại về quê. Và, anh đã chết lặng…
“Rất kinh khủng. Tôi nhắm mắt lại và không muốn mở mắt ra nữa... Tôi như lơ lửng giữa bóng tối, khoảng trống cùng với nỗi đau quá đột ngột”, anh kể lại. Vừa lúc đó, người dẫn chương trình đã giới thiệu tên Minh Nhí và Hữu Châu.
Hay với nghệ sĩ đa tài Hoài Linh, nếu trên sân khấu đa dạng, góc cạnh, rộn ràng, biến hóa bao nhiêu, mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả bao nhiêu thì ngoài đời dường như anh lại quá… tiết kiệm. Trong một bài phỏng vấn, danh hài từng chia sẻ: “Ngoài đời ai gặp cũng hỏi tại sao Hoài Linh trầm chứ không rộn ràng, tưng bừng như trên sân khấu. Khi đã quá thấm chữ “nghề” và “đời”, con người ta sẽ như thế. Đúng là ngoài đời tôi có nhiều khoảng lặng quá…”.
Trong một bài báo, nghệ sĩ Hoài Linh tâm sự: “Đã là diễn viên, diễn bi hay hài đều bạc. Cười đó rồi khóc đó. Tâm lý không ổn định, cảm xúc cứ bấp bênh. Người diễn viên hài trải lòng với khán giả bằng tiếng cười còn nỗi buồn phải giữ lại, ép lại. Cái hài không giải tỏa được nỗi buồn mà cứ ấp ủ hoài nên nặng nề đầu óc, thành ra trầm cảm, lặng đi, lừ đừ và càng thấm đẫm cái buồn”. |
Còn nhớ trong hậu trường của liveshow Hoài Linh cách đây vài năm, người ta từng chứng kiến một “bệnh viện dã chiến” với xe cứu thương, các loại thuốc, các phương tiện, dụng cụ y tế cấp cứu tại chỗ, cùng một bác sĩ thường xuyên túc trực và hai bình ôxy. Cánh phóng viên kể lại, cứ diễn xong một màn, Hoài Linh lại được đưa vào sau cánh gà để bác sĩ đo huyết áp, dùng bình ôxy trợ thở.
“Nỗi buồn của người diễn hài thấm càng lâu, càng sâu. Nhiều khi tôi ví mình như kép Tư Bền, ngoài đời cười hỉ hả, tươi vui, nhưng trong lòng lại khóc. Đấy cũng là cái khổ của người diễn hài dễ mủi lòng, cảm động. Vì thế khi vui nước mắt tôi chảy ra ngoài, còn khi buồn cùng cực thì phải nuốt nước mắt vào trong”. Nghệ sĩ Hoài Linh - Gia đình & Xã hội |
NSƯT Hữu Châu lúc sinh thời từng kể rằng: “Tôi có lẽ còn bi đát hơn cả kép Tư Bền vì hai lần trước khi lên sân khấu đều nhận tin người nhà chết bất đắc kỳ tử. Lần thứ nhất tôi giấu chuyện và cố diễn cho tròn vai. Lần thứ hai, bi kịch hơn khi tôi cứ phải tưng bừng vui nhộn trên sân khấu vì đó là vở dành cho thiếu nhi… Nói thực, lúc đó ngoài cái máu sân khấu chảy trong người, tôi phải vận dụng hết lý trí để nhập vai. Diễn xong, vào cánh gà tôi chỉ muốn đổ gục xuống vì bao nhiêu năng lượng trong người dường như bị rút sạch”.
Nhiều khán giả màn ảnh nhỏ vẫn chưa thể quên hình ảnh nghệ sĩ Tuấn Dương chuyên “đặc trị” những vai hài hước, từ lão nông dân đến anh trưởng thôn sợ vợ. Những vai diễn của ông mang tiếng cười đến cho mọi người nhưng cuộc đời lại chẳng khác chi kép Tư Bền, bởi ông có những nỗi niềm riêng giấu kín, ít khi thổ lộ cho mọi người biết. Kết hôn muộn ở tuổi ngoài 50, tuy nhiên hạnh phúc vẫn chưa mỉm cười với ông khi cuộc hôn nhân muộn mằn không mang lại cho ông một người con. Không buồn về đời sống riêng tư, Tuấn Dương vẫn lặng lẽ đóng phim, cần mẫn mang đến những tiếng cười cho cuộc đời, dù đời tư còn nhiều nỗi niềm, khắc khoải...
NSƯT Phạm Bằng cũng như nhiều nghệ sĩ khác luôn mang tiếng cười cho khán giả, còn phía sau ánh đèn sân khấu là cảnh sống khó khăn, là đời tư éo le, hay những nỗi niềm riêng giấu kín. Thế nhưng, nói về mình, NSƯT Phạm Bằng từng chia sẻ: “Còn sức và khán giả còn cần là tôi còn đi diễn. Lực bất tòng tâm thì phải chịu chứ tôi muốn làm cho đến lúc tôi ra đi”.
Và với “bố Bằng”, có thể mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ có “vượt qua năm tháng bằng tiếng cười” là vẫn còn bền chặt và bất tận. Ông đã ôm cơn đau đến phút cuối cùng, để rồi những gì ông để lại cho đời chỉ là tiếng cười, là hình ảnh người nghệ sĩ như con tằm cần mẫn, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, “đến thác vẫn còn vương tơ”…