Những bộ Phim hành động tốn kém nhất mọi thời đại
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 15:28, 14/08/2015
“Pirates of the Caribbean: At World’s End” (2007) – 341,8 triệu USD: Phần phim thứ 3 trong series phim “Cướp biển vùng Caribê” hiện là bộ phim có kinh phí thực hiện đắt đỏ nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới, kể cả khi có những điều chỉnh con số vì lạm phát. Tuy nhiên, “At World’s End” đã đem về cho hãng Disney 960 triệu USD doanh thu toàn cầu, cao nhất trong năm 2007 sau khi bộ phim kết thúc đợt trình chiếu.
“Spider-Man 3” (2007) – 293,9 triệu USD: Tập “Người nhện” thứ ba của đạo diễn Sam Raimi cũng là một tác phẩm “đắt xắt ra miếng”. Với tổng mức kinh phí sản xuất lên tới gần 294 triệu USD, siêu bom tấn này đạt 891 triệu USD doanh thu sau khi ra mắt trong mùa hè năm 2007.
Cho tới nay, “Spider-Man 3” vẫn là tác phẩm ăn khách thứ hai trong lịch sử hãng Sony (chỉ sau Skyfall) và là phim ăn khách thứ ba trong số các tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh Marvel (sau The Avengers và Iron Man 3).
Tuy vậy, bộ phim lại vấp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ giới phê bình. Những bất đồng giữa đạo diễn Sam Raimi với hãng Sony cũng khiến cả hai không tiếp tục thực hiện “Spider-Man” 4 như dự kiến từ trước đó.
“Waterworld” (1995) – 271,3 triệu USD: Tại thời điểm ra mắt, năm 1995, “Waterworld” phá vỡ nhiều kỷ lục về chi phí sản xuất trước đó, nhưng bộ phim lại nhận được nhiều đánh giá tiêu cực từ giới phê bình và phần lớn khán giả.
Vì thế, “Waterworld” không thể thu hồi vốn sản xuất trong thời gian chiếu rạp và phải nhờ tới doanh thu của các định dạng như DVD hay VHS mới có thể phần nào gỡ gạc được con số khổng lồ nói trên. Giống như “Cleopatra”, “Waterworld” gặp không ít vấn đề trong quá trình sản xuất và khiến cho chi phí thực hiện vượt hơn… 75 triệu USD so với dự kiến ban đầu.
“Pirates of the Caribbean: Dead Man’s Chest” (2006) – 263,7 triệu USD: Tập phim thứ hai trong loạt phim “Cướp biển vùng Caribê” cũng nằm trong top các bộ phim hành động tốn kém nhất mọi thời đại. Được kỳ vọng sau phần mở đầu, “Dead Man’s Chest” được giới phê bình dành những lời ca ngợi cho bộ phim về mặt kỹ xảo hình ảnh, nhưng lại bị chỉ trích về phần cốt truyện và thời lượng quá dài.
Bất chấp điều đó, bom tấn này hiện vẫn là tập phim “Cướp biển Caribê” ăn khách nhất từ trước tới nay và đem về doanh thu kỷ lục cho hãng Disney với con số ấn tượng 1,066 tỷ USD. Phải mãi 6 năm sau, siêu bom tấn The Avengers mới phá vỡ được kỷ lục này.
“Avatar” (2009) – 261 triệu USD: Siêu phẩm này được James Cameron ấp ủ suốt từ năm 1994 và hiện là bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh. Kinh phí thực hiện được công bố của “Avatar” là 237 triệu USD, tương đương 261 triệu USD trong năm 2014.
Một số nguồn tin nội bộ cho rằng kinh phí thực sự của “Avatar” nằm trong khoảng từ 280-310 triệu USD, cộng thêm 150 triệu USD cho các chi phí quảng bá. Hiện đạo diễn James Cameron đang lên kế hoạch tiếp tục thực hiện “Avatar” 2, “Avatar” 3, “Avatar” 4 với giấc mơ phá vỡ kỷ lục doanh thu 2,78 tỷ USD mà phần phim trước đã lập được.
“John Carter” (2012) – 257,2 triệu USD: Bộ phim này có kinh phí thực hiện vô cùng hoành tráng, nhưng lại là một bộ phim đáng quên của hãng Disney sau khi thất bại thảm hại tại các phòng vé Bắc Mỹ và bị giới phê bình trù dập tơi tả.
Theo một số tính toán, nếu cộng thêm cả chi phí quảng bá thì “John Carter” có thể đã khiến hãng Disney lỗ tới gần 200 triệu USD. Thất bại này góp phần không nhỏ khiến cho Rich Ross, Giám đốc của Walt Disney Studios tại thời điểm bộ phim này ra mắt đã buộc phải từ chức.