Vì sao “Cô dâu 8 tuổi” bị khán giả trẻ Việt Nam "vùi dập"?
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 15:48, 25/06/2015
Trong khi các bà nội trợ Việt, những người lớn tuổi “phát cuồng” thì một bộ phận giới trẻ lại “lắc đầu ngán ngẩm” với nội dung của bộ phim này.
Theo nhà sản xuất tiết lộ, phim gồm 1.927 tập, do cặp đạo diễn Sidharth Segnupta và Pradeep Yadav dàn dựng, khởi chiếu tại Ấn Độ bắt đầu từ tháng 7.2008 trên kênh Colors TV.
Thực tế, “Cô dâu 8 tuổi” là một phim mang tính nhân văn cao, phản ánh chân thực hủ tục "trọng nam khinh nữ" trong xã hội Ấn Độ, dàn diễn viên đẹp, các tình tiết đan xen kịch tính...
'Cô dâu 8 tuổi' đã thành công nhất khi khai thác cuộc đời bi thương của cô bé Anandi cùng những mối quan hệ phức tạp trong cuộc sống gia đình. Đó là câu chuyện có thật diễn ra tại một làng quê ở bang Rajasthan, Ấn Độ với những mâu thuẫn gia đình, mối quan hệ giữa con dâu với các thành viên nhà chồng, hệ lụy của nạn tảo hôn, quan hệ thầy trò, bạn bè... cùng nhiều mối đan xen phức tạp giữa người với người trong xã hội ở những miền quê hẻo lánh của Ấn Độ. Ngoài ra, những đặc trưng văn hóa sắc nét của Ấn Độ được khắc họa trong phim cũng là một yếu tố thu hút người xem.
Tuy nhiên, những lý do trên không đủ thuyết phục để “Cô dâu 8 tuổi” trở thành bộ phim hút khán giả trẻ ở Việt Nam. Trên mạng xã hội và các diễn đàn liên tục đăng tải những ý kiến, ảnh chế chê bai, than phiền về mức độ “đày đọa” khán giả của bộ phim này. Vậy đâu là lý do khiến “Cô dâu 8 tuổi” bị “vùi dập” không thương tiếc?
1. Diễn biến dài dòng khiến nhiều người ‘phát điên”
Với con số 1.927 tập và có khả năng tiếp tục tăng, “Cô dâu 8 tuổi” trở thành bộ phim dài nhất trong lịch sử truyền hình của Ấn Độ. Chính vì số tập quá nhiều nên tình tiết của phim theo đó cũng bị kéo dài ra một cách vô lý. Cho đến thời điểm hiện tại, "Cô dâu 8 tuổi" đã có 7 năm tồn tại trên sóng truyền hình Ấn Độ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chỉ một cảnh khóc lóc trong phim cũng được dành hẳn thời lượng nửa tập để miêu tả. Đến mức, một khán giả đã phải thốt lên đầy bức xúc: “Giọt nước mắt lăn từ mắt xuống mũi đã mất nửa tập. Có mỗi cái đám ma cũng kéo dài ba tập. Bị chửa, ngã cầu thang gần hết 1 tập mới đưa đi viện. Chuyện gì phức tạp tí là phải 5-6 tập…”.
“Cô dâu 8 tuổi” còn gây ức chế khi máy quay liên tục chiếu cận cảnh đến từng gương mặt các nhân vật trong phim, sau đó mới đề cập đến sự kiện chính. So với xu hướng làm phim ngày càng ngắn gọn, súc tích mà vẫn thể hiện được kịch tính thì mạch phim chậm chạp, diễn biến dài dòng của “Cô dâu 8 tuổi” quả thực khiến nhiều người “phát điên”.
2. Gây "chia rẽ" gia đình
Việc “Cô dâu 8 tuổi” phát sóng khung giờ vàng và khiến các bà, các mẹ mê mệt đã gây nên một sự “chia rẽ” trong gia đình. Nhiều bạn trẻ đã than phiền rằng, tới giờ cơm mà phải xem phim này chẳng khác gì một “cực hình”. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến giới trẻ không có thiện cảm với “Cô dâu 8 tuổi” vì phải liên tục nhường ti vi cho các bà, các mẹ.
3. Diễn xuất đơn điệu
Bên cạnh dàn diễn viên Bollywood đẹp long lanh với những tên tuổi nổi bật như: Avika Gor, Pratyusha Banerjee, Toral Rasputra… nhưng họ vẫn không đủ sức khiến cho bộ phim bớt chán hơn. Hầu hết, diễn xuất của các diễn viên đều được đánh giá là đơn điệu. Những biểu cảm như: ngạc nhiên, khóc lóc… được các diễn viên sử dụng lặp đi lặp lại quá nhiều. Đơn cử như diễn viên đảm nhiệm vai người bà chỉ lặp đi lặp lại câu: “Ôi thần linh ơi xin phù hộ! Ôi thần linh ơi tại sao tôi lại khổ thế này...” trong suốt các tập phim khiến nhiều người phát bực.
Các diễn viên chỉ có lặp đi lặp lại các biểu cảm khóc lóc, ngạc nhiên, đau khổ trong suốt các tập phim. Những diễn biến nội tâm của nhân vật vì thế cũng không được khai thác hợp lý khiến cho bộ phim không có được chiều sâu cần thiết.
4. Cốt truyện dài dòng, thiếu sự chặt chẽ
Một lý do nữa khiến “Cô dâu 8 tuổi” bị “vùi dập” không thương tiếc đó chính là cốt truyện của phim dài dòng, thiếu sự chặt chẽ. Được biết, chuyện phim dựa theo sự kiện có thật diễn ra tại một làng quê ở bang Rajasthan với những mâu thuẫn gia đình, mối quan hệ giữa con dâu với các thành viên nhà chồng, hệ lụy của nạn tảo hôn, quan hệ thầy trò, bạn bè... cùng nhiều mối đan xen phức tạp khác.
Tuy nhiên, độ dài của phim và độ phức tạp của các mối quan hệ này không khiến cho “Cô dâu 8 tuổi” trở nên khó hiểu. Theo nhận xét của nhiều khán giả, cốt truyện của phim quá dài dòng và thiếu sự chặt chẽ nên dù có bỏ nhiều tập phim thì khi tiếp tục xem vẫn có thể hiểu vì motif chung là sướt mướt, khóc lóc.
5. Nhân vật khóc quá nhiều
Những cảnh khóc lóc của các nhân vật kéo dài liên tục trong các cảnh quay khiến người xem ức chế kinh khủng, khiến bộ phim bị “vùi dập”. Theo thống kê, trong suốt 1.927 tập phim đã có 1.827 tập có cảnh khóc.
Một khán giả bình luận: “Càng ngày càng không thể không ghét Cô dâu 8 tuổi, tập phim nào cũng khóc lóc, không biết diễn viên lấy đâu ra nước mắt để mà khóc nhiều đến thế”.