Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc quản lý sốt đất ở đặc khu chưa theo kịp các "giao dịch ngầm"

Chính trị - Ngày đăng : 09:18, 05/06/2018

Vấn đề quản lý quỹ đất, sốt đất tại 3 đặc khu đã làm nóng nghị trường phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Chiều 4/6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, QH tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà các vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, địa phương, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Năng lực quản lý chưa theo kịp các giao dịch ngầm

Liên quan đến vấn đề sốt đất tại ba đặc khu, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), quản lý đất đai luôn là vấn đề phức tạp, khó, nhạy cảm đòi hỏi phải trách nhiệm sáng suốt và có tầm nhìn. Hiện nay, thị trường đất đai ở các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội. “Bộ trưởng có biết chuyện đó không? Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương đã giải quyết vấn đề này như thế nào?” đại biểu nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc quản lý sốt đất ở đặc khu chưa theo kịp các

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng theo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng, tương lai phát triển là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chưa có giải pháp để phòng ngừa tình trạng này.

Theo Bộ trưởng, vừa qua cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn, nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch “ngầm.” Cách đây mấy năm, đất đai ở khu vực quy hoạch làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán “ngầm” vẫn diễn ra.

Vấn đề “sốt đất” là đương nhiên, nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đối mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp thời.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ việc đưa ra nội dung trong Chỉ thị của các Ủy ban Nhân dân về dừng chuyển nhượng đất đai tại một số địa phương là không phù hợp pháp luật hiện nay.

Thay vào đó, ông đề nghị Quốc hội nên ban hành Nghị quyết có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai tại các đặc khu sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, thời điểm này, các địa phương cần xem lại hồ sơ đất đai để quản lý chặt, từ đó, tính toán đền bù đảm bảo công bằng, để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai như vừa qua.

70% khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai

Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu quan điểm thời gian qua, vấn đề khiếu nại, tố cáo về đất đai luôn chiếm tỷ lệ lớn trên 70%, là nguyên nhân chính gây bức xúc trong nhân dân, làm mất trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển nhiều địa phương do ưu đãi đầu tư đã giao hàng vạn hécta đất cho tổ chức doanh nghiệp xây dựng dự án khu đô thị, khu du lịch làm mất quyền tiếp cận chính đáng của người dân với biển, gây khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính và giải pháp khắc phục cơ bản vấn đề này.

Thừa nhận khiếu nại về đất đai là vấn đề nhức nhối, bức xúc, gây mất an ninh, trật tự xã hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề này có từ 30-40 năm về trước. Bộ Tài nguyên và Môi trường trung bình mỗi năm nhận được từ 3.000-4.000 đơn thư khiếu nại, tập trung vào ba nhóm vấn đề: Thứ nhất liên quan đến giá, công bằng hay không công bằng, tính đúng hay không tính đúng thị trường. Thứ hai là trình tự, thủ tục xử lý liên quan đến quyền lợi của người dân. Cuối cùng là việc cấp giấy quyền sử dụng đất, trách nhiệm của người dân phải đóng góp về kinh phí. Theo Bộ trưởng, để giải quyết tình trạng này cần tập trung rà soát từng vấn đề, xem xét nguyên nhân khiếu nại, đồng thời điều chỉnh phương pháp tính giá để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Về câu hỏi giao quá nhiều đất cho nhà đầu tư ven biển khiến dân mất sinh kế, Bộ trưởng cho biết Đà Nẵng là địa phương điển hình. Vừa qua Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã giải quyết rốt ráo việc này. Nguyên lý áp dụng là giới hạn từ đường ranh giới chiều cao trở vào trong 100m không đầu tư những công trình mang tính chất thương mại, kinh tế. Việc xử lý như Đà Nẵng để lập lại trật tự là cần thiết. "Bờ biển là của chung, không phải sở hữu của tổ chức nào. Quan điểm của Bộ là cần chấn chỉnh và lập lại quy hoạch," Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Xem xét, rà soát lại quỹ đất

Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề cập đến tình trạng quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế và chất vấn Bộ trưởng về giải pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất không đúng, sai mục đích này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn chỉ rõ quản lý đất đai là vấn đề yếu kém. Trên thực tế việc quản lý theo quy hoạch, các đất công chưa sử dụng giao cho các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước... Công tác quản lý chưa thực hiện quyết liệt nên không đánh giá đầy đủ về nguồn lực này, dẫn đến việc sử dụng chưa đúng mục đích, sử dụng đất lãng phí. Nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn nhưng không hiệu quả.

Về biện pháp, Bộ trưởng cho rằng cần sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, quy định hiện hành, đặc biệt đã có Luật Đất đai 2013 cho phép thu hồi các dự án vi phạm. Thời gian qua, Hà Nội và ba địa phương khác đã thu hồi hơn 77.000ha các dự án có quyết định phê duyệt nhưng đầu tư chậm, không đạt tiến độ để đất đai lãng phí, sai mục đích, thu hồi lại và đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, phải xây dựng chỉ tiêu năng lực nhà đầu tư, cơ chế tài chính, tiến độ đầu tư.

Ô nhiễm không khí rất lớn, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng

Các ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp xử lý tình trạng xả thải thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp; nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới; thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; quản lý thị trường đất đai tại ba địa phương đang xây dựng đặc khu, vì đây là vấn đề đang gây bức xúc cho dư luận xã hội...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc quản lý sốt đất ở đặc khu chưa theo kịp các

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Cho rằng các khu, cụm công nghiệp chủ yếu do cấp huyện quản lý, do thiếu vốn nên về cơ bản không có hạ tầng, hoặc hạ tầng không kết nối, trong cụm công nghiệp lại bố trí dân cư ở..., Bộ trưởng nêu rõ, hiện trạng này đã dẫn tới tình trạng hình thành các khu dân cư ô nhiễm, chuyển ô nhiễm từ làng nghề ra các cụm công nghiệp... Tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định về vấn đề này, trong đó có quy định trách nhiệm cụ thể của cấp tỉnh, cấp huyện... trong bảo đảm môi trường.

Liên quan đến ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận “tình trạng này là rất lớn” (dù chưa đến mức nghiêm trọng như một tổ chức đã công bố)… Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành kế hoạch giám sát môi trường không khí, công bố công khai để nhân dân biết, giám sát, có giải pháp để giảm nguồn thải từ giao thông; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ khi thu hoạch...

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Anh Trí tranh luận và khẳng định, với những thông tin đại biểu có và chuyên môn của một bác sỹ, thì bụi đang gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn.

Kiểm soát bảo đảm đạt chuẩn mới được xả thải

Các ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), Lê Công Đỉnh (Long An), Lê Công Nhường (Bình Định)… chất vấn Bộ trưởng về giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...

Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận ô nhiễm môi trường nói chung cũng như ô nhiễm môi trường lưu vực sông nổi lên vừa qua là xu hướng chưa đảo ngược. Hiện tượng này có ba nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất có thể khắc phục được là các nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp. Trong thời gian qua, về cơ bản, Bộ TN - MT, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm soát những nguồn thải này, và có biện pháp cụ thể yêu cầu xử lý, giám sát chặt, tức là “yêu cầu phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn mới xả thải”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, do sự phát triển cơ sở hạ tầng chưa chú ý đến công tác thu gom nước thải, nước thải vẫn lẫn với nước mưa, nên khoảng 95% lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống, mà trên thực tế nhiều làng nghề là công nghiệp cũ, lạc hậu biến tướng đã tham gia vào khu vực này. Với điều kiện, năng lực hạn chế nên chưa kiểm soát được hết các làng nghề, trong khi đó nguồn lực đầu tư Nhà nước có hạn.

Về trách nhiệm trên lưu vực sông, Bộ trưởng cho biết, hiện đã có cơ chế và Ủy ban bảo vệ lưu vực sông. Trong thời gian qua, đã có tiến bộ bước đầu, xác định địa phương nào có nước thải, có kinh phí nhiều phải tự xử lý tại nguồn. Với cơ chế này, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, có thể xác định nguồn thải từng địa phương và cơ chế xác định trách nhiệm địa phương. Hà Nội hiện đang có cơ chế huy động xã hội hóa, đầu tư tư nhân áp dụng công nghệ, và dự kiến đến năm 2020 thì tư nhân hóa tham gia vào xử lý nước thải này, với sự hỗ trợ của UBND thành phố.

“Ở đây, trước hết, từng địa phương phải xác định trách nhiệm của mình”, Bộ trưởng nói, “thứ hai, có sự đầu tư, huy động nguồn lực từ xã hội để thu gom nguồn nước thải, có công nghệ thích hợp để xử lý, và thứ ba là từng bước để người dân tham gia vào việc này, hiện chi phí đóng góp chỉ chiếm 7% tổng chi phí, chưa bảo đảm”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, “với cơ chế hiện nay, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và cơ chế thực hiện xã hội hóa thì có thể giải quyết vấn đề này trong tương lai gần. Bộ đang trao đổi với Hà Nội và thực hiện đánh giá nước thải từng địa phương, cung cấp công nghệ cần thiết”. 

Nhóm PV