Tổng Bí thư: Chống tham nhũng không phải chỉ đưa ra xử án, bắt bớ

Chính trị - Ngày đăng : 20:28, 13/05/2018

Theo Tổng Bí thư, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải cứ xử thật nặng, tù chung thân hay tử hình thì mới đạt kết quả, mà cái chính là để người vi phạm nhận ra sai lầm, đặc biệt là phải thu hồi được tài sản và phải được lòng dân.

Tổng Bí thư: Chống tham nhũng không phải chỉ đưa ra xử án, bắt bớ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội

Ngày 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm. Cuộc tiếp xúc diễn ra trước thềm Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri phấn khởi và tâm tư

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) nhận định kỳ họp thứ 5 diễn ra trong tình hình đất nước có niềm vui, niềm tin khi GDP năm 2017 tăng trưởng 6,81% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo cử tri Trần Viết Hoàn thời gian qua, nhiều quan tham vơ vét, đục khoét của dân của nước, dùng tiền tài thâu tóm đất đai, làm giàu bất chính đã bị đưa ra ánh sáng, hàng loạt vụ án nghiêm trọng, vụ xử lý kỷ luật cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, đã làm nức lòng nhân dân, chứng tỏ cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm.

Cử tri đồng tình, đánh giá cao câu nói của Tổng Bí thư: “Ai không làm thì dẹp sang một bên cho người khác làm,” thể hiện sự quyết liệt của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn khi nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng diễn ra từ lâu nhưng đến nay mới bị phát giác, xử lý; có những đối tượng phạm tội nghiêm trọng nhưng vẫn thăng tiến lên chức vụ cao hơn, phải chăng do buông lỏng thanh tra, kiểm tra.

Bày tỏ lo lắng trước tình trạng tham nhũng leo thang bậc cửa quyền, cử tri cho rằng, cán bộ chỉ lo vơ vét tiền của dân của nước làm giàu cho gia đình, tàn phá đất nước, thì cần phải quét sạch, đặc biệt là phải lấy lại tiền do tham nhũng mà có. Cử tri mong rằng, đã là cán bộ thì phải khắc sâu lời dạy của Bác Hồ, làm việc là cống hiến hy sinh, vì dân vì nước.

Cử tri Nguyễn Huy Yên (quận Ba Đình) cho biết sau nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng bị đưa ra xử lý, nhân dân thấy rõ quyết tâm, hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta trong việc làm trong sạch bộ máy, không có vùng cấm góc khuất, qua đó quy tụ ý chí toàn Đảng, toàn dân đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng đã lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa, nghiêm khắc hơn nữa, chống tham nhũng như chống thù trong giặc ngoài, tránh tình trạng Trung ương nóng, nhưng các tỉnh, thành chưa nóng; tiếp tục cảnh tỉnh răn đe tham nhũng, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, loại bỏ những cán bộ hư hỏng như những "con sâu làm rầu nồi canh." Cử tri nhấn mạnh, chống tham nhũng không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, mà tạo niềm tin-động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Cử tri Nguyễn Thị Bích Hợp (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) cho rằng nhiều cử tri và nhân dân cả nước quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng của Trung ương, nạn phá rừng, tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, PCCC… Bà đề nghị Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát cán bộ liên quan đến tài chính để họ không có cơ hội tham nhũng.

Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình) cho biết ông rất quan tâm theo dõi Hội nghị Trung ương 7. Những việc làm của Trung ương trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xử lý cán bộ không vùng cấm đã đem lại niềm tin, niềm hy vọng cho cử tri.

Nhiều giải pháp về công tác cán bộ được đưa ra như Bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương được cử tri hoan nghênh. Ông đề nghị xem lại những quy định hiện hành không phù hợp hoặc dễ để cho các kẻ cơ hội lợi dụng và điều chỉnh.

Về đất đai, tình trạng các quan chức bằng quyền lực của mình chuyển hàng vạn mét vuông đất nông nghiệp thành đất thổ cư để xây dựng các trang trại, biệt phủ nguy nga, lộng lẫy là việc khá phổ biến nên phải có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn..

Nói lên tiếng nói của những người trẻ, cử tri Nguyễn Ngọc Thắng, Bí thư Quận đoàn Ba Đình góp ý về dự án Luật An ninh mạng sắp trình Quốc hội. Cử tri nêu vấn đề, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin nói xấu Đảng, Nhà nước, lôi kéo kích động thanh niên, thông tin xấu nhiều trong khi thông tin tốt, tích cực còn ít. Cử tri đề nghị, cần coi mạng xã hội là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền, định hướng cho thanh niên.

Cử tri đề nghị, Đảng, Nhà nước cần có chính sách trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, cống hiến tài năng sức trẻ xây dựng quê hương đất nước.

Nhiều cử tri cho rằng an toàn thực phẩm là vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Nhiều trường hợp vi phạm nhưng vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh. Cần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo hướng tăng nặng mức phạt, thậm chí đưa ra xét xử những vụ án điểm, công khai, nghiêm khắc để tăng tính răn đe, đồng thời tăng cường tuyên truyền sản phẩm sạch, tích cực hưởng ứng cuộc vận động vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Chống tham nhũng không bỏ dở giữa chừng

Sau khi lắng nghe ý kiến các cử tri tại các quận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của cử tri, đã đề cập nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và thiết thực đối với đời sống nhân dân. Đây là những ý kiến hết sức quý báu, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, xuất phát từ nhiệt huyết, mong muốn đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.

Tổng Bí thư: Chống tham nhũng không phải chỉ đưa ra xử án, bắt bớ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Đối với các ý kiến cụ thể, Tổng Bí thư tổng kết tập trung 3 nhóm vấn đề. 

Thứ nhất, nổi bật cũng là vấn đề mà kỳ tiếp xúc cử tri nào cũng đề cập đến đó là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đây là vấn đề tại kỳ tiếp xúc cử tri nào cũng được đề cập, chứng tỏ đây là vấn đề hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn.

Nhiều cử tri bày tỏ bước đầu cảm thấy hài lòng về những kết quả bước đầu rất quan trọng đã đạt được, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ XII của Đảng đến nay. Song, theo Tổng Bí thư: “Nếu không có sự ủng hộ của các bác, các anh, các chị, các đồng chí và toàn thể nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thành công được. Vừa qua, sở dĩ các cơ quan chức năng, các cấp các ngành làm được những việc như vừa rồi là nhận được sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân, thường xuyên động viên khích lệ, tạo thêm niềm tin, củng cố thêm quyết tâm để chúng ta làm tiếp cuộc đấu tranh này”.

Theo người đứng đầu Đảng, không chỉ chống, mà cái chính là phải xây. Chống rất quan trọng, rất cấp bách, phải làm và làm quyết liệt. Nhưng không phải cứ nhăm nhăm đi chống, xảy ra thì ta chống, đồng thời phải xây để ngăn ngừa, răn đe.

“Như tôi đã nói, nếu tay đã trót ít nhiều nhúng tràm thì hãy tự gột rửa đi, đó là cách tốt nhất”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải cứ xử thật nặng, tù chung thân hay tử hình thì mới đạt kết quả, mà cái chính là để người vi phạm nhận ra sai lầm, đặc biệt là phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát và phải được lòng dân.

“Bất đắc dĩ lắm mới sử dụng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình… Ta phải nhân văn, nhân ái, mở đường cho người ta tiến chứ không phải vùi dập người ta”, Tổng Bí thư nói.

Trước mong muốn của cử tri và nhân dân, Tổng Bí thư cho biết, công tác chống tham nhũng đang phát triển thành xu thế, “lò nóng rực lên rồi. Với đà này không bỏ dở giữa chừng, còn nhiều việc phải làm và làm quyết liệt, làm đến cùng nhưng phải có cách làm, phương pháp làm đúng đắn, hiệu quả.

Nhấn mạnh việc để cuộc chiến này đạt hiệu quả, theo Tổng Bí thư, vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp rất quan trọng. Bên cạnh đó, nhân dân, cử tri, tập thể chi bộ cũng phải cùng giám sát để cán bộ không dám, không thể và không cần tham nhũng.

Qua các vụ việc trong thời gian qua cho thấy, không chỉ dư luận trong nước quan tâm mà dư luận quốc tế cũng hoan nghênh cách làm của nước ta trong thời gian qua.

Không chỉ chống tham nhũng mà còn phải chống lãng phí, các hiện tượng tiêu cực khác. Vừa qua Trung ương đã chỉ đạo, nhiều cái đã tiết kiệm rất lớn, như quy định về lễ, Tết, cán bộ cấp trên về địa phương thế nào, biếu xén làm sao, lễ hội tổ chức thế nào cho thiết thực...

Nói về việc thu hồi tài sản, Tổng Bí thư cho biết, hiện nay đang khuyến khích làm sao thu hồi tài sản nhiều hơn nữa. Như vụ Mobifone mua AVG, gây thiệt hại cho Nhà nước 8.800 tỷ đồng, hiện họ đã hứa trả lại toàn bộ số tiền cộng với lãi, trên thực tế đã thu hồi 8.500 tỷ. Các vụ án gần đây đưa ra xét xử, một loạt bị cáo đang xin  được nộp tiền để giảm nhẹ hình phạt.

Bên cạnh đó, chống tham nhũng phải kết hợp thực hiện các Nghị quyết khác của Trung ương cho đồng bộ, như Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp, tinh giản bộ máy, hay Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách tiền lương, BHXH, cũng là tạo điều kiện, phối hợp ngăn chặn tham nhũng.

“Đồng thời cũng phải chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Phải làm đồng bộ rất nhiều việc chứ  không phải chỉ đưa ra xử án, bắt bớ. Tinh thần là phát huy kết quả vừa qua, sắp tới tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tốt, có hiệu quả hơn nữa, thúc đẩy xã hội từ trên xuống dưới đều vào cuộc thì cuộc chiến này mới thành công”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thứ 2, về việc góp ý kiến luật cụ thể sẽ bàn trong Quốc hội tới: An ninh mạng, Luật Giáo dục, Quy hoạch… Tổng Bí thư cho biết các đại biểu sẽ tổng hợp làm căn cứ để bàn thảo ở Quốc hội.

Thứ 3, đối với một số vấn đề bức xúc hàng ngày báo chí đã nêu như cô giáo bắt học sinh quỳ, chuyện dâm ô với trẻ em... theo Tổng Bí thư, đây là những vụ việc cá biệt, đương nhiên phải xử lý, song cũng không nên nói quá nặng nề.

Trọng Bằng