Sáng nay, khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII

Chính trị - Ngày đăng : 07:40, 07/05/2018

Diễn ra từ ngày 7-12/5, 3 Đề án quan trọng liên quan đến công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội sẽ được Hội nghị Trung ương 7 đưa ra bàn thảo, quyết định.

Sáng nay, khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII

Ảnh minh họa

Cụ thể, Trung ương sẽ thảo luận Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”; Đề án “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.

Những nội dung trên liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bảo đảm an sinh xã hội nên được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm.

Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ là đề án lớn, rất khó và rất quan trọng. Việc xây dựng Đề án lần này giống như việc chuẩn bị cho một Chiến lược cán bộ thời kỳ mới, thay thế Chiến lược cũ ra đời cách đây 20 năm. Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN.

Về công tác cán bộ, Đề án Trung ương 7 đã đưa hàng loạt giải pháp đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới đã được Ban soạn thảo đưa ra, từ đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ, thi tuyển cán bộ đến việc ngăn chặn chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ...

Đáng chú ý, Đề án đưa ra giải pháp nhằm thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND. Đề án cũng xác định việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là khâu đột phá. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cấp dưới và kịp thời xử lý.

Hai đề án còn lại là về Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN và Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng.

Theo đó, hàng loạt đề xuất mới về chính sách tiền lương nêu lên hàng loạt cải cách, trong đó với khu vực công, Ban chỉ đạo Đề án xác định thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới, gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và tiền thưởng (nằm ngoài quỹ lương, bằng khoảng 10% tổng quỹ lương).

Theo quy định hiện hành, mức lương cơ bản chiếm 100%, chỉ những ngành đặc thù có phụ cấp. Tuy nhiên, lâu nay cơ cấu này bị phá vỡ, mỗi cơ quan ra một văn bản quy định riêng. Ví dụ, một số cơ quan Đảng có 30% phụ cấp; công chức hành chính có 25% phụ cấp công vụ. "Đây là lý do mà thiết kế cơ cấu tiền lương cần thiết được dỡ ra làm lại", một chuyên gia cho biết.

Thang, bảng lương hiện hành sẽ được bãi bỏ để ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Nội dung cải cách này được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất, mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường...

Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề xuất 8 điểm mới gồm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng và hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu; rút ngắn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội...

Liên quan Đề án cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, trước đó Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công cho biết, trước đây việc xây dựng chính sách và quản lý lĩnh vực tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công không phản ánh đúng bản chất của các lĩnh vực này.

Cụ thể, quan hệ tiền lương theo nguyên tắc giá cả thù lao của sức lao động, bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng- hưởng, chia sẻ rủi ro và chính sách ưu đãi người có công là chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan tới vấn đề an sinh xã hội.

Do đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tập trung xây dựng 2 đề án riêng, gồm Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhưng có tính tương quan lẫn nhau.

Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Đề án thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng- hưởng và chia sẻ rủi ro.

Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ bảo hiểm xã hội, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường, tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài việc thảo luận 3 Đề án trên, dự kiến tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; công tác cán bộ.

Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 sẽ làm việc một tuần, bế mạc vào ngày 12/5.

Trọng Bằng