Thủ tướng: Làm sao để “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”
Chính trị - Ngày đăng : 14:55, 03/05/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp
Sáng nay (3/5), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiến hành họp phiên thường kỳ tháng 4/2018.
Kinh tế xã hội đạt kết quả toàn diện
Nhìn lại hơn 1/3 chặng đường của năm 2018, Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên đôn đốc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, Chính phủ đã tổ chức 4 hội nghị chuyên đề toàn quốc để bàn các giải pháp giải quyết các khó khăn trong nhiều lĩnh vực của kinh tế xã hội.
Thủ tướng cũng hoan nghênh các diễn đàn đầu tư, xúc tiến thương mại, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp diễn ra ở nhiều vùng miền của đất nước. Nhờ đó, nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh trong thời gian qua, không khí đầu tư, sản xuất kinh doanh khá đồng đều.
Nhiều kiến nghị của người dân và doanh nghiệp thông qua các cơ quan báo chí đã được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đơn cử như việc khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm các vụ việc gian dối trong sản xuất hàng hóa, góp phần đảm bảo kỷ cương và củng cố niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật.
Đánh giá chung tình hình kinh tế xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã đạt kết quả toàn diện, phát huy đà tăng trưởng cuối năm 2017. Với niềm tin của xã hội và thị trường được nâng lên, Thủ tướng cho rằng điều đó đã tạo không khí đầu tư kinh doanh tích cực. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,08% so với tháng 3. Bình quân 4 tháng chỉ tăng 2,08%. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Trong đó, thông tin đáng mừng trong bối cảnh biến động của thị trường thế giới thì dự trữ ngoại hối đã ở mức gần 63 tỷ USD. Trong hơn hai năm qua, NHNN đã mua được trên 32 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển tốt. Trong đó, sản xuất nông nghiệp ổn định, giá lúa gạo thu mua và xuất khẩu tốt, tạo sự phấn khởi cho nông dân. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 11,4%, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh với 5,5 triệu lượt khách quốc tế trong 4 tháng. Cùng với tổng cầu nền kinh tế tăng tốt thì xuất khẩu 4 tháng đạt gần 74 tỷ USD, xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách đạt 33,8% dự toán.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc Chính phủ đã quyết liệt xử lý các vụ việc dư luận xã hội quan tâm: “Chính phủ với trách nhiệm là cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính cao nhất đã làm hết sức mình để xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng phức tạp dư luận quan tâm, như vụ AVG, vụ dự án đất đai tại Đà Nẵng, vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ đánh bạc trên internet… Trách nhiệm của Chính phủ rất rõ ràng trong xử lý tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nhân dân quan tâm. Chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, rồi hành động của Chính phủ, trong đó có các bộ, ngành, đã được xã hội đánh giá cao, đồng tình. Đây cũng là một điều kiện quan trọng để tạo không khí mới trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, củng cố niềm tin vào Đảng, bộ máy Nhà nước".
Cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn
Bên cạnh kết quả tích cực, Thủ tướng cho rằng, cần thấy được, phân tích những tồn tại, khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tốt hơn, chắc chắn hơn trong bối cảnh quốc tế nhiều phức tạp. CPI tăng thấp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ; giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn thấp.
Đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải cách, Thủ tướng cho rằng, cần mạnh mẽ, toàn diện hơn, đồng thời nêu ví dụ, chỉ số tham gia thị trường của các doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp (đứng thứ 123/190), rời thị trường cũng gặp khó khăn, đặc biệt xử lý vấn đề phá sản doanh nghiệp (đứng thứ 129).
“Sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng có báo cáo tôi một địa phương đã lên Sở Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch mà đi 33 lần. Cho nên người ta có nói câu: Trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa thì lạnh”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn “sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được.
Tồn tại, thử thách nữa là hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể còn lớn. Có nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhất là chi phí logistics và kiểm tra chuyên ngành.
“Hôm nay, có đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ở đây, phải chủ trì xem lại việc có những doanh nghiệp bị kiểm tra đi, kiểm tra lại nhiều lần, chồng chéo kiểm tra. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm”, Thủ tướng nói.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội còn một số mặt hạn chế, đặc biệt có nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, ứng xử bạo lực với thầy thuốc, nhà giáo, học sinh… Quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội thánh Đức Chúa trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết.
Không chậm trễ trong xây dựng dự án luật chuẩn bị cho Kỳ họp Quốc hội
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc xây dựng các dự án luật chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Thủ tướng thẳng thắn phê bình tình trạng chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án luật trình Quốc hội còn chậm và chưa đảm bảo chất lượng. “Chính phủ khóa này đặt vấn đề thể chế lên trên hết,” Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Tư pháp và lãnh đạo các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm, kiểm điểm và có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng này.
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ trưởng phát biểu làm rõ hơn một số vấn đề như Bộ GD&ĐT báo cáo về kết quả cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh cho học sinh, việc phòng chống đuối nước cho học sinh đến đâu. “Đây là việc liên quan đến tính mạng, sức khỏe của các em, các cháu. Là việc lớn hay việc nhỏ?”, Thủ tướng nói. “Phải chăng cần có một chỉ thị về vấn đề này?”. Hay Bộ KH&CN báo cáo việc triển khai công tác khởi nghiệp, cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Nội vụ báo cáo về kết quả hoạt động của tổ công tác kiểm tra công vụ từ khi thành lập đến nay. Hay Nghị quyết 120 về phát biển bền vững ĐBSCL được ban hành đến nay Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT đã làm được gì? “Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục cải cách, đổi mới, tạo điều kiện cho phát triển”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng mong muốn các thành viên Chính phủ thảo luận, phát biểu ý kiến về các vấn đề nêu trên để làm sao có Nghị quyết phiên họp Chính phủ tốt, sát, quyết liệt, đồng bộ, để làm sao “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, “cấp trung gian, cấp tham mưu phải quyết liệt hơn, đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh”.