Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm chính thức Singapore
Chính trị - Ngày đăng : 08:36, 25/04/2018
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân
Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 từ ngày 25-28/4/2018.
Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân Trần Nguyệt Thu có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng.
Tham gia Đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Bí thư tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương và Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương.
Đây là chuyến thăm chính thức Singapore lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 1/8/1973-1/8/2018 và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược tháng 9/2013-9/2018.
Sau chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 tổ chức tại Singapore, diễn ra trong hai ngày 27-28/4. Với chủ đề “Xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo”, đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2018 của Singapore. Hội nghị nhằm mục đích thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường của ASEAN trước các sức ép bên ngoài cũng như ứng phó với các thách thức nảy sinh; giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và dựa trên luật lệ.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia Lễ khai mạc và Phiên họp hẹp; cùng các thành viên khác của ASEAN thảo luận các nội dung “Xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo”; quan hệ với các đối tác và định hướng tương lai; trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm…
Dự kiến, hội nghị sẽ thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có “Tuyên bố Tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo”; “Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN về hợp tác an ninh mạng”; “Tuyên bố Chủ tịch hội nghị về kết quả cấp cao ASEAN-32”…
Trước đó, từ ngày 26-27/4/2018 sẽ diễn ra Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Hội đồng cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN và Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN và Hội nghị Hội đồng cộng đồng kinh tế ASEAN trù bị cho Hội nghị Cấp cao.
Chuyến thăm chính thức Singpore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm tăng cường sự tin cậy, gắn bó trong quan hệ song phương; thảo luận phương hướng, cách tiếp cận theo tư duy mới, sáng tạo nhằm tạo bước đột phá trong quan hệ hai nước; thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với Singapore trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2018, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ...
45 năm trước đây, ngày 1/8/1973, Việt Nam và Singapore chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore. Triển khai mối quan hệ này, hai bên thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm: Năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD; năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD. Các sản phẩm chủ yếu giữa hai nước là xăng dầu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại. Ngoài ra, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả… nhưng thị phần không lớn. Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Tính đến hết năm 2017, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam) với hơn 1927 dự án, tổng vốn gần 42 tỷ USD. Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, đã hoạt động được hơn 11 năm với 7 khu. Việt Nam có 65 dự án sang Singapore, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, bán lẻ, công nghệ thông tin, dịch vụ. Hợp tác Việt Nam và Singapore còn phát triển trên các lĩnh vực giáo dục, quốc phòng, văn hóa, thể thao và du lịch… Hiện có khoảng 9.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Singapore, trở thành một cầu nối quan trọng trong tương lai, thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Việt Nam-Singapore cũng đang hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, Liên Hợp Quốc. Singapore ủng hộ Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam-Singapore cũng đang tích cực hợp tác, chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh chiến lược ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; và bảo vệ lập trường chung của ASEAN, vì hòa bình, ổn định và phồn thịnh của khu vực. |