Khúc hát tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân Việt Nam

Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 09:15, 13/09/2017

Bài hát “Tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân” đã làm nổi bật vai trò và đóng góp của những người công tác trong hệ thống Tòa án.

Những người với ý thức trách nhiệm và niềm tự hào là người đại diện cho công lý - luôn khắc sâu trong tim lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

1. Người đời vẫn nói, người với người gặp nhau cũng nhờ chữ “Duyên”, nhờ chữ duyên mới tạo nên mối thâm tình giữa hai con người xa lạ. Và, giữa nhà thơ - nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng, nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội (sinh năm 1971, quê Chương Mỹ, Hà Nội; hiện đang công tác tại Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng), ca khúc “Tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân” (Thơ: Nguyễn Mạnh Hồng - Nhạc: Vũ Tuấn Hội), và người viết cũng có một mối nhân duyên nào đó - dù nó có thể nhiều hoặc ít, có thể dài hoặc rất ngắn, hay mới chỉ đi được một đoạn đường…

 

Khúc hát tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân Việt Nam

Các tác giả nhận giải B tại lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND

Nhớ cuộc gặp đầu tiên để lấy tư liệu cho bài viết, nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội và tôi nói với nhau nhiều chuyện - những câu chuyện “lạc đề” - như thể hai người vốn đã quen biết nhau tự khi nào. Có lẽ là nhờ hai chữ “nhân duyên”. Tôi tin là thế!

Điều đặc biệt, do được viết ở nhịp đi, dễ thuộc, dễ hát, lời bài hát thể hiện đúng chất “Tòa án ca” nên sau đêm công diễn trao giải, ca khúc “Tự hào người Thẩm phán TAND” nhanh chóng được đông đảo Thẩm phán các Tòa án, đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức hệ thống TAND các cấp đón nhận và sớm đi vào đời sống văn hóa nghệ thuật như một tác phẩm độc lập.

2. TAND vốn là một đề tài được đánh giá là khó viết trong sáng tác nghệ thuật, và ngay cả đối với những người làm nghệ thuật. Khó viết là bởi muốn sáng tác thì cần cảm xúc, mà những hình tượng liên quan đến TAND lại vốn bị xem là “nghiêm cẩn” đến mức “khô khan”, “cứng nhắc”, nhất là hình tượng người Thẩm phán TAND. Và để đưa hình ảnh Thẩm phán TAND - người đại diện cho quyền lực Nhà nước đầy uy nghiêm, mực thước đến gần với công chúng hơn, gần gũi với người dân hơn thông qua thơ, nhạc thì không phải việc dễ dàng đối với ngay cả những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp, chứ chưa nói đến không chuyên.

Khúc hát tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân Việt Nam

Bản nhạc bài hát “Tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân”

Thế nhưng, khi nét nhạc đầu tiên của ca khúc “Tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân” vang lên, cả người hát lẫn người nghe đều thấy rạo rực, trái tim bỗng như ngân lên những nhịp dồn dập, chân muốn sải những bước dài nhịp nhàng như những người chiến sĩ đang tham gia lễ duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình đầy nắng mỗi dịp Quốc khánh. Tiết tấu mạnh mẽ, dứt khoát, nhịp hành khúc, ca khúc như một lời hiệu triệu, thúc giục, song lại ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh sâu sắc với những cán bộ TAND.

“Là Thẩm phán Tòa án nhân dân

nguyện suốt đời vượt hết gian lao

Thực hành quyền Tư pháp Đảng giao

để non sông vươn tới những tầm cao!”

Đó là những câu trong bài hát “Tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân”, tác phẩm đạt Giải B ở thể loại Âm nhạc (không có giải A) “Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND” nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND (1945 - 2015).

3. Điều thú vị là, bài hát được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả là nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng (Tổng Biên tập Báo Công lý) - một người hiểu và gắn bó với TAND như máu thịt; một Tổng Biên tập luôn tâm niệm lấy “Nhân văn - Trách nhiệm - Kỷ cương - Chất lượng - Vì Công lý” làm “slogan” (khẩu hiệu) hành động trong bất kỳ hoạt động nào của Báo, của các cán bộ, nhân viên Tòa soạn Báo Công lý (cùng nhiều ấn phẩm khác). Và có lẽ vì vậy mà người nghe không ngạc nhiên khi từng câu, từng chữ trong bài hát đều rõ ràng, khẳng định được vị trí, vai trò của TAND cũng như khơi dậy niềm tự hào về sứ mệnh cao cả, vinh quang của người Thẩm phán trong suốt chặng đường 72 năm qua.

“Bao năm qua nghe lời Người thúc giục

Chúng con luôn thấm lời dạy của Bác:

Non sông của ta muôn đời vững bền là vì có nhân dân!

Phải gần dân, phải hiểu dân; mãi giúp dân, mãi học dân”

Mặc dù có thể phiến diện, song đây có lẽ cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong tác phẩm văn học, âm nhạc, cụm từ “thực hiện quyền Tư pháp” lại được thể hiện rõ nét đến vậy.

“Lời của Bác mãi khắc ghi

thực hành quyền Tư pháp công bằng

Mãi giữ gìn gương sáng trong tim

Thật tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân Việt Nam!”

Khúc hát tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng

Là một nhà báo, với cương vị Tổng Biên tập Báo Công lý, cơ quan của TANDTC, tác giả Nguyễn Mạnh Hồng thường trăn trở, suy ngẫm về những gương hi sinh của các anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến cả cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho cuộc sống hòa bình của dân tộc. Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng cũng đau đáu nghĩ suy về nhiều tấm gương hi sinh của đội ngũ Thẩm phán - những người cầm cân nảy mực, ngày đêm đấu tranh để bảo vệ công lý, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Những vần thơ mộc mạc ngợi ca tràn đầy tự hào của nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng về đội ngũ Thẩm phán TAND được ra đời từ những đêm ngẫm ngợi, suy tư ấy. Với ca từ hùng tráng, ca từ giản dị, bám sát nhiệm vụ vẻ vang, hết sức tự hào của đội ngũ Thẩm phán Tòa án, những chiến sĩ bảo vệ công lý trong giai đoạn mới của đất nước, ca khúc đã được Ban giám khảo Cuộc vận động đánh giá rất cao. Và khi những giai điệu đầu tiên của ca khúc được vang lên trên sân khấu đã chiếm trọn tình cảm của cán bộ, Thẩm phán TAND, Tòa án Quân sự các cấp trong cả nước cũng như đông đảo người yêu nhạc yêu thích.

4. Khi được hỏi về hoàn cảnh ra đời ca khúc, nhạc sĩ sinh năm 1971 chia sẻ bằng những lời chân tình, mộc mạc: “Tình cờ gặp tác giả bài thơ - nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng vào thời điểm “Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về Tòa án nhân dân” đã gần đi đến hồi kết, được đọc thơ anh, tôi đã cảm được ngay chất nhạc ở trong từng câu, từng chữ. Và tôi có đề nghị sẽ “làm” tặng anh một bài”.

Khúc hát tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân Việt Nam

Nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội

Sau khi đọc kỹ bài thơ, tìm ra cái hồn của tác phẩm, thông điệp mà tác giả (nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng - PV) muốn truyền tải đến công chúng, nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội nhanh chóng phát triển thành giai điệu. Theo lời anh kể, chỉ trong vòng 30 phút, anh đã định hình một giai điệu tương đối hoàn chỉnh. “Tôi ngồi vào đàn và hát thử, sau đó gọi điện thoại cho tác giả bài thơ, đàn và hát cho anh nghe. Anh vô cùng bất ngờ”.

Bất ngờ hơn nữa, theo lời nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội, cả hai ca sĩ mà anh mời đến thu âm đều vỡ bài khá nhanh. Họ rất thích bài hát này bởi ca từ hoành tráng và giai điệu hào hùng. “Tác giả bài thơ cũng có mặt ở nhà tôi khi các ca sĩ đang say mê tập. Anh nghe thử bản nháp và đã điều chỉnh lại một số từ ngữ cho sâu sắc thêm”, nhạc sĩ cho biết.

Mọi việc diễn ra rất nhanh và rất bất ngờ. Nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội cho rằng, vì bài thơ vốn sẵn chất nhạc nên tính từ lúc “thai nghén” cho đến khi “thành hình” ca khúc, anh không mất quá nhiều thời gian. Điều thú vị và cũng là món quà bất ngờ mà cả nhà thơ và nhạc sĩ được nhận ấy là, ca khúc đã được Hội đồng chấm giải đánh giá cao và được Ban giám khảo Cuộc vận động trao Giải B (không có giải A).

5. Trong đêm trao giải và công diễn các tác phẩm đoạt giải “Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND” năm 2015, nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo đã nhận xét về những tác phẩm gửi về tham dự Cuộc vận động này như sau: Thông qua các tác phẩm, không khó để nhận ra hình ảnh của người Thẩm phán luôn là trung tâm, là mạch nguồn cảm xúc để các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ chuyên và không chuyên sáng tác, trong đó có ca khúc “Tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân”. Nhưng nhìn chung, dù tiếp cận ở bất kỳ góc độ nào, các tác phẩm tham dự Cuộc vận động đều toát lên niềm vinh dự, tự hào của người cán bộ TAND được Đảng giao trọng trách xét xử, thể hiện được chân dung và vẻ đẹp của người Thẩm phán TAND Việt Nam.

Nói về ca khúc “Tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân” với ca từ rất đặc trưng, đậm “chất Tòa án”, được đánh giá là đã khắc họa trọn vẹn hình tượng người Thẩm phán “2 trong 1”: vừa trang trọng, uy nghiêm, nhưng lại rất nhân văn, tình người. Qua lời bài hát, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về vai trò và đóng góp của những người công tác trong hệ thống Tòa án - với ý thức trách nhiệm và niềm tự hào là người đại diện cho công lý - luôn khắc sâu trong tim lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” hay phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

“Tòa án nhân dân vì nền Tư pháp: Quên thân!

Vì một lẽ nhân sinh suốt đời phấn đấu vì dân

Được Đảng, Bác trao Công lý là gươm thiêng

giữ gìn như ngọc, sáng mãi ngàn năm.

 

Khúc hát tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân Việt Nam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cuộc vận động sáng tác âm nhạc về TAND

Với tác phẩm “Tự hào người Thẩm phán TAND”, về mặt ca từ đã rất rõ ràng và bám sát nội dung truyền thống Tòa án nhân dân. Về mặt âm nhạc, đây là một ca khúc được sáng tác theo thể loại hành khúc có tiết túc, khuôn nhịp vuông vức, đều đặn để mọi người cùng hát đều và hát chung với nhau được. 

Đặc biệt khi nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội sử dụng giai điệu hành khúc, tiết tấu nhịp đi, anh đã vận dụng được những thanh âm du dương, trầm bổng; nếu những âm vực trầm ở đoạn đầu bài hát như một sự hồi tưởng, tâm sự, tâm tình, thì đến đoạn sau, anh đã xây dựng được cao trào giúp đẩy giọng hát nâng lên ở âm vực cao cho người nghe cảm giác hào sảng, khiến nhịp đi của hành khúc được nâng lên như những cánh chim có thể bay lên. Tuy là hành khúc nhưng có sự sáng tạo trong bút pháp, vừa dễ hát dễ thuộc nhưng lại gây hào hứng cho những người hát, những diễn viên và ngay cả những khán giả khi nghe. Có thể nói đây là một ca khúc hành khúc trong đó có hơi thở cuộc sống, nhịp thở thời đại mới.

 

 

Khúc hát tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân Việt Nam

Nhạc sĩ Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Là người trực tiếp dàn dựng tác phẩm “Tự hào người Thẩm phán TAND”, có thể nói rằng, phần ca từ trong tác phẩm hết sức chắt lọc, trong đó có những câu mà tôi thấy hết sức tâm đắc. Chẳng hạn như “Tòa án nhân dân vì nền Tư pháp: Quên thân! Vì một lẽ nhân sinh suốt đời phấn đấu vì dân". 

Tôi cho rằng đây là một tứ rất hay, bởi cứ nói đến Tòa án, người ta thường hay nghĩ đến một cái gì đó hết sức cứng nhắc, hết sức lý trí. Nhưng rõ ràng như chúng ta thấy, những người làm việc trong Tòa án, những Thẩm phán, sau khi được tiếp xúc, thực sự họ đều có trái tim; và mỗi phiên tòa xử không chỉ có lý mà còn có tình.

Mời quý vị và các bạn Bấm đây để lắng nghe giai điệu hào hùng của bài hát "Tự hào người Thẩm phán Tòa án nhân dân"

Nhật Minh