Showbiz dậy sóng vì phát ngôn của Tùng Dương về nhạc Bolero

Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 17:35, 23/08/2017

Nhiều ý kiến cho rằng khán giả sẽ là giám khảo công tâm nhất trước dòng nhạc Bolero còn tồn tại bao lâu trong lòng khán giả.

Khán giả chính là giám khảo công tâm nhất

Nhạc sĩ Lê Minh, đồng tác giả của những bản nhạc phim nổi tiếng như “Những nẻo đường phù sa”, "Kiều nữ và đại gia"... cho rằng Tùng Dương quá cao ngạo và ngộ nhận về đẳng cấp của mình. Vị nhạc sĩ này tỏ ra không hiểu lối suy nghĩ của Tùng Dương, người cũng được nhiều người gọi là divo. Theo nhạc sĩ Lê Minh, Bolero cũng là một trào lưu âm nhạc du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950 của thế kỷ trước, qua bao nhiêu sự đào thải Bolero vẫn vững vàng và ngày càng phát triển.

“Hay dở, tốt xấu, sang hèn chỉ có tính ước lệ thôi, và không thể tự cho mình là cái rốn của vũ trụ rồi coi những người khác là tầm thường”- nhạc sĩ Lê Minh nói. Cuối cùng, ông kết luận: “Hãy để công chúng đánh giá, khán thính giả chính là giám khảo công tâm nhất. Bolero không hay, tự thân nó bị đào thải, bị hủy diệt. Còn ngược lại, thì tự thân người đưa ra những lời hoạt ngôn đó hãy tự soi lại chính bản thân của mình..”.

Nhà báo Chu Minh Vũ cũng cho rằng công chúng đóng vai trò quan trọng và quyết định đến sự thành công của nghệ sĩ: “Công chúng là một khái niệm hết sức mơ hồ. Nhưng tầm ảnh hưởng đến nghệ sĩ sinh ra công chúng riêng lại hết sức rõ ràng, định lượng và định tính. Nghệ sĩ nào công chúng đó. Nghệ sĩ chọn thể loại và vùng hoạt động rõ ràng và phù hợp với khả năng, trình độ chuyên môn, thẩm mỹ của riêng mình; rất dễ thành công. Nhưng phải hiểu, đó là thành công trong vùng khán giả riêng, chứ không có nghĩa là thành công ở mọi vùng miền. Đặng Thái Sơn không thể làm ngôi sao trong đêm nhạc Sơn Tùng. Sơn Tùng, cũng không thể làm ngôi sao trong đêm nhạc Khánh Ly, và Khánh Ly thì không thể làm diva trong đêm nhạc của Hồ Ngọc Hà. Hồ Ngọc Hà thì cũng đừng mơ tỏa sáng trong đêm nhạc của Anh Thơ… Sự khác biệt về đối tượng khán giả là điều ai cũng có thể nhìn thấy…. Nước sông không phạm nước giếng, mới hay”.

Giữa những ý kiến phản đối hay đồng tình của khán giả về phát biểu của Tùng Dương, nhà báo Chu Minh Vũ kết luận: “Divo là phải như Tuấn Ngọc, khoác vai một tượng đài khác là Chế Linh rồi nói những lời tán tụng lẫn nhau. “Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Hai chúng ta phục tài lẫn nhau, chừ hát chung một lần, người nọ thử hát bài người kia xem nó ra làm sao? Hay ông hát bài ông vẫn là đỉnh nhất, Tôi hát bài tôi thì cũng mới thực là… Bản lĩnh Divo là ở đâu, thể loại gì cũng không mất chất và bản ngã của riêng mình”. (Divo là từ để chỉ các nam danh ca, còn diva là từ để chỉ các nữ danh ca). 

Showbiz dậy sóng vì phát ngôn của Tùng Dương về nhạc Bolero

Cuộc khẩu chiến xung quanh ý kiến của Tùng Dương về nhạc Bolero

Đừng phán xét âm nhạc

Chia sẻ trên 1 tờ báo điện tử, Nhạc sĩ Vinh Sử không đồng ý với nhận định của Tùng Dương rằng Bolero chỉ mang tính hòa niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc, già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối vơi Bolero thì đúng là sự thụt lùi. Vị nhạc sĩ này cho rằng đây là một ý kiến phiến diện và có phần thái quá. Theo nhạc sĩ Vĩnh Sử, âm nhạc thì muôn màu muôn vẻ, không có giới hạn, là tâm hồn, bao la; âm nhạc chỉ có sự tiến tới, sự “thay lớp áo mới” cho những bài hát xưa và sáng tạo nên những bài hát mới, thức thời. Những bài hát bolero nổi tiếng như Đập vỡ cây đàn, Dư âm, Nhẫn cỏ cho em… vẫn được hát đi hát lại, thậm chí hát nhiều hơn, hay hơn từ thập niên 60 đến tận bây giờ, thì sao gọi là thụt lùi? Cuối cùng nhạc sĩ Vĩnh Sử đặt câu hỏi: “Vậy thì, bolero thụt lùi hay Tùng Dương thụt lùi?”

Không phải là một nhạc sĩ hay là một nhà chuyên môn nào, nhưng hẳn là một người yêu Bolero và am hiểu về nhạc, một độc giả đã bình luận như thế này: “Âm nhạc hay thời trang đều là những trào lưu, nó thường có tính lặp lại, và đẹp hay xấu phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi lớp người. Như giới trẻ mặc hiphop người già xem đó là dị hợm, người không thích nhạc rock thì xem những người nghe nhạc rock là những kẻ điên, cũng như nhạc thính phòng, được xem là nhạc hàn lâm nhưng có bao nhiêu người thích? Hoặc bao nhiêu người kiên nhẫn mà nghe hết vở opera? Nhạc bolero, nhạc trẻ, rock, hiphop... Chỉ là một cái gu thưởng thức và hay hoặc dở nhiều khi còn phụ thuộc tâm trạng khi nghe... Tốt nhất đừng phán xét âm nhạc vì người nghe luôn đúng, họ chính là thị hiếu để cấu thành nên một thị trường âm nhạc”.

Một độc giả khác thì dẫn chứng: “Adele hát thể loại nhạc trong thế giới riêng của cô ấy không chạy theo xu hướng ABC vẫn thành công đấy thôi, vẫn bán chục triệu đĩa, nhạc số cao ngất trời, lượt xem hàng top... , đó chỉ là 1 trường hợp”.

Bolero, dù thế nào, vẫn không thể thiếu trong mỗi người

Showbiz dậy sóng vì phát ngôn của Tùng Dương về nhạc Bolero

Đàm Vĩnh Hưng là người lên tiếng phản đối mạnh mẽ 

Trong khi đó, Mr Đàm là người phản đối mạnh mẽ nhất phát ngôn của Tùng Dương. “Ông hoàng nhạc Việt”không giấu được bức xúc: "Đừng cho phép mình cái quyền phán xét âm nhạc. Những người chuyên môn giỏi hơn gấp bội còn chưa huênh hoang. Như trong giang hồ, đại ca thứ thiệt thường ít lộ diện và nói về bản thân". Đàm Vĩnh Hưng cũng như nhiều nghệ sĩ, khán giả khác cho rằng dù như thế nào, dù chưa thể biết Bolero sẽ đi về đâu và sẽ còn tồn tại bao lâu nhưng Bolero là một phần không thể thiếu trong anh và mọi người.

Thẳng thắn nhìn nhận về Bolero

Theo ý kiến của số còn lại về ý kiến của Tùng Dương, nhiều người cho rằng nam ca sĩ này không có ý chê bai, miệt thị dòng nhạc Bolero. Tuy nhiên, từ ý kiến này của Tùng Dương,nhiều người cho rằng từ câu chuyện ồn ào về Bolero còn nhiều vấn đề đáng bàn và đáng suy ngẫm về dòng nhạc xưa này.Nhạc sĩ Quốc Trung cũng từng có những chia sẻ thẳng thắn về dòng nhạc Bolero.

"Sự mất mát, chia ly trong thời chiến cùng với lịch sử văn hoá nghệ thuật dân gian đã tạo nên những dòng nhạc mà đa phần là những ca khúc uỷ mị, thê lương trước đây", nhạc sĩ Quốc Trung nói- "Nó có chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Nó biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ".

Theo nhạc sĩ Quốc Trung: "Muốn có khán giả cho bất cứ dòng nhạc nào, nhất là những dòng nhạc mới, những sáng tạo mới cần có thời gian để xây dựng công chúng. Tiếc rằng ít có người đủ kiên nhẫn, bản lĩnh để làm được việc đó. Với quan niệm của tôi, đó là sự lệch lạc đáng xem xét.

Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm có gọi là bình thường hay không?".

"Họ còn nhầm lẫn và cho đó là đẳng cấp của văn hoá hay sự sành điệu trong thưởng thức nghệ thuật. Sự chênh lệch giữa tốc độ sống và cảm xúc nghệ thuật chính là sự lệch lạc", nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định.

Thực tế Tùng Dương không phải là nghệ sĩ đầu tiên thẳng thắn phê bình về hiện tượng bolero. Trước đó, nhạc sĩ Quốc Trung hay Lê Minh Sơn cũng gây ra không ít tranh cãi khi đưa ra nhận định thanh niên đắm đuối với những ca khúc ủy mị, sướt mướt là không được bình thường.

Bolero - dòng nhạc đang gây nhiều tranh cãi ở làng giải trí trong nước thực chất là một điệu nhạc nổi tiếng, có xuất xứ từ Mỹ Latinh.

Bắt đầu từ những năm 1950, Bolero chính thức được du nhập vào Việt Nam và được khán giả, giới nghệ sĩ gọi bằng nhiều cái tên như: Nhạc "sến", nhạc "nước máy"...

Bolero chia ra làm nhiều loại nhỏ như: Bolero căn bản, Bolero đảo phách, Bolero rumba... Song hầu hết các ca khúc Bolero của Việt Nam đều mang đậm chất dân ca, giai điệu dễ thuộc, chủ đề đơn giản và mang tính triết lý.
Duy trì sức hút tại Việt Nam gần 70 năm, nhưng Bolero vẫn được đông đảo khán giả ở nhiều thế hệ yêu thích.

Từ một dòng nhạc hay được biểu diễn ở phòng trà hay phát hành băng đĩa, đến nay Bolero còn được tổ chức hẳn các cuộc thi trên truyền hình, thậm chí một số ca sĩ tên tuổi của Việt Nam còn thực hiện album, liveshow riêng cho dòng nhạc này.

 

Hà Thu