Hội nghị GMS6: Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và thương mại toàn cầu

Chính trị - Ngày đăng : 08:36, 31/03/2018

Chiều 30/3, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, một sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề: “Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và thương mại toàn cầu”.

Hội nghị là tiếp nối các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10).

Phiên thảo luận chuyên đề này là một diễn đàn để các đại biểu trao đổi, thảo luận, đối thoại với các cơ quan Chính phủ của các nước GMS về các lợi ích, cơ hội, thách thức từ toàn cầu hóa và lưu chuyển thương mại hàng hóa, dịch vụ qua biên giới đối với sự phát triển của tiểu vùng GMS, những thành quả hợp tác mà các nước GMS đã đạt được trong hơn 25 năm hình thành và phát triển.

Bên cạnh đó, Phiên thảo luận chuyên đề là dịp để các đại biểu nhìn nhận, đánh giá những thay đổi, diễn biến mới trong trật tự thương mại quốc tế, định vị lại vị trí của các nước GMS trong bức tranh thương mại khu vực và toàn cầu, bàn bạc các giải pháp để bắt kịp với những phát triển mới trong nền kinh tế toàn cầu, tiếp tục tận dụng các cơ hội to lớn đang đặt ra cho các nền kinh tế GMS.

Hội nghị GMS6: Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và thương mại toàn cầu

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề: “GMS và Thương mại toàn cầu”. (Ảnh: TTXVN)

Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh đã nêu bật những thành tựu nổi bật của GMS trong thời gian qua bao gồm: phát triển các hành lang kinh tế; xác định chín tuyến đường sắt ưu tiên cần triển khai để tăng kết nối đường sắt; các nước GMS đã phê chuẩn Hiệp định Tạo thuận lợi cho vận chuyển người, hàng hóa qua biên giới và ký Bản ghi nhớ “thu hoạch sớm” Hiệp định này; việc triển khai mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng”, hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh các cơ hội lớn đang đặt ra đối với GMS là thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại giữa các nước GMS; thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ thông qua các Hành lang Kinh tế và các hiệp định thương mại tự do đã ký giữa ASEAN với hai quốc gia này; kết nối giữa chương trình hợp tác GMS với các cấu trúc hợp tác khu vực như ASEAN, Hợp tác Mekong-Nhật Bản, Hợp tác Mekong-sông Hằng, Hợp tác Mekong-Lan Thương, hay Sáng kiến Vành đai và Con đường; tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các nền kinh tế GMS có lợi thế như dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, du lịch.

Chỉ ra những thách thức mà các nước thành GMS đang phải đối mặt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết số lượng các dự án hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi thương mại qua biên giới trong GMS vẫn còn hạn chế. Các chính sách, quy định quản lý cửa khẩu, thương mại điện tử của các nước GMS còn nhiều khác biệt, gây khó khăn cho việc hài hoà các quy định nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại. Tác động của các dự án đường bộ của GMS hiện còn khiêm tốn, các Hành lang kinh tế, đặc biệt là Hành lang kinh tế Đông-Tây, chưa phát huy đầy đủ tác dụng và hiệu quả. Chi phí thương mại tại các nước GMS vẫn còn sự khác biệt lớn và ở mức cao...

Về các giải pháp vượt qua thách thức và tận dụng tốt cơ hội đặt ra, trong khi khẳng định dòng chảy thương mại và đầu tư đã góp phần to lớn vào phát triển kinh tế, xã hội của các nước GMS trong thời gian qua và sẽ tiếp tục là một động lực phát triển quan trọng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng các nước GMS cần tiếp tục thúc đẩy thương mại mở và hệ thống thương mại đa phương.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại và đầu tư, GMS cần nâng cấp các cửa khẩu, đơn giản hóa, hài hòa các thủ tục hải quan và kiểm soát cửa khẩu; tiếp tục nhân rộng mô hình “một cửa, một điểm dừng” dọc theo các Hành lang kinh tế; ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý cửa khẩu. GMS cần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại biên giới; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và logistics dọc theo các hành lang kinh tế; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về tạo thuận lợi hóa thương mại và vận tải cho các Hành lang kinh tế.

GMS cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực; tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Cải tiến hệ thống thanh toán để thanh toán nhanh hơn và hiệu quả hơn cho các giao dịch mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục thông quan thương mại điện tử qua biên giới đối với các lô hàng có giá trị thấp; cải thiện hệ thống dịch vụ công hỗ trợ thương mại điện tử.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu trao đổi về tình hình hợp tác thương mại đầu tư của các nước GMS, thảo luận về những xu thế phát triển mới trong nền kinh tế thế giới có tác động tới các nước GMS và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chính sách cũng như tăng cường phối hợp giữa các nước GMS như: việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN; thương mại điện tử; tác động của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch; cách mạng công nghiệp 4.0; xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số; tác động của các FTA thế hệ mới...

PV