Nghệ sĩ Khánh Linh: Đừng quên chữ “nhẫn” khi học Violin

Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 14:05, 08/06/2016

Suốt 15 năm rèn luyện và học tập, được trải nghiệm qua nhiều lần biểu diễn tại các buổi hòa nhạc lớn trong và ngoài nước, nghệ sĩ violin Khánh Linh luôn cố gắng chắt lọc...

Suốt 15 năm rèn luyện và học tập, được trải nghiệm qua nhiều lần biểu diễn tại các buổi hòa nhạc lớn trong và ngoài nước, nghệ sĩ violin Khánh Linh luôn cố gắng chắt lọc những điểm tinh hoa trong phong cách biểu diễn của các đồng nghiệp quốc tế và nắm bắt xu hướng mới nhất trên thế giới để đem về giới thiệu cho khán giả Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ.

Nghệ sĩ violin Khánh Linh sinh năm 1992. Cô tốt nghiệp tốt nghiệp đại học chuyên ngành violon với số điểm chuyên ngành tuyệt đối và hiện đang theo học cao học chuyên ngành biểu diễn violin tại Học viện  m nhạc quốc gia Việt Nam.

Khánh Linh đã giành được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có Giải Ba cuộc thi violin quốc tế được tổ chức tại Thái Lan (cuộc thi không có giải nhất, nhì).

Nổi tiếng với nhiều dự án âm nhạc cộng đồng như “Chuyến xe vĩ cầm”, “Chiếc đèn ông sao”... Cô luôn mong muốn âm nhạc cổ điển sẽ tới gần hơn với khán giả Việt Nam và sẽ sớm trở thành một món ăn tinh thần trong đời sống người Việt.

Xin mời quý vị cùng lắng nghe những chia sẻ của nghệ sĩ 9X đầy tài năng.

Nghệ sĩ Khánh Linh: Đừng quên chữ “nhẫn” khi học Violin

Cô gái vàng’ Khánh Linh sở hữu chiều cao ấn tượng 1m74

Lí do nào đã khiến Khánh Linh quyết định theo học chuyên ngành Violin?

Được học đàn Violin cũng là cái duyên trời định đối với Khánh Linh khi mà ước mơ lúc còn nhỏ của mình là sau này sẽ trở thành một giáo viên đứng trên bục giảng dạy môn Toán. Mẹ chính là người trao cho Khánh Linh cơ hội tìm hiểu, gắn bó và yêu cây đàn đến ngày hôm nay khi mà quyết định để con gái xa vòng tay Mẹ đi học Violin.

Ai là người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Linh để trở thành nghệ sĩ violin Khánh Linh và cô gái trẻ Vũ Khánh Linh hôm nay?

Có thể nói, Khánh Linh không bao giờ quên ơn hai người thầy đã dìu dắt Khánh Linh, dạy bảo không chỉ về các kiến thức chuyên môn mà còn là tấm gương về cách sống, đạo đức và cái tâm của một người nghệ sỹ, đó là PGS.TS. Đỗ Xuân Tùng  và TS. Bùi Công Duy.

Khánh Linh nghĩ thế nào khi sinh viên các trường nhạc hiện nay không phải ai cũng coi trọng việc học các môn văn hoá?

Cũng có những người mang suy nghĩ học nhạc như một cái nghề, và không học tốt các môn văn hóa thì thi vào trường nhạc để có cái bằng. Linh cho rằng, đó là quan điểm có phần sai lệch. Các môn văn hóa chính là cái gốc để tư duy và học âm nhạc không đơn giản là đọc nốt nhạc rồi chơi theo nó một cách vô thức. Học nhạc phải sử dụng tư duy để phân tích, để kiểm soát, kết hợp với cảm xúc thì mới tạo nên bản nhạc thuyết phục người nghe.

Nghệ sĩ Khánh Linh: Đừng quên chữ “nhẫn” khi học Violin

Khánh Linh phiêu du cùng cây vĩ cầm, cây đàn như một người bạn tâm giao đã cùng cô biểu diễn trong nước và cả những chuyến ra nước ngoài.

Ở các nước phương Tây thì việc các em học sinh bắt đầu chơi nhạc cụ trong trường từ tiểu học, hoặc thậm chí sớm hơn là một chuyện phổ biến. Nhưng ở Việt Nam, khi các bậc phụ huynh rất coi trọng việc học văn hóa, theo bạn độ tuổi nào là thích hợp nhất để bắt đầu tiếp xúc và học chơi các nhạc cụ mà vẫn cân bằng được việc học văn hóa?

Âm nhạc được nghiên cứu là tốt cho phát triển trí não và tâm hồn. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã nên nghe nhạc thì tại sao lại không cho trẻ em tiếp xúc với nhạc cụ sớm nhất có thể. Học âm nhạc không ảnh hưởng đến việc học văn hóa và thậm chí còn giúp cân bằng, thư giãn cho trẻ em khi mà chương trình học ở trường khá nặng.

Vậy theo bạn khó khăn trong việc dạy âm nhạc, violin ở Việt Nam là như thế nào?

Với thời điểm hiện tại, các phụ huynh đã quan tâm đến các bộ môn nghệ thuật để giúp trẻ em phát triển toàn diện. Tuy nhiên, Violin chưa trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, vì thế mà Linh nghĩ rằng khó khăn đầu tiên có lẽ là làm thế nào để việc học Violin được các phụ huynh đưa vào danh sách các lựa chọn cho con em mình khi suy nghĩ đến việc cho con học nghệ thuật.

Nghệ sĩ Khánh Linh: Đừng quên chữ “nhẫn” khi học Violin

Khánh Linh biểu diễn violin làm từ tóc thật

Được giải cao trong cuộc khi violin quốc tế khi tuổi đời còn rất trẻ, và được coi là "cô gái vàng" hẳn là một điều rất đáng tự hào, tuy nhiên quá trình học ắt hẳn không dễ dàng. Bạn có thể chia sẻ một vài khó khăn hay kỉ niệm trong quá trình đó được không?

Những niềm vui đôi khi phải đánh đổi bằng những giọt nước mắt. Có quá nhiều khó khăn, buồn tủi khi phải học xa nhà. Linh nhớ kết thúc mỗi kỳ thi, sau khi cố gắng hết mình thì Linh luôn về nhà với bố mẹ. Có một kỉ niệm khi Linh 10 tuổi, lỡ chuyến xe khách về nhà mà khóc mấy tiếng đồng hồ rồi ngủ thiếp đi vì mắt sưng, khi tỉnh dậy đã thấy bố lên đón, lại một lần nữa khóc vỡ òa trong vòng tay bố. Hình ảnh bố mẹ vất vả cũng chính là động lực khiến Linh không thể phụ lòng họ, cố gắng cho ước mơ của mình và cố gắng vì bố mẹ.

Theo Khánh Linh thì tham gia các cuộc thi có phải là một cách tốt để rèn luyện việc đưa cảm xúc, tâm hồn lên cái tôi của người nghệ sĩ?

Khánh Linh không áp đặt lên ai là nên hay không nên đi thi các cuộc thi. Bởi tâm hồn ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp làm nghệ thuật của người nghệ sĩ. Mọi người thường mong muốn đi thi để va chạm, học hỏi hay rèn luyện. Nhưng đôi khi kết quả của cuộc thi có thể ảnh hưởng tới tâm lý của người học nhạc. Nếu tích cực, thì bạn sẽ phấn đấu, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Nếu tiêu cực, áp lực của cuộc thi khiến bạn bị thu mình lại, càng tự ti hay đánh mất cảm hứng với việc biểu diễn. Hãy cân nhắc!

Nghệ sĩ Khánh Linh: Đừng quên chữ “nhẫn” khi học Violin

Violon là một nhạc cụ khó học và việc học được coi là công phu và gian nan nhất trong các loại nhạc cụ.

Lúc trước bạn có nói tới dự định sẽ triển khai những dự án âm nhạc cho trẻ em, vậy công tác chuẩn bị của bạn đã đến đâu rồi?

Âm nhạc trẻ em được Khánh Linh ấp ủ và mong muốn thực hiện. Nó là dự án nghiêm túc và cần thời gian để chuẩn bị kĩ lưỡng từ việc nghiên cứu về trẻ em, chọn âm nhạc, suy nghĩ về cách tiếp cận các em,… cho đến việc sản xuất. Một thời gian không xa nữa, hi vọng sản phẩm được đón nhận.

Ngoài ra, dự kiến trong tháng 8 năm nay, Khánh Linh sẽ giới thiệu một sản phẩm giúp cho “nhạc cổ điển chẳng còn khoảng cách”, với sự kết hợp của Violin và Piano trong tác phẩm Tchaikovsky Concerto for Violin.

Và bài học lớn nhất “để trở thành một nghệ sĩ violin” như ước nguyện từ thuở thơ bé của Khánh Linh?

Đừng bao giờ quên chữ “ nhẫn” khi bạn học Violin.

Ngoài âm nhạc, Khánh Linh có thông điệp gì khác gửi tới các công chúng, những người trẻ cùng thế hệ?

Khánh Linh thuộc thế hệ 9x, đang là sức trẻ cống hiến, rất mong cùng các bạn trẻ luôn sống có lý tưởng, có mục đích để tuổi thanh xuân chẳng phí hoài. Hãy sống hết mình với những đam mê, khi bạn thực sự cố gắng,chắc chắn bạn sẽ thành công.

Cảm ơn Khánh Linh về những chia sẻ. Chúc bạn sẽ luôn theo đuổi hoài bão với ước mơ và đam mê cháy bỏng của mình.

Thảo Nguyên