Sao Việt: “Có mẹ là có Tết”
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 22:58, 07/02/2016
Trong những ngày cuối năm, cũng như nhiều người, nghệ sỹ Việt lại bồi hồi nhớ về Tết xưa khi còn mẹ ở bên. Cùng lắng nghe những tâm sự của các nghệ sỹ trong ngày đầu năm mới:
Đạo diễn Trần Lực:
Bức ảnh mẹ và đạo diễn Trần Lực
Nhắc đến mẹ, tôi sẽ không bao giờ quên được kỷ niệm ngày nhỏ của tôi cùng cụ. Mẹ tôi là nghệ sỹ nhà hát chèo Việt Nam, do lịch tập và diễn dày đặc nên tôi được gửi về quê cho bà ngoại nuôi.
Mỗi lần mẹ về thăm nhà đều rất nhanh, tôi luôn tranh thủ từng giây phút một để được gần mẹ. Những lần như vậy, tôi đều ôm mẹ rất chặt và còn khóc nhè nữa.
Tết đến, mẹ về nhà hẳn từ 29 Tết đến hết mùng 5. Tôi luôn quanh quẩn bên mẹ không rời. Đến giờ tôi vẫn không sao quên được tiếng mẹ gọi: “Lực, Lực của mẹ đâu?” mỗi lần mẹ không thấy tôi cạnh bên.
Trần Lực chia sẻ bức ảnh Tê giác làm nũng ông bà trong ngày về quê ăn Tết
Có lần mẹ không về thăm nhà ngày Tết vì có lịch diễn, tôi hụt hẫng, tủi thân và nhớ mẹ vô cùng. Mãi đến rằm tháng giêng mẹ về, tôi khóc oà trong lòng mẹ và nghe mẹ thì thầm: “mẹ xin lỗi con…”. Mắt mẹ có nước, mẹ khóc.
Tết này, mẹ tôi đã hơn 80 tuổi. Vậy mà mẹ vẫn duy trì nếp nhà để tạo không khí Tết đầm ấm. Một tay mẹ vun vén, làm chỉ huy trưởng “điều động” con gái, con dâu làm cỗ cúng ngày 30 cũng như các món ăn truyền thống: canh măng chân giò, thịt kho… Cánh đàn ông trong nhà như bố và tôi thì mua cành đào, cây quất rồi chỉ việc an tâm ngồi nhậu. Đối với tôi, mẹ mãi mãi là linh hồn của những ngày Tết sum vầy, là tâm điểm của gia đình đoàn tụ.
Tôi nghĩ, có rất nhiều cách để con cái bày tỏ sự biết ơn với mẹ mình. Có những người mua cho mẹ một món quà. Những người khác thì phụ việc nhà giúp mẹ một tay.
Diễn viên Đan Lê:
Thế là đã thấy được mùi Tết! Sau bao ngày quần quật trên từng cây số, lúc ở trường quay, khi trên đường phố, cuối cùng đã đến lúc được về nhà.
Đan Lê và mẹ
May mắn cho người làm truyền hình như mình là được ở cùng mẹ, được mẹ đỡ đần, quán xuyến cho việc nhà việc cửa. Nhà ít người, nhưng mỗi năm Tết đến là mẹ lại luôn tay để cả gia đình có một mùa Tết đầm ấm, tươm tất.
Tết của mẹ, món nào cũng có, nào là thịt đông, bò kho, nem rán, canh măng... Chiều 30 Tết năm nào cũng tất bật chạy đi chạy về từ nhà ra chợ đến cả chục lần, lúc thì quên chanh, khi thì quên ớt, lúc lại là bó mùi già để "mục dục canh y" trước Giao Thừa.
Đan Lê ngày nhỏ
Những lời yêu thương, với chồng con lúc nào dễ dàng hơn, nhưng với mẹ, hình như đã lớn lại ngại nói ra, chỉ biết âm thầm dành những hàng động, sự chăm sóc thay lời muốn nói.
Yêu mẹ lắm dù mẹ con cứ nói với nhau đến câu thứ 3 là kiểu gì cũng hục hặc.
NSƯT Đức Hùng:
Cứ đến Tết là Mẹ lại vấn tóc trần (mẫu tóc chỉ có người Hà nội vấn, tóc để lộ ra ngoài, không có vải bọc, mái tóc phải rất dày và mượt mới vấn được kiểu tóc này).
Mỗi ngày Tết, Mẹ mặc 1 bộ áo dài khác nhau, vòng ngọc, hài cườm, bóp da... Mẹ điệu lắm, truyền sang cả các con của Mẹ. Các chị ngày Tết cùng Mẹ diện áo dài mới, Em chỉ biết nhìn và bây giờ đã trở thành ký ức đẹp nhất của Em.
Tết Hà nội xưa, như một bài thơ đẹp...
Em nhớ...!
Minh Hà
Năm nào cũng vậy, Hà vẫn giữ thói quen mùng 1 về nhà ăn Tết với mẹ. Mỗi lần về cùng mẹ là Hà lại cảm thấy như những ngày bé, chẳng cần phải lo nghĩ gì cả.
Dù đã có gia đình nhưng mẹ vẫn cứ xem Hà là trẻ con. Mọi chuyện phải chính do tay mẹ vun vén, mỗi lần Hà sà vào đòi phụ là mẹ lại không chịu, “Tết là phải để mẹ lo!” Việc của Hà chỉ đơn giản là ngủ cả ngày thôi.
Tết về, tuy mẹ hay trổ tài nấu nhiều món khác nhau để chiêu đãi cả nhà, nhưng từ bé đến giờ Hà vẫn nhớ nhất món thịt kho thơm ngon của mẹ. Lâu lâu thèm, mình lại nấu cho cả nhà ăn nhưng không tài nào ngon như mẹ được. Tết này về phải lần mò học cho bằng được bí quyết của mẹ thôi.
Từ trước đến giờ, Hà không hay bày tỏ tình cảm bằng lời nói, chỉ biết thể hiện bằng cách lo cho mẹ tốt nhất trong khả năng của mình. Cứ thấy gì đẹp, hợp với mẹ là mua rồi gửi về cho mẹ ngay. Tết này, Hà muốn gửi lời cảm ơn và một món quà đặc biệt đến mẹ và mong mẹ luôn khoẻ mạnh để Hà được bên mẹ thêm thật nhiều năm sau này nữa.