Nhà lãnh đạo có công rất lớn trong đổi mới và hội nhập
Chính trị - Ngày đăng : 07:52, 19/03/2018
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Mọi người đều biết, một đặc điểm của nước ta là nhu cầu đổi mới thể chế kinh tế bắt nguồn từ quần chúng, được nhiều nhà lãnh đạo ở địa phương và ở Trung ương nắm bắt, từ đó hình thành đường lối, chính sách. Tuy nhiên, để biến tư tưởng ấy thành hiện thực cần phải xây dựng thể chế, pháp luật. Một trong những người có công đầu trong việc này chính là đồng chí Phan Văn Khải mà chúng ta hay gọi bằng cái tên thân mật là “anh Sáu Khải”.
Anh được cử giữ các chức vụ lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lúc đầu với tư cách là Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP. Hồ Chí Minh và từ năm 1985 là Chủ tịch UBND Thành phố đúng vào thời điểm “đêm hôm trước” và khởi động công cuộc đổi mới. Chính nơi đây là một trong những địa phương nảy sinh những đòi hỏi bức xúc nhất về sự cải cách. Từ năm 1989, anh giữ trọng trách Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Trên cương vị người đứng đầu cơ quan tham mưu của cả nước về kinh tế-xã hội, anh đã có những đóng góp hết sức to lớn vào quá trình cụ thể hóa đường lối, chính sách đổi mới và mở cửa. Vì vậy, có thể nói anh Sáu Khải thực sự là một trong các nhà thiết kế, một "đốc công" hàng đầu tạo nên bước ngoặt lịch sử chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, từ tình thế bị bao vây cô lập sang hội nhập quốc tế sâu rộng.
Khi mới nhận nhiệm vụ người đứng đầu Chính phủ vào năm 1997, anh Sáu Khải đã phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng là cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á. Trước cơn sóng gió đó, anh đã kết hợp những kiến thức được đào tạo bài bản ở Liên Xô trước đây với sự hiểu biết sâu sắc thực tế để điều hành nền kinh tế, duy trì sự ổn định vĩ mô và tốc độ tăng trưởng ở mức hơn 7%/năm, chỉ số giá cả tương đối ổn định, các cân đối thu-chi ngân sách, tiền-hàng được giữ vững, tỷ lệ hộ nghèo được kéo xuống dưới 10%...
Trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ rất đa dạng; ở đây tôi chỉ xin chia sẻ vài kỷ niệm về những hoạt động của anh Sáu Khải trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh là những lĩnh vực cá nhân tôi có liên quan phần nào.
Có thể nói, anh Sáu Khải đã đóng vai trò rất lớn trong các mũi đột phá trên mặt trận đối ngoại. Anh là người dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta tại hội nghị các nhà tài trợ đầu tiên ở Paris vào năm 1993, là người chỉ đạo việc sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài vào năm 2002; các hoạt động ấy đã khai thông hai kênh huy động vốn quốc tế cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của nước ta.
Anh đã chủ trì hội nghị cấp cao đầu tiên của ASEAN họp ở Hà Nội năm 1998 và tại đó, anh khéo léo xử lý những khúc mắc, mở đường cho việc ASEAN bao gồm cả 10 nước trong khu vực.
Anh đã chỉ đạo rất sát sao cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại song phương với Mỹ-một hiệp định theo chuẩn quốc tế mà nước ta chưa hề ký với bất cứ nước nào. Cuối năm 1999, hai bên đi đến thỏa thuận về văn bản hiệp định và dự kiến sẽ ký ở Auckland (New Zealand) tại Cấp cao APEC với sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng nước ta. Tiếc rằng, tới phút chót, lễ ký phải tạm hoãn vì còn vài điểm ta thấy cần bàn thêm. Năm sau, khi tôi được điều về Bộ Thương mại, anh Sáu Khải yêu cầu phải cố hoàn tất đàm phán. Tháng 7/2000, hiệp định được ký, mở ra thị trường rộng lớn bậc nhất thế giới, đưa Hoa Kỳ thành bạn hàng xuất khẩu số 1 của nước ta và Tổng thống Hoa Kỳ lần đầu tiên tới thăm Việt Nam.
Năm 2003, anh Sáu Khải lại chủ trì Cấp cao Diễn đàn Á-Âu (ASEM) đầu tiên tại Hà Nội. Tại đây, nước ta và Liên minh châu Âu đã hoàn tất cuộc đàm phán về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Và năm 2005, anh Sáu Khải đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang Hoa Kỳ, một chuyến thăm lịch sử không chỉ về ý nghĩa chiến lược mà còn cả về độ dài của hành trình và tính khẩn trương trong hoạt động. Chuyến đi đó đưa quan hệ Việt-Mỹ lên cấp độ mới, đồng thời góp phần chuẩn bị cho Cấp cao APEC tại Hà Nội vào năm sau, cũng như việc kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập WTO, khai thông con đường nước ta tham gia tổ chức này và hưởng quy chế thương mại bình thường thường xuyên (tức là chế độ tối huệ quốc) của Hoa Kỳ.
Được trực tiếp phụ giúp anh Sáu Khải trong các công việc nói trên cũng như nhiều hoạt động đối ngoại khác, tôi thấy lúc nào anh cũng dốc hết tâm huyết, kiên trì thuyết phục đối tác, giành cho được những lợi ích thiết thực cho đất nước, nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trên thế giới. Thái độ chân thành, khiêm nhường của anh đã tranh thủ được mối thiện cảm của bạn bè quốc tế cho dù chính kiến có những chỗ khác nhau.
Trong lĩnh vực an ninh, có hai hoạt động tôi nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của anh. Đó là cuộc đàm phán về biên giới-lãnh thổ và các biện pháp bảo vệ biên giới trên bộ và chủ quyền trên biển cũng như các biện pháp ứng phó với các mưu toan và hành vi của một số thế lực chống phá đất nước dưới chiêu bài tôn giáo và cái gọi là “dân chủ, nhân quyền”.
Khi anh Sáu Khải lên làm Thủ tướng thì cuộc đàm phán với Trung Quốc về biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ đang ở giai đoạn cao trào để đi tới hoàn tất. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng và hết sức phức tạp nên nhất nhất phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, các phương án đàm phán trước hết đều phải xin ý kiến Thủ tướng; khi nảy sinh các vụ việc phức tạp đều phải được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.
Dù không phải là người trong cuộc cũng có thể hình dung gánh nặng đến mức nào đè lên vai Thủ tướng khi phải phê duyệt chủ trương giải quyết mỗi điểm trong số 164 điểm hai bên có nhận thức khác nhau (được gọi là điểm C) vốn ẩn chứa biết bao tình tiết rắc rối về pháp lý, lịch sử, địa hình… Một vấn đề hệ trọng khác là phương cách phân định Vịnh Bắc Bộ thế nào để bảo vệ chủ quyền quốc gia và điều kiện làm ăn sinh sống của bà con sinh sống ven bờ... Anh em chúng tôi thuộc nhiều ngành và địa phương trực tiếp tiến hành đàm phán luôn luôn nhận được ở anh Sáu những ý kiến đầy trách nhiệm và có tầm nhìn xa trông rộng không chỉ trên những khía cạnh cụ thể mà cả những lợi ích quốc gia rộng lớn, yêu cầu giữ vững hòa bình, ổn định cũng như sự hợp tác với các nước láng giềng và vị thế đất nước trên bàn cờ quốc tế.
Anh Sáu Khải đã dành nhiều suy ngẫm kèm theo các nguồn lực rất lớn để bảo vệ biên cương như cải thiện đời sống cho bà con ở vùng biên giới và biển, đảo, củng cố các đơn vị kinh tế-quốc phòng, xây dựng đường tuần tra dọc biên giới, xây dựng các ngọn hải đăng, bến cá, cung cấp điện, nước ngọt, mạng viễn thông cho nhân dân và bộ đội sống trên các đảo…
Một việc khác để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc là anh Sáu Khải đã có một quyết sách rất sáng suốt để ngăn chặn các mưu toan và hành vi của một số thế lực đội lốt tôn giáo gây bất ổn xã hội, chống phá chính quyền. Thay vì bị động ứng phó, anh yêu cầu các cấp chính quyền phải chủ động chăm lo không chỉ việc đời mà cả việc đạo cho bà con, dành đất, thậm chí xây nhà nguyện để bà con theo đạo, tạo điều kiện cho việc hành đạo theo nhu cầu tinh thần, đồng thời bảo đảm việc thi hành đúng pháp luật. Chính phủ và cá nhân anh Sáu Khải đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc hình thành Nghị quyết của Trung ương lần thứ 7, khóa IX về công tác tôn giáo và Pháp lệnh Tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân về tín ngưỡng, tôn giáo.
Được cộng tác với anh Sáu Khải, tôi cảm nhận rằng, anh là một nhà lãnh đạo đầy tâm huyết với lợi ích của đất nước và của người dân, luôn luôn làm việc hết mình, hết sức cần cù, chỉn chu, bình tĩnh, tỉnh táo, không ồn ào, phô trương. Đối với cộng sự, anh luôn luôn có thái độ tin cậy, mạnh dạn giao việc cho anh chị em, từ đó khơi dậy niềm hăng say và năng lực của mỗi người, đồng thời tạo không khí đoàn kết trong tập thể. Trong quan hệ giữa người với người, anh luôn đối xử rất tình nghĩa, như những người bạn, người đồng chí chí cốt. Trong cuộc sống riêng, anh rất giản dị, không mảy may quan cách.
Đó là những nỗi niềm mãi mãi còn đọng lại trong tim tôi về anh Sáu Khải-người lãnh đạo trực tiếp, người đồng chí và người anh đáng kính.
Vũ Khoan
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ