Hồng Nhung bị sốc trước cảnh tượng tê giác bị sát hại dã man
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 20:16, 19/09/2015
Hồng Nhung và Hà Anh Tuấn đang có chuyến đi làm việc tại Nam Phi với vai trò đại sứ bảo vệ tê giác của tổ chức Rhinose Foundation- một chiến dịch ý nghĩa bảo vệ động vật hoang dã. Trong những ngày qua, ca sĩ Hà Anh Tuấn cùng với diva Hồng Nhung đã có những trải nghiệm vô cùng đặc biệt để tìm hiểu tận mắt cuộc sống hoang dã đầy màu sắc của Nam Phi, cũng như những chú tê giác được xem là nguồn cảm hứng của sự sống hoang dã.
Hồng Nhung là gương mặt thứ 3 sau ca sĩ Thu Minh và ca sĩ Thanh Bùi được mời sang Nam Phi tham gia chương trình bảo vệ loài tê giác khi tình trạng săn bắt loài động vật này ngày một báo động. Cô cũng thường xuyên kêu gọi mọi người “Không mua bán và sử dụng sừng tê giác”.
“Chị Bống” đã có chuyến công tác 10 ngày tại Nam Phi để tìm hiểu về nạn thảm sát tê giác ở quốc gia này. Sau khi đi thực tế tại Vườn quốc gia Kruger cô đã chia sẻ: “Tôi đã sốc trước cảnh tượng tê giác bị sát hại dã man. Những dòng máu đỏ tươi vẫn còn chảy và thấm đẫm vào cát trắng. Chỉ cách đây vài giờ, tôi được ngắm nhìn tê giác con đang quấn quýt bên bờ suối với bố mẹ, vậy mà bây giờ chỉ hoàn toàn là một xác chết”.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, cô đã kêu gọi mọi người “Không mua bán và sử dụng sừng tê giác”:
Hồng Nhung kêu gọi mọi người “Không mua bán và sử dụng sừng tê giác”
“Sau ba ngày vào rừng Kruger (khu rừng rộng lớn hơn khoảng 40 quốc gia trên thế giới, gấp khoảng 100 lần rừng Cúc Phương), thì ấn tượng mạnh mẽ nhất lại là sự kinh hoàng và đau buồn!
Ấy là chuyến đi ngày 2, bay bằng trực thăng ngang qua khu rừng, đến tận gần biên giới Mozambique, phát hiện hiện trường thảm sát tê giác.
Xác tê giác khổng lồ nằm chổng kềnh, bất lực, sừng đã bị cưa mất, một số bộ phận bị chặt, lấy đi, hai mắt bị khoét (vì sợ lưu lại hình ảnh cuối cùng mà tê giác nhìn thấy: con người giết hại nó). Máu tiếp tục chảy ra từ các vết thương rộng ngoác, bốc mùi hôi nặng nề...
Khoảng hai ngày trước đó, chắc hẳn tê giác khoẻ mạnh, to lớn này đang lững thững tới dòng sông uống nước thì bị bắn gục. Chỉ một phát đạn (người ta không bắn hai lần vì sợ bị lộ), tê giác bị thương, nhưng còn sống tiếp vài giờ trong khi và sau khi bị chặt sừng, khoét mắt, cắt tai, cắt dương vật...
Người ta kể, có khi tê giác cái bị giết, để lại các tê giác con còn đang bú sữa, cứ loanh quanh bên xác mẹ đã bị kền kền ăn chỉ còn da bọc xương...
Loài động vật dũng mãnh đến từ thời tiền sử này đang bị đe doạ tiệt chủng bởi con người. Nhu cầu tiêu thụ sừng của chúng (được cho là có thành phần cấu tạo như sừng trâu, hay móng tay người) ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam, dẫn đến nạn săn trộm, thảm sát hàng ngàn tê giác trong năm 2013. Hiện nay, chỉ tính riêng tại rừng quốc gia Kruger, trung bình mỗi ngày 3 tê giác bị giết hại. Tuần trước, do là tuần sáng trăng, đã có tới 5 xác tê giác qua một đêm...
Chỉ có chính chúng ta mới cứu được loài động vật vô tội này, để chúng có quyền được sống trong thiên nhiên như bất kỳ sinh vật nào đã được tạo hoá ban cho sự hiện diện trên trái đất này!
Hãy cùng kêu gọi mọi người KHÔNG MUA BÁN VÀ SỬ DỤNG SỪNG TÊ GIÁC!
Hồng Nhung hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau kịp thắng được cuộc chiến tê giác này trước khi quá muộn. Chỉ còn khoảng 25000 tê giác trên toàn thế giới!”
Việt Nam là nước đang tiêu thụ lớn nhất số lượng sừng tê giác của Nam Phi
Việt Nam là nước đang tiêu thụ lớn nhất số lượng sừng tê giác của Nam Phi. Với vai trò thiết thực của mình, Hồng Nhung và Hà Anh Tuấn đã được trải nghiệm và tìm hiểu thực tế về cuộc sống hoang dã đầy màu sắc của loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này.
Hà Anh Tuấn cho biết: "Việc tiêu thụ sừng tê giác bắt nguồn từ việc cho rằng chúng có tác dụng trong việc chống ung thư. Vì vậy, chúng ta cần một chứng nhận khoa học chính thức từ cơ quan nhà nước chính thức để khẳng định công dụng của sừng tê giác trong lĩnh vực này, điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã làm và chấm dứt hoàn toàn việc tiêu thụ sừng tê giác từ khá lâu".