Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê: Người giữ lửa cho nền âm nhạc cổ truyền dân tộc

Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 07:22, 01/07/2015

Những ngày cuối tháng Sáu này ở miền Nam trời bỗng dưng mưa dầm, lại đón nhận thông tin Giáo sư Trần Văn Khê qua đời. Trời mưa thì buồn, nghe tin Giáo sư mất thì tâm trạng càng buồn hơn.

Những ngày này đã có hàng trăm bài báo của hầu hết các tờ báo, tạp chí đều đăng về tin buồn và cuộc đời cũng như sự nghiệp lừng lẫy về âm nhạc dân tộc của Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khê. Ký ức lại ùa về trong tôi…

Người khơi mầm âm nhạc

Tôi được biết Giáo sư Trần Văn Khê vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Lúc ấy chúng tôi mới là những sinh viên theo học ngành Văn- Sử của trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn). Một hôm nhà trường thông báo cho sinh viên được nghỉ học 2 tiết để nghe Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khê nói chuyện về âm nhạc dân tộc.

Ông mở đầu bài nói chuyện của mình bằng một giọng sang sảng và vô cùng trầm ấm. Ông nói: Tôi đã mang những hiểu biết về âm nhạc Việt Nam đi giới thiệu với các nền văn hoá khác trên thế giới, ở mỗi nơi tôi đi qua, thì họ đều rất trân trọng các loại hình âm nhạc cổ truyền dân tộc mình. Hôm nay đến gặp gỡ các bạn ở một trường đào các cử nhân khoa học xã hội, tôi muốn truyền đạt lại một ít hiểu biết của mình để các bạn thêm tự hào về nền âm nhạc Việt Nam.

Nói là “một ít” nhưng kỳ thật hôm đó ông đã đem lại cho chúng tôi một “bữa tiệc” hoàng tráng về âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Ông không bàn giải từ chương, cũng không có bố cục chi tiết khô khan như những người khác hay làm, thay vào đó là hàng loạt các nhạc cụ từ đàn nhị, đàn kìm (nguyệt), đàn bầu, đàn tranh và cả trống đã được ông tạo ra âm thanh từ… miệng làm cho khán phòng sinh động hẳn lên. Ông còn phân tích sự khác nhau giữa đàn tỳ bà của Việt Nam và Trung Quốc, cho nên kỹ thuật diễn tấu cùng khác nhau. Nói tới đâu ông minh chứng đến đấy một cách thuyết phụ.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê: Người giữ lửa cho nền  âm nhạc cổ truyền dân tộc

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê và tác giả

Ông dẫn dắt chúng tôi đi từ ca trù (giọng Bắc), nhã nhạc cung đình Huế với giọng miền Trung nhẹ nhàng mà sâu lắng cho tới ngũ cung: hò-xự-xang-xê-cống của nhạc tài tử Nam bộ với giọng ca trầm ấm đặc trưng của vùng sông nước, miệt vườn. Ông bảo, nhạc tài tử Nam bộ là kho tàng âm nhạc vô cùng phong phú mà khó có một loai hình âm nhạc nào có được. Nó vừa mang tính bác học vì có thể thức chuẩn mực lại vừa mang tính bình dân, ai nghe cũng hiểu và cũng có thể đàn, hát và hát bất cứ nơi nào. Giáo sư  kiến giải rằng: “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là gạch nối giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian”

Tâm huyết đưa Đờn ca tài tử Nam bộ thành di sản văn hoá nhân loại

Còn nhớ trong buổi nói chuyện với sinh viên trường đại học Tổng hợp hôm đó ông kết thúc bằng một gợi mở và cũng như là để xác định một kế hoạch “đường dài”. Giáo sư bảo, ông đã nói với Giám đốc Đài truyền  hình, Đài phát thanh TP.Hồ Chí Minh, cứ giao chương trình văn nghệ của Đài cho ông. Một tuần vài buổi ông sẽ tổ chức  nói chuyện chuyên đề, làm chương trình nhẹ nhàng về âm nhạc dân tộc, đưa nó đến gần hơn với mọi tầng lớp khán thính giả. Và sau đó như chúng ta biết hàng loạt các chương trình  đờn ca tài tử, cải lương được làm mới và phát trên sóng phát thanh truyền hình cả nước.

Phong trào đờn ca tài tử liên tục được phát triển sâu rộng, các câu lạc bộ đàn ca tài tử được tổ chức lại khắp các vùng miền. Đờn ca tài tử còn “xuất ngoại” tới nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng nhiều hoạt động với uy tín và tầm ảnh lớn của mình với các nhà nghiên cứu văn hoá, ông đã đưa đờn ca tài tử Nam bộ ra tầm quốc tê. Hồ sơ đờn ca tài tử Nam bộ được Việt Nam gửi đến tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).  Và rồi đến gày 05/12/2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh tại Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đêm 25/4/2014, khi kết thúc lễ khai mạc Festival Đờn ca tài tử Nam bộ lần thứ nhất tại Bạc Liêu, tình cờ tôi lại gặp được Giáo sư Trần Văn Khê. Lúc này sức khoẻ ông đã giảm sút khá nhiều, ông phải ngồi trên xe lăn có người đẩy giúp nhưng giọng nói vẫn hào sảng, ánh mắt nhìn đầm ấm, gần gũi như xưa. Tôi nhắc lại buổi nói chuyện về nhạc cổ truyền dân tộc năm xưa và ông nhận ra ngay tôi, một trong những người rời hội trường sau cùng ngày hôm đó. Ông ân cần thăm hỏi mọi chuyện. Biết tôi mê luôn những bài ca vọng cổ từ dạo đó ông lại mừng hơn, ông nói việc của thầy là muốn những người trẻ hiểu biết về âm nhạc dân tộc, bởi nó là hiện thân của văn hoá, là nhân cách của người Việt với đầy đủ những nét đẹp tinh tuý mà không phải ở nơi nào cũng có được.

Một cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc đã ngã xuống, nhưng những mầm sống âm nhạc ông để lại cho đời sẽ vươn cao, bay xa, để âm nhạc dân tộc Việt trường tồn mãi với thời gian. Xin thắp một nén hương lòng để tiễn đưa linh hồn Giáo sư Trần Văn Khê - một con người hết lòng với quê hương với dân tộc-một nhân cách đáng để muôn đời sau trân trọng…

Trần Cửu Long