Thủ tướng: Bám sát tình hình, có đối sách kịp thời khi các nước lớn thay đổi
Chính trị - Ngày đăng : 21:31, 01/03/2018
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp
Sáng 1/3, Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018 - Phiên họp Chính phủ đầu tiên của năm mới Mậu Tuất 2018 đã diễn ra tại Trụ sở Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm ổn định
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật những kết quả kinh tế-xã hội mà đất nước ta đạt được trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018, trong đó, tháng 2 là tháng có Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành đã chủ động, tích cực, làm hết sức mình để chuẩn bị cho nhân dân vui Xuân, đón Tết. Công tác chuẩn bị Tết được triển khai tốt, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, các đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng chính sách, người có công, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai được quan tâm. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đề xuất những vấn đề về phản ứng chính sách rõ nét, kịp thời hơn để quản lý chỉ đạo tốt vĩ mô, không để bất ổn xảy ra đi liền với tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất. Bên cạnh phát triển kinh tế cần quan tâm đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm nhìn chung ổn định, tốc độ tăng giá tiêu dùng được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,24% so với tháng 12/2017, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 0,73% so với tháng trước; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng giải ngân vốn FDI đạt khá.
Tình hình sản xuất kinh doanh các khu vực diễn biến tích cực, trong đó công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và du lịch. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, cân đối thương mại thặng dư khoảng 1,08 tỷ USD. An sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông được chỉ đạo và phát triển toàn diện. Các hoạt động chính trị, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tổ chức chu đáo, đạt kết quả thiết thực.
Cần có đối sách, kịch bản cụ thể
Thủ tướng nêu rõ, năm 2018, có nhiều thách thức lớn. Trong nước, chúng ta đang thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, các dịch vụ công như giáo dục, y tế. Còn ở bên ngoài, xu hướng giá dầu thô và các loại hàng hóa có xu hướng tăng. Mỹ và các nước đối tác lớn tăng lãi suất. Trong khi đó chúng ta phải trung hòa một lượng ngoại tệ lớn đang rót vào nền kinh tế. Vì thế, tâm lý kỳ vọng lạm phát rất lớn.
Do đó, phải chú trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các bộ, ngành chức năng, các địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới, nhất là động thái của các nước lớn trên thế giới, trong khu vực và tình hình thị trường thế giới.
Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung nghiên cứu, khẩn trương đề xuất các nhiệm vụ, đối sách kịp thời trước việc Mỹ và nhiều nước, các đối tác lớn đang điều chỉnh chính sách như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu, dựng hàng rào thương mại, tăng lãi suất. Sớm nghiên cứu các đối sách để giải quyết các vấn đề này, xây dựng kịch bản cụ thể. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần chú trọng chính sách thuế, hải quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chú ý chính sách thu hút đầu tư. Bộ Công Thương chú ý chính sách xuất nhập khẩu. NHNN chú ý chính sách lãi suất, tỷ giá.
Việc phản ứng chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành cần kịp thời hơn.
Phải tăng cường đôn đốc kiểm tra, chống tình trạng trì trệ trong hệ thống, chống tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; chống bệnh hình thức, bệnh thành tích, bệnh khoa trương. Người lãnh đạo các cấp phải tạo nên cảm hứng, quan tâm hơn đến những khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng để mọi cấp, mọi ngành có sức chiến đấu mới.
Trong bối cảnh sức ép lạm phát lớn, NHNN phải chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất phù hợp; kết hợp đồng bộ chính sách tài khóa với các chính sách vĩ mô khác để thực hiện bằng được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng chí Thống đốc NHNN trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về việc này, Thủ tướng nêu rõ.
Các bộ, ngành chức năng cần lưu ý việc điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ công như giáo dục, y tế chỉ được thực hiện khi điều kiện cho phép và thời điểm thích hợp và phải xin ý kiến lãnh đạo một cách chặt chẽ.
Các bộ, ngành cần tập trung chuẩn bị nội dung một số chủ đề quan trọng để triển khai đầu năm, trong đó có 10 hội nghị chuyên đề lớn, chưa kể sẽ có những đợt kiểm tra như kiểm tra thực hiện nghị quyết trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng hay nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng gợi ý một số chủ đề như tích tụ tập trung ruộng đất, vấn đề nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistics, công nghiệp hỗ trợ, kết nối khu vực kinh tế trong nước và FDI, thúc đẩy xuất khẩu, tăng năng suất lao động, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Đi liền với đó, Chính phủ xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, thủ tục hành chính nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay, đặc biệt là các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai…
Các bộ công khai và lên phương án tiếp tục cắt giảm
Khắc phục tình trạng giải ngân chậm vào thời điểm đầu năm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành thực hiện mọi giải pháp cần thiết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tạo chuyển biến rõ ngay trong tháng 3 này.
Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công. Nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu gây chậm trễ trong thực hiện.
Trong lĩnh vực tài chính, không để xói mòn cơ sở thuế, mở rộng cơ sở thuế, nhất là thuế dịch vụ chứ không phải là chỉ tăng thuế suất; tăng cường quản lý hoạt động khu vực kinh tế phi chính thức. Trong điều kiện Mỹ giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng hàng rào thuế quan, Bộ Tài chính tập trung xây dựng, đề xuất phương án phản ứng chính sách phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cần xây dựng kịch bản tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực theo quý, từ đó, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong điều hành, quản lý; không để tình trạng “cha chung không ai khóc”. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, xây dựng kịch bản tăng trưởng này và báo cáo Thủ tướng trước 15/3.
Nêu rõ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phương pháp tiếp cận của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tiên là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp, trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 19 mới, nói rõ nhiệm vụ của từng bộ, từng địa phương, tập trung vào một số nội dung chính như cắt giảm các điều kiện kinh doanh, yêu cầu các bộ công khai và lên phương án tiếp tục cắt giảm. Đơn giản, rút ngắn các thủ tục đầu tư dự án, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chấn chỉnh thái độ thực thi công vụ và đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức gắn với đổi mới việc đánh giá cán bộ.
Các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc phương án xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài và theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn lớn.
Thủ tướng yêu cầu, chuẩn bị xây dựng cơ sở pháp lý, các điều kiện cần thiết để vận hành sớm 3 đặc khu kinh tế, trước hết ưu tiên Vân Đồn, Phú Quốc để các khu này nhanh chóng trở thành điểm đầu tư và tăng trưởng mới của quốc gia.
Trong tháng 3 này, nghiên cứu, đề xuất cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như phí giao thông, phí dịch vụ logistics, lãi suất ngân hàng, các chi phí không chính thức.
Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá công việc đang triển khai, không để “mất bò với lo làm chuồng”, nhất là về vấn đề môi trường, xử lý nước thải, rác thải, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, xử lý nghiêm, triệt để hơn đối với các vấn đề đang gây bức xúc xã hội như là trật tự đô thị, bảo vệ nhân viên y tế trong bệnh viện…
Thúc đẩy khai thác hiệu quả các ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất ngay từ những ngày đầu của năm mới; đồng thời góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, đã quyết định thành lập Tổ kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm tổ trưởng. Về vấn đề chế độ tiền lương, tiền công của vận động viên quá thấp, đã ban hành 10 năm nay, Thủ tướng đồng ý chủ trương tăng mức chế độ với đối tượng này.
Về vấn đề phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư, Thủ tướng cho biết, tối 28/2, ông đã nhận được báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước và sẽ tổ chức cuộc họp của Thường trực Chính phủ để xem xét vấn đề này với tinh thần chặt chẽ, hợp lý, có cơ sở khoa học.