Chính phủ kiến tạo đã giúp kinh tế Việt Nam “cất cánh”

Chính trị - Ngày đăng : 08:00, 16/02/2018

Với mức tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,7% - cao nhất 10 năm qua, đồng thời ổn định vĩ mô được giữ vững, thể hiện ở chỉ số lạm phát và thâm hụt ngân sách đều ở mức thấp, nhiều chuyên gia đã đánh giá “năm 2017 là năm “cất cánh” của kinh tế Việt Nam”.

Chính phủ kiến tạo đã giúp kinh tế Việt Nam “cất cánh”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét quy hoạch ĐHQGHN tại Hòa Lạc

Chính phủ kiến tạo rõ nét

Tiếp nối năm 2016 nhậm chức và bắt tay vào những việc cần làm ngay, trong đó có việc kiến thiết “xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có một năm 2017 bận rộn cùng với bộ máy Chính phủ không ngừng nỗ lực để triển khai thông điệp đó.

Ngay từ đầu năm, nhằm tạo chuyển biến căn bản trong điều hành, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp theo tinh thần quyết tâm xây dựng “Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và 09 Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử. Công tác cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, được thống nhất, đơn giản, minh bạch, tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, lấy năm 2017 là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, với sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc sát sao của các đơn vị Bộ, ngành, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 5.000 thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, điển hình là Bộ Công thương đã cắt giảm được 420 mặt hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan và có phương án cắt giảm, đơn giản 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý; Bộ NN&PTNT dự kiến cắt giảm 34%, các Bộ khác như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, NHNN, Bộ VH-TT&DL cũng đã rà soát xong...

Song song đó, để nâng cao chất lượng các đầu việc của Bộ, ngành, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, từ đó khắc phục một bước tình trạng thiếu kỷ luật kỷ cương, nói không đi đôi với làm. Trong hơn một năm qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành 36 cuộc kiểm tra. Thông qua các buổi kiểm tra, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được đôn đốc, thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách được tháo gỡ, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương, kịp thời đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống.

Đánh giá cao những thay đổi tích cực này, TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. So với nhiều thời gian trước, Chính phủ đã đặt một trọng tâm và chỉ đạo thường xuyên, rất cụ thể, liên tục theo dõi, đánh giá, cập nhật kết quả và tạo áp lực hành chính với các Bộ, đặc biệt là các Bộ trưởng, trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời tạo áp lực truyền thông, áp lực xã hội để các Bộ trưởng thực thi chứ không chỉ áp lực tại các cuộc họp. Nhờ đó, nhiều cơ quan, địa phương đã chuyển biến tích cực và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp một cách cụ thể. Nhiều bức xúc được doanh nghiệp phản ánh nhiều năm trời tới nay đã được giải quyết. Đây là điểm rất mới trong hoạt động của Chính phủ ”.

Kiến tạo nhằm thay đổi trong chính nội tại bộ máy hoạt động, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đã cơ bản hoàn thành việc ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, đã giảm được 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch; trong đó đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong nhân dân.

Đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra

Trong bối cảnh năm 2017 kinh tế thế giới diễn biến khó lường, gây khó khăn cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế trong nước vẫn đang tồn tại những vấn đề có tính cơ cấu dài hạn như nợ xấu chưa được xử lý triệt để, cản trở mục tiêu giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nợ công ở mức cao, gây áp lực đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô... Năm 2017 được coi là năm quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Chính vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đã quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Theo đó, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2017 là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách, biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời.

Trước tình hình GDP quý I đạt thấp, song kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã nói đi đôi với hành động làm gương. Hầu như không một ngày nghỉ, Thủ tướng đi khắp các tỉnh thành, gặp gỡ người dân, dự các hội nghị xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp, làm việc với lãnh đạo từng tỉnh để lắng nghe, chỉ đạo từng vùng miền, địa phương làm sao để phát huy được tiềm năng thế mạnh kinh tế, tránh ôm đồm theo thành tích hoặc trông chờ ỷ lại vào Trung ương; làm sao để tránh tụt hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con. Đặc biệt, 12 phiên họp thường kỳ Chính phủ là những cuộc họp đánh giá, tổng kết nghiêm túc,làm kim chỉ nam cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động. Đối với mỗi Bộ trưởng thì đâycòn như buổi “kiểm điểm” xem trong một tháng Bộ mình phụ trách và bản thân mình là Tư lệnh ngành đã làm được gì, công việc giải quyết đã đáp ứng được thực tiễn chưa? Từ đó, đưa ra ý kiến thảo luận, xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực. Thủ tướng sẽ là người đưa ra những chỉ đạo, giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Không hề hô hào vĩ mô, những chỉ đạo của Thủ tướng đơn giản, nhưng quyết liệt và hiệu quả như: “Phải bắt tay ngay vào việc, không để tồn tại tinh thần “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”; “Không được say sưa với kết quả đạt được”, “Ngành chức năng phải tìm ra các hạn chế, yếu kém, các địa phương trọng điểm phải tìm các giải pháp cụ thể để tiếp tục tăng trưởng”; hay “Nếu Chính phủ có quyết liệt nhưng Bộ trưởng không chuyển biến, không làm đến nơi đến chốn các việc có liên quan hoặc chưa nắm kỹ công việc để xử lý thì khó thành công”; thậm chí là những câu nhắc nhở các Bộ trưởng “Anh nào chưa có lửa trong lòng mình, trong ngành mình thì hãy nhóm lên”...

Sự sát sao, thúc giục của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng với các Tư lệnh ngành đã khiến toa tàu gồm các Bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chuyển động nhanh dần lên. Tình hình kinh tế-xã hội theo đó đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt là tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, quý I chỉ đạt 5,15%, sang đến quý II đạt 6,28% và đến quý III đã tăng lên 7,46%, cao hơn các quý trước lần lượt là 2,31% và 1,18%. Đáng lưu ý trong các tháng quý IV, như tháng 10/2017 đạt được những kết quả hết sức toàn diện, có nhiều mặt nổi bật, trong đó lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư, công tác giảm nghèo,…có nhiều tiến bộ.

 Tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo ngày càng lan tỏa sâu rộng; chủ trương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt được những kết quả quan trọng. Tháng 11 kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,61% so với bình quân cùng kỳ; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất cho vay giảm nhẹ và ổn định. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng vượt bậc; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2017 tăng 17,2% so với tháng 11/2016; tính chung 11 tháng, IIP tăng 9,3% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 194 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ; xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD. Thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao.

Tổng kết năm 2017 Việt Nam đã đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là thành công lớn của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Liên hợp quốc đã đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tiếp đà tăng trưởng

Năm 2018, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro; xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam. Trong khi nền kinh tế còn nhiều tồn tại, yếu kém, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ ngày càng hạn hẹp... Tuy nhiên,  nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã tạo được chuyển biến căn bản trong nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và năm 2017 đã trở thành năm thay đổi bản lề về động cơ tăng trưởng cho thời gian tới.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “2017 là năm thay đổi bản lề về động cơ tăng trưởng với niềm tin về một Chính phủ hành động. Với một vật thể đang trì trệ thì khó nhất là bước chuyển động ban đầu, nhưng Chính phủ đã lay chuyển để tạo được bước chuyển động ban đầu đó”.

Ông Sebastian Eckardt, Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ở một vị thế tốt, tăng trưởng cao kết hợp với lạm phát thấp, cán cân kinh tế đối ngoại và tỷ giá ổn định. Việt Nam cũng đang tiến nhanh hơn nhiều đối thủ về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. “Việt Nam cần tận dụng chu kỳ đi lên để tăng cường sức bật kinh tế vĩ mô”, ông Sebastian Eckardt đưa ra khuyến nghị.

Với dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2018, cùng những yếu tố thuận lợi cơ bản trong nước như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; việc triển khai Nghị quyết Hội nghị TW5 về đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tạo cú huých mới cho kinh tế tư nhân phát triển. Đặc biệt cùng một Chính phủ Việt Nam kiến tạo đang ngày càng rõ nét, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động đầu tư - kinh doanh, chắc chắn Việt Nam sẽ theo đà “cất cánh” của năm 2017, tiếp tục tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Xuân Lan