Ca sĩ Phương Thanh: 20 năm và một dấu ấn
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 10:28, 07/11/2013
Nửa cuối thập niên 90, Phương Thanh là một trong những cái tên làm mưa làm gió trên bản xếp hạng Làn sóng xanh và bảo chứng doanh thu cho các sân khấu ca nhạc. Rồi, lúc bế tắc chuyện tình cảm, chị nhảy sang đóng phim và ít nhiều gặt hái được thành công. Tài năng của Phương Thanh không phải kiểu vừa lộ diện đã tỏa sáng mà phát lộ theo cách con ong chăm chỉ, cần cù rèn dũa. Hay nói như chị, mọi thứ đều do cái duyên.
Đi hát kiếm tiền giúp mẹ
Phương Thanh quê ở Thanh Hóa. Gia đình chị ngày ấy chẳng khá giả nhưng cũng không quá khốn khó. Đang yên ấm thì lũ tràn về nhấn chìm tất cả những gì ba mẹ cất công gầy dựng. Năm đó, Phương Thanh tròn 4 tuổi. Thương đàn con nheo nhóc, ba mẹ chị gạt nước mắt, mang con vào Sài Gòn mưu sinh. Ba chị, sau giờ làm bảo vệ ở xí nghiệp ảnh, dắt theo cái bơm xe đạp và vài miếng lốp ngồi vỉa hè kiếm đồng ra đồng vào. Niềm vui với chị khi ấy là được đem cơm từ nhà ra vỉa hè coi ba sửa xe rồi giúp ông bơm xe cho khách. Mẹ chị thì tất tả đủ thứ nghề, gồng gánh bán bưng. Chị bảo, cái dáng liêu xiêu oằn nặng vì gánh hàng rong của mẹ ám ảnh chị mãi. Sau này hát bài Tiếng rao, nhớ tới dáng mẹ mà chị trào nước mắt. Cực vậy nhưng ba mẹ chưa bao giờ để mấy chị em chị phải vất vả. Nhiệm vụ duy nhất của chị là đi học về, cơm nước xong xuôi, chỉ lau mỗi cái nhà.
Đột ngột, ba chị đổ bệnh. Của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Ít lâu sau ba mất, đôi vai mẹ chị như oằn thêm. Bà vươn ra vừa làm cha, vừa làm mẹ, lo lắng, hy sinh cho con. Chị bảo, mẹ chị thương con đến mức, lương giữ xe mười tám ngàn mà sẵn sàng bỏ mười lăm ngàn mua cho con một cái áo đẹp. Nhưng vì lam lũ nên tính mẹ lúc nào cũng mạnh mẽ, cứng rắn như đàn ông chứ không dịu dịu dàng như những bà mẹ khác.
Thương mẹ, Phương Thanh bắt đầu “làm quen” với các cuộc thi hát hò, chỉ với một mục đích duy nhất: kiếm tiền. Tuy nhiên, giải thưởng với một con bé đen nhẻm, gầy gò với cái giọng khào khào trở thành mơ ước quá xa xôi. Không nản, Phương Thanh vẫn cần mẫn đi coi hát, tập hát. Nhờ giọng khào khào ấy, chị được gọi vào Câu lạc bộ ca sĩ trẻ của Nhà Văn hóa Thanh niên. Quý nghị lực của chị, anh em trong nghề đã giới thiệu chị đi hát ở các tụ điểm để kiếm tiền chung sức với gia đình. Vậy là Phương Thanh rong ruổi khắp nơi bằng chiếc xe đạp… xẹp lốp. Lúc đó, giá cát-sê của chị là 6 ngàn đồng. Hát xong, chị thắc thỏm ngồi đợi trong cánh gà, coi có ai không hát thì xin ra hát tiếp để được thêm 6 ngàn. Cũng có bữa, đạp xe hì hụi tới mà người ta không cho hát đành thất thểu đi về. Lần đầu cầm tiền về đưa cho mẹ, chị khóc tưng bừng. “Hồi đó chị mê đôi vớ da lắm, mấy bữa sau lãnh được 6 ngàn, mừng quá, chị ù ra cửa hàng mua ngay đôi vớ hết… 3 ngàn” – Phương Thanh nhớ lại. Thương con, mẹ chị vay mượn mua cho con một chiếc Chaly cũ hay… chết máy dọc đường.
Sau, chị gia nhập tam ca Sao Đêm khi các nhóm nhạc đang trăm hoa đua nở. Được một thời gian thì Sao Đêm… vụt tắt. Lúc tuyệt vọng, chị được nhạc sĩ Vi Nhật Tảo mời thu đĩa, nhạc sĩ Bảo Phúc giúp chỉnh sửa nốt nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện chỉ bảo cách ăn mặc. Và cơ hội đã mỉm cười với chị khi chị hát Xa rồi mùa đông của nhạc sĩ Nguyễn Nam. Song, dấu ấn ghi đậm tên tuổi của Phương Thanh trong lòng người nghe là Giã từ dĩ vãng (sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung) trong bộ phim cùng tên. Giã từ dĩ vãng vượt qua khỏi khuôn khổ một ca khúc nhạc phim trở thành ca khúc được ưa chuộng trong nhiều năm liền, đưa tên tuổi Phương Thanh vào hàng ngũ những ca sĩ được yêu thích nhất trong buổi đầu của nhạc nhẹ hiện đại Việt Nam.
“Dấu ấn” Phương Thanh
Nói Phương Thanh hát hay hẳn sẽ vấp phải không ít phản đối. Nhưng, không thể phủ nhận Phương Thanh có chất giọng trầm khàn rất đặc biệt với quãng khá rộng, ít nhất là ở thời điểm chị xuất hiện trên sân khấu ca nhạc lúc bấy giờ. Theo quan điểm cá nhân tôi, một ca sĩ, trước hết phải có chất giọng của riêng mình, khiến người nghe không lẫn, ở góc độ này, Phương Thanh đã có một dấu ấn. Chính nhờ cái dấu riêng đó mà Phương Thanh được nhạc sĩ Mạnh Trinh tin tưởng giới thiệu cho nhạc sĩ Nguyễn Nam, lúc đó là biên tập viên một chương trình ca nhạc của Đài Truyền hình Tp. HCM, đang cần tìm “một con bé ca sĩ có thể hát tới nốt mí”. Tôi thấy nhiều ca khúc, ở nhiều thời đoạn khác nhau được ít nhiều các ca sĩ trẻ cover lại, nhưng những ca khúc Phương Thanh hát, thường rất ít ca sĩ trẻ dám thực hiện. Và nếu có, cũng vẫn thấy thiếu cái giọng bản năng, cái cảm xúc rất thật mà Phương Thanh thổi vào. Một Giã từ dĩ vãng khắc khoải, một Tiếng rao se sắt, một Trống vắng mênh mông, một Ta chẳng còn ai cô độc đến hoang hoải, một Khi giấc mơ về nghẹn ngào, một Lang thang hoài vọng đớn đau… Mà hình như Phương Thanh chỉ hát nhạc buồn để rồi nó vận vào đời chị?
Thời vàng son chóng qua. Lúc nhạc thị trường bùng nổ, cái tên Phương Thanh dần lùi vào quá vãng thì chị nhảy sang đi phim như tìm một sự giải tỏa bế tắc trong đời sống riêng. Chị khởi nghiệp với hai ba phim nhưng chỉ đến lúc đóng Khi đàn ông có bầu, mới được đông đảo khán giả biết đến. Dần, chị xuất hiện nhiều hơn, lăn xả hơn và gặt hái được những thành công nhất định. Phương Thanh bảo, đời chị cười nhiều, khóc cũng nhiều nên khi đóng phim, chị thấy đầy đủ gia vị đời mình trong đó. Cứ thế, chị đem cảm xúc của mình ra mà đóng. Phải chăng vì vậy mà những vai diễn của chị tự nhiên như đời?
Thỏa nguyện đam mê thuở nhỏ, ngỡ chị đã bớt “tình” với sân khấu âm nhạc bởi từ sau liveshow Mưa vào 2007, người hâm mộ chỉ thấy chị xuất hiện trong một vài liveshow rủ rỉ, tâm tình chứ không tổ chức một chương trình riêng. Điều này, hẳn có nhiều lý do. Nên, đến với Dấu ấn lần này, Phương Thanh háo hức: “Lần đầu tiên làm một liveshow mà không phải canh cánh lo chuyện bán vé, chỉ cần tập trung cho tiết mục của mình nên chị vui và thấy thoải mái vô cùng. Chương trình lần này sẽ khai mở lại một chu kỳ mới của chị sau 6 năm không làm liveshow.” Có cảm giác như, chị vẫn ở thuở đôi mươi tràn trề năng lượng!