Danh ca Thanh Thúy: Giai nhân một thủa

Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 10:59, 17/08/2013

Thanh Thúy – danh ca một thuở, từng làm thổn thức trái tim của biết bao “nam nhân” trong làng văn nghệ Sài Gòn.

Trong những nữ ca sĩ thành danh và nổi tiếng trước năm 1975 có một giọng ca rất đặc biệt, để lại nhiều ấn tượng cho người nghe và được giới văn nghệ sĩ thời ấy không ngớt lời ngợi khen là “Tiếng hát liêu trai”, “Tiếng hát lúc 0 giờ”… Bà chính là Thanh Thúy – danh ca một thuở, từng làm thổn thức trái tim của biết bao “nam nhân” trong làng văn nghệ Sài Gòn.

Tiếng hát liêu chai

Bà tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh ngày 2.12.1943 tại Huế, trong một gia đình có 5 chị em gái. Do mẹ của bà bị bệnh nan y nên cả gia đình phải rời Huế đưa mẹ vào Sài Gòn chữa trị. Tại Sài Gòn, gia đình bà thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Cao Thắng. Để mưu sinh và để kiếm thêm tiền phụ giúp hai chị lo thuốc thang cho mẹ, bà đến với nghiệp ca hát khi mới 16 tuổi. Bà nhớ lại cái duyên đến với nghề: “Tôi có hai người chị lớn là Thanh Hương và Thanh Thảo – thành viên trong ban văn nghệ Bộ Thông Tin. Chính hai chị đã dạy tôi hát, rồi đi học, tôi tập hát với các bạn trong ban văn nghệ của trường. Lâu lâu, tôi lại theo hai chị đi trình diễn cho Ban Văn nghệ Thông tin. Tại đây, tôi gặp chị Kim Chi, nhờ chị giới thiệu đi hát để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tháng 11 năm 1959 thì tôi bắt đầu hát cho phòng trà Việt Long của anh Đức Quỳnh.”

Danh ca Thanh Thúy: Giai nhân một thủa

Với chất giọng trầm ấm, hơi khàn nhưng không đục cộng với lối phát âm, nhả chữ rất riêng khiến giọng ca Thanh Thúy như “lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.” Dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài màu trắng hoặc lam nhạt... tạo cho bà một phong thái thật đặc biệt, cuốn hút khán thính giả. Tháng 2/1960, bà góp mặt trong Đại nhạc hội Sầm Giang cùng với nhiều giọng hát danh tiếng thời đó ở rạp Đại Nam, đường Trần Hưng Đạo. Ngay lập tức, tiếng hát của bà đã chinh phục khán thính giả khi bà vừa cất giọng. Sau đại nhạc hội, tên tuổi Thanh Thúy nổi như cồn. Bà trở thành hiện tượng của làng tân nhạc và là ca sĩ trẻ chói sáng nhất. Tiếng hát của bà vang lên khắp các phòng trà, đại nhạc hội, hãng thâu âm với với sáng tác của các nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Lam Phương, Phạm Duy, Anh Bằng… đặc biệt là sáng tác của hai nhạc sĩ Trúc Phương và Y Vân. Không quá khi nói, ở Sài Gòn những năm 60, không ai không biết và không nghe giọng hát Thanh Thúy. Nhiều người Sài Gòn vẫn giữ những bản thu âm giọng hát của bà đến giờ. Còn thế hệ sau nghe giọng hát liêu trai, như khói sương của bà không ngớt trầm trồ, xuýt xoa.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Thanh Thúy đã với tới ánh sao lấp lánh trên bầu trời âm nhạc và có điều kiện để thuốc thang cho căn bệnh nan y của mẹ. Thế nhưng, niềm mong ước của bà chưa được toại nguyện thì tháng 6/1960, mẹ của bà qua đời. Người ta bảo rằng, có lẽ vì thương nhớ mẹ mà tiếng hát của bà càng trở nên âu sầu, bi cảm khiến người nghe xúc động và tê tái.(?!) Sau mất mát to lớn đó, bà thay mẹ gánh vác gia đình, nuôi nấng, chăm sóc hai người em còn nhỏ dại. Khi đi định cư ở Mỹ, bà vẫn là người gánh vác chuyện gia đình và là chỗ dựa tinh thần cho các em.

Năm 1962, bà được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ và là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” trong 3 năm liền từ 1960 – 1963 cũng như nhận được nhiều mỹ từ do giới văn nghệ sĩ và báo chí thời ấy phong tặng như “Tiếng hát khói sương”, “Tiếng sầu ru khuya”,… Năm 1964, bà kết hôn với tài tử chính trong phim Bão Tình (Lưu Bạch Đàn đạo diễn và sản xuất) và ngừng đi hát khiến cho người hâm mộ đâm ra nhung nhớ giọng hát man mác buồn của cô ca sĩ tài sắc. Những tưởng, bà “theo chồng bỏ cuộc chơi” nhưng, vương câu hát cũ, nhớ sân khấu, nhớ tràng pháo tay của khán thính giả, bà trở lại với con đường nghiệp dĩ, cùng với nhạc sĩ Ngọc Chánh mở phòng trà International, hãng băng Thanh Thúy và tham gia một số bộ phim (Mưa trong bình minh – hãng Kim Cương, Niềm đau của người – Việt Ảnh Film). Năm 1975, bà sang Mỹ định cư và đi diễn khắp nơi trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Bóng hồng của một thế hệ

Danh ca Thanh Thúy: Giai nhân một thủa

Thanh Thúy không chỉ là một nghệ sĩ tài sắc mà còn là một nghệ sĩ có tư cách. Trong Chân dung những tiếng hát, Hồ Trường An hồi tưởng: “Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân… Ở chót vót đỉnh danh vọng mà cô không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí”. Vì vậy, việc bà được nhiều văn nghệ sĩ thời bấy giờ thầm thương, trộm nhớ là lẽ đương nhiên. Nhà thơ Nguyên Sa viết: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy…. Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành.” Mà chính Nguyên Sa cũng đã mượn câu “Từ em tiếng hát lên trời” của Hoàng Trúc Ly để bày tỏ niềm giao cảm về bà đấy thôi! Còn nhà văn Mai Thảo – cây bút đầu đàn nhóm Sáng tạo và Kịch ảnh – ví tiếng hát của bà là “Tiếng hát lúc 0 giờ” và viết: “Tôi vẫn thấy một con chim nhạn bay trong dòng sông sương mù, chậm và khuya, công phu, kỳ lạ!”

Bà còn là niềm cảm hứng bất tận cho chàng nhạc sỹ tài hoa, si tình Trúc Phương. Nhạc sĩ Trúc Phương yêu bà bằng một tình yêu trọn vẹn nhưng đơn phương. Rất nhiều tác phẩm để đời của ông như Chuyện chúng mình, Hai lối mộng, Ai cho tôi tình yêu, Bóng nhỏ đường chiều, Mưa nửa đêm, Tàu đêm năm cũ,… đều mang hình ảnh Thanh Thúy. Những bài hát của ông đã giúp bà tỏa sáng, tiếng hát liêu trai của bà mà nhạc phẩm của ông thăng hoa. Trong nhạc phẩm cuối cùng của ông – Mắt chân dung để lại – vẫn ẩn hiện bóng hình của bà: “Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại, giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ, ta và em đã trót thiên thu nhầm lỡ”. Thế nhưng, có lẽ duyên nợ không trọn nên mối giao cảm ấy đành hẹn nhau trong kiếp tằm nhả tơ: nhạc Trúc Phương – tiếng hát Thanh Thúy…

Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Thanh Thúy là nguồn cảm hứng để ông viết ca khúc đầu tay: Ướt mi – một nhạc phẩm hay kỳ lạ và buồn thương đến não nề. Mối tình đơn phương của nhạc sĩ họ Trịnh có thể gọi là chút tình đầu thoáng qua, nhưng cũng có thể gọi là mối tình say đắm, vô vọng. Ông từng tâm sự: “Dần dần, hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn vì tôi nhỏ tuổi hơn, lại nhiều mặc cảm và vô danh… Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng.” Thanh Thúy chính là người hát Ướt mi đầu tiên và cũng nhờ bài hát này mà Trịnh Công Sơn mới có dịp hội ngộ Thanh Thúy. Sau này, ông còn viết Thương một người để tặng bà.

Được biết, nhạc sĩ Tôn Thất Lập sáng tác Tiếng hát về khuya cũng vì Thanh Thúy... Riêng bản Thúy đã đi rồi của nhạc sĩ Y Vân thì lại có một số phận khác. Theo tư liệu của nhà báo Hà Đình Nguyên thì tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long, do “yêu đơn phương” Thanh Thúy mà mang bệnh tương tư. Trước đó, ông đã viết rất nhiều kịch bản Ghen, Tan tác, Khi người ta yêu nhau, Nghẹn ngào, Ám ảnh, Một người tên Thúy bày tỏ tình cảm với bà mà vẫn chẳng ăn thua. Thương bạn, nhạc sĩ Y Vân nên ông đã viết bản Thúy đã đi rồi để nói hộ nỗi lòng của bạn mình. Năm 1961, Nguyễn Long còn làm cả bộ phim Thúy đã đi rồi nhưng vẫn không lọt vào mắt xanh của bà. Si tình trong tuyệt vọng, Nguyễn Long làm bài thơ Thôi như tự an ủi mình. Bài Thôi về sau cũng đã được Y Vân phổ nhạc và trở thành ca khúc rất được yêu thích.
Rồi thì, những vở kịch sân khấu, truyền hình, các cô Kim Cương, Xuân Dung, Bích Thủy đóng vai Thanh Thúy trong phim… đã khiến hình ảnh ca sĩ bà càng thêm long lanh, thanh khiết. Không quá khi nói, Thanh Thúy đã trở thành một “chất liệu đam mê” khơi nguồn sáng tạo cho cả một thế hệ. Hình ảnh ấy, theo thời gian, vẫn lưu dấu trong từng câu thơ, lời hát và sống mãi trong lòng những ai yêu mến bà.

“Trong kiếp cầm ca, tiếng hát Thanh Thúy được nhiều cây bút tên tuổi xuất thủ với ngôn từ độc đáo, tuyệt vời được dàn trải ra, bồng bềnh theo hình bóng qua bốn thập niên của hậu bán thế kỷ XX, tiếng hát đó đã gói trọn tình khúc vượt thời gian và không gian, đi vào ký ức, đi vào chiều dài lịch sử trong làng ca nhạc Việt Nam.” –  Hoàng Bích Yên

 

Hoàng Dung (TT&ĐS)