Cố nhạc sỹ Đặng Thế Phong - Con người tài hoa nhưng đoản mệnh
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 06:00, 07/07/2013
Cuộc đời ông thật quá ngắn ngủi. Thế nhưng, sự ngắn ngủi của thời gian không làm bớt đi chất phong phú và thi vị của một cuộc sống tài hoa. Nhờ thế mà, ông, tuy chỉ để lại cho đời có ba bài hát nhưng cả ba đều là những bản tình ca bất hủ trong làng nhạc Việt Nam.
Dự báo…
Cùng với Nguyễn Văn Tuyên, Dzoãn Mẫn, Lê Thương,… Đặng Thế Phong thuộc lớp nhạc sĩ trưởng thành đầu tiên của nền tân nhạc Việt. Như nhiều trí thức thời ấy, Đặng Thế Phong hấp thụ và chịu ảnh hưởng rất rõ của văn hóa Pháp, nhất là những tác phẩm văn học lãng mạn Pháp. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi tác phẩm đầu tay của ông – Đêm thu – còn mang nặng nhiều âm giai của nhạc Tây. Vào buổi sơ khai của tân nhạc Việt thì Đêm thu với lời ca trữ tình và giai điệu dìu dặt, êm ái đã thu hút thính giả ngay từ lúc mới phát hành. Cùng với Duyên Kiếp của Nguyễn Văn Tuyên, Đêm thu là bài hát được đông đảo trí thức bấy giờ yêu chuộng.
Cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong sinh năm 1918 ở phố Hàng Đồng, xứ Nam Định – quê hương của những nhạc sĩ tài hoa đầu tiên của tân nhạc như: Đan Thọ, Bùi Công Kỳ, Hoàng Trọng,… Theo hồi ức của nhà văn Phạm Cao Củng, Đặng Thế Phong là một chàng trai rất đẹp, môi đỏ như son, đàn hay hát giỏi, lại thích hóa trang thành thiếu nữ trong những vở kịch ngắn. Phải chăng cái nét đẹp mong manh ấy đã phần nào báo trước một cuộc đời đoản mệnh?
Cha của Đặng Thế Phong – cụ Đặng Hiển Thế - làm thông phán trước bạ của thành Nam, nhưng vì cái tính nghệ sĩ trong người của cụ Thế cho nên cả gia đình đông đúc của Đặng Thế Phong phải sống một cuộc sống khá vất vả. Khi Đặng Thế Phong đang học năm thứ hai bậc thành chung (tương đương lớp 7 ngày nay) thì cha ông qua đời, để lại gia đình bảy miệng ăn trong hoàn cảnh túng thiếu nên ông phải nghỉ học. Sau đó, ông lên Hà Nội kiếm sống. Trong thời gian này, Đặng Thế Phong vừa làm nghề vẽ tranh minh họa cho báo Học sinh (do nhà văn chuyên viết truyện trinh thám Phạm Cao Củng làm chủ bút) vừa theo học vẽ với tư cách dự thính tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến năm hai mươi mốt tuổi. Có một giai thoại kể lại rằng, khi thi vào trường, Đặng Thế Phong vẽ một thân cây cụt rất đẹp nhưng không có ngọn. Vị thầy người Pháp chấm điểm khi ấy đã phải thốt lên khen ngợi tài năng của cậu học trò nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi “e rằng cậu không sống lâu được”!
Đặng Thế Phong đã bước vào lứa tuổi thanh xuân với những chuỗi ngày phiêu bạt, đầy gian lao và lận đận. Tuy nhiên, niềm đam mê nghệ thuật, nhất là âm nhạc đã đến với ông như một mối duyên nợ từ kiếp trước. Nó quanh quẩn và đeo bám cuộc đời nghèo túng của ông, để rồi giúp ông thăng hoa trong từng nốt nhạc. Năm 1927, Nhạc viện Viễn Đông được mở tại Hà Nội nhưng ba năm sau đã phải đóng cửa vì những khó khăn chung. Những người muốn học nhạc khi ấy, ai may mắn thì tìm được một vị thầy người Pháp, bằng không thì tự học qua sách vở hoặc theo học hàm thụ tại các trường nhạc ở Pháp. Và hầu như, thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của nền tân nhạc nước ta đều tự học và trau dồi kinh nghiệm với nhau. Đặng Thế Phong cũng không ngoại lệ. Bằng sự thông minh và tài hoa thiên bẩm, ông đã tự học và có thể sử dụng thông thạo được nhiều nhạc cụ, sau là sáng tác nhạc.
Bản nhạc Con thuyền không bến
Sau Đêm thu, Đặng Thế Phong còn viết hai ca khúc nữa về mùa thu là Con thuyền không bến và Giọt mưa thu – gắn liền với mối tình đã đi vào huyền thoại. Hai ca khúc mà theo đánh giá của nhiều nhạc sĩ, đã đạt đến độ chín của tài hoa và dự báo một cuộc đời ngắn ngủi.
Mối tình bất tử
Khi còn ở Nam Định, Đặng Thế Phong đã đem lòng yêu một cô thiếu nữ buôn bán chăn drap ở Chợ Sắt (chợ Rồng ngày nay), chợ duy nhất và lớn nhất của thành phố. Theo lời kể của nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì cô Tuyết tuy không đẹp nhưng rất có duyên. Vốn tính nhút nhát, Đặng Thế Phong nghĩ mãi cũng không biết làm cách nào để “tiếp cận” người đẹp. Cuối cùng, ông vờ làm khách hàng vô hỏi giá rồi... nhét vội vào tay nàng một lá thư. Chẳng biết nội dung bức thư đầu tiên này như thế nào mà sau đó cô Tuyết đã cự tuyệt một anh thông phán trẻ làm việc ở Tòa Đốc lý Nam Định, khi anh này dạm hỏi. Cặp tình nhân trai tài, gái đảm đã dìu nhau vào cuộc tình thật trong sáng và cao thượng.
Một hôm, Đặng Thế Phong cùng một nhóm bạn văn nghệ sĩ lên Bắc Giang chơi, nhân đó họ tổ chức một đêm đi thuyền trên sông Thương thì ông nhận được tin cô Tuyết ngã bệnh. Lòng dạ bồn chồn, xót xa, Đặng Thế Phong ôm đàn bước vào khoang thuyền, bỏ mặc các bạn đang đùa vui. Khi đêm sắp tàn thì bản Con thuyền không bến hoàn tất với những lời ai oán não nùng gửi về... chân mây.
Sớm hôm sau, Đặng Thế Phong tức tốc trở về Nam Định, người đầu tiên được nghe bài hát này, không ai khác chính là cô Tuyết, qua giọng hát của chính tác giả. Không lâu sau, Con thuyền không bến ra mắt khán giả thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội qua tiếng hát của nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển. Từ Nam Định, cô Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội, ngồi cạnh Đặng Thế Phong, ngay ở hàng ghế đầu để nghe bài hát “người ấy làm riêng cho mình”.
Sau khi từ Bắc Giang về, Đặng Thế Phong đã nhuốm bệnh lao. Thời đó, bệnh lao là một bệnh nan y và luôn bị những người chung quanh xa lánh. Thuốc bệnh lao lúc ấy vừa hiếm lại vừa đắt, cô Tuyết không những không ngại tốn kém, mà còn kín đáo nhờ người mua thuốc và thường xuyên gặp ông để săn sóc mà không sợ bị lây. Về phần Đặng Thế Phong thì ông không hề biết thuốc là của cô Tuyết mua cho mình.
Nữ ca sĩ Thái Thanh – người từng thể hiện rất thành công ca khúc Con thuyền không bến
Đầu năm 1941, Đặng Thế Phong sau thời gian bôn ba Sài Gòn, Nam Vang đã trở về Hà Nội sống cùng ông chú họ Nguyễn Trường Thọ trong một căn gác ở làng hoa Ngọc Hà (ngoại ô Hà Nội). Ông Thọ tuy vai chú nhưng bằng tuổi với nhạc sĩ nên tình cảm giữa hai người vô cùng thân thiết. Gia cảnh nghèo nàn, tiền bạc phải vay mượn để chữa trị, cuộc sống kham khổ làm cho tình cảnh của nhạc sĩ càng thêm nghiệt ngã... Tháng 7 mưa ngâu. Cảnh buồn tê tái. Nỗi nhớ người yêu trào lên quay quắt, ông ôm đàn và viết Vạn cổ sầu, sau theo lời một vài người bạn, ông đổi thành Giọt mưa thu.
Cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi, ông nhờ chú đưa về Nam Định. Từ đấy cho đến lúc ông lìa đời, cô Tuyết lúc nào cũng túc trực chăm sóc ông, khiến những người quen biết đều xót xa thương cảm cho một mối tình vô vọng lẫn nể phục tính cách cao thượng chung thủy của cô. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong mất không lâu sau đó, khi vừa 24 tuổi. Tang lễ của ông có rất nhiều thanh niên nam nữ của thành Nam tham dự, cô Tuyết mặc áo đại tang đi sau linh cữu như một người vợ tiễn đưa chồng lần sau cuối.
Thật đáng trân trọng biết bao!