Ca sĩ Phương Dung: "Nhạn trắng Gò Công"
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 16:13, 23/05/2013
Gò Công, nơi có ruộng biền bao la tiếp giáp với sông rạch nước mặn. Nơi đó, có thứ lúa tiêu sau khi được xay giã thành thứ gạo hạt tròn, thơm hơn gạo “nàng hương chợ Đào” ở Long An, hơn gạo “Ba thắc” ở Cần Thơ. Nơi đó có bún lá hẹ làm bằng gạo lúa tiêu ngon nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nơi đó, có tiếng hát của Phương Dung, cũng thơm tình đất nước như gạo lúa tiêu, cũng óng nuột như bún lá hẹ được phơi bày tùng lọn dài trên phiến lá chuối cắt mặt tròn như mặt trăng rằm… (trích Chân dung những tiếng hát – Hồ Trường An)
Mỹ danh “Nhạn trắng Gò Công”
Ca sĩ Phương Dung tên thật là Phan Phương Dung, sinh năm 1946 tại Gò Công, Tiền Giang, trong một gia đình nông dân khá giả có 4 anh em. Mẹ của bà là em vợ của nhà văn Hồ Biểu Chánh nổi tiếng đất Nam Bộ đầu thế kỷ 20.
Ba mẹ Phương Dung tuy sống theo lối cổ, chịu nhiều ảnh hưởng của Nho học nhưng ông bà có tư tưởng rất cởi mở… Ngay cả việc Phương Dung muốn đi hát, ba cô cũng rất ủng hộ. Ông dặn con gái: “Đi hát là một nghề lương thiện, chỉ vì dân mình bảo thủ và có một cái nhìn sai lạc về những người làm nghệ thuật. Con đi hát thì phải biết mình vì yêu nghệ thuật mà đi hát chứ không phải để sống một cuộc sống bừa bãi. Nghệ sĩ mà không làm nghệ thuật giỏi và hay thì người ta đâu có thích.” Có lẽ vì vậy mà Phương Dung ngay từ nhỏ đã yêu ca hát và ham thích những tác phẩm văn học của Nguyễn Tuân, Tự Lực Văn Đoàn, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam…
Sau khi học hết bậc tiểu học ở trường Nguyễn Bá Tòng, Gò Công, gia đình cho Phương Dung lên Sài Gòn thi vào lớp Đệ Thất trường Trung học Gia Long niên khóa 1958 – 1959.
Vì yêu thích ca hát nên dù rất bỡ ngỡ trên đất Sài Gòn, Phương Dung cũng đã tự tìm đường đến Đài Phát thanh Sài Gòn khi biết đài có cuộc thi tuyển chọn ca sĩ. Sau một hồi đứng thập thò ngoài cửa, Phương Dung lấy hết can đảm vào đăng ký dự thi. Nhờ đã quen đứng trước khán giả qua những buổi văn nghệ tại trường, Phương Dung tự tin hát bài Em bé quê trước bao nhiêu giọng ca nổi tiếng…
Tuy nhiên, Phương Dung đã dừng chân ở vòng bán kết vì cuộc thi năm đó có một giọng hát vô cùng nổi bật là ca sĩ Thanh Sơn (sau là nhạc sĩ của nhiều bài hát nổi tiếng: Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh,…). Không được giải cao, nhưng Phương Dung lại may mắn gặp nhạc sĩ Khánh Băng trong thời gian ông phụ trách chương trình văn nghệ giải trí cho trường Thị Nghè – nơi đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Chính nhạc sĩ Khánh Băng đã giúp Phương Dung vựơt qua những e ngại ban đầu để mạnh dạn trình diễn trên sân khấu. Bằng chất giọng hồn nhiên, khỏe khoắn, Phương Dung đã có được nhiều cơ hội trình diễn tại nhiều tụ điểm ca nhạc nổi tiếng tại Sài Gòn lúc bấy giờ như Phòng trà Tứ Hải, Phòng trà Anh Vũ,…
Có thể coi thời kỳ hát ở phòng trà Anh Vũ là thời kỳ hoàng kim nhất của Phương Dung với những nhạc phẩm tiền chiến Thiên thai, Khối tình Trương Chi, Trương Chi, Đàn chim Việt, Suối Mơ, Buồn tàn thu… dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Lê Trung Quân (tức ca sĩ Vân Quang). Sau đó, Phương Dung chuyển qua loại nhạc thời trang theo thị hiếu của khán thính giả đương thời do các hãng đĩa nhạc yêu cầu với các sáng tác của Lê Minh Bằng, Thanh Sơn, Châu Kỳ… Cô rất thành công với các ca khúc: Chuyện tình Lan và Điệp, Hai kỷ niệm, Một chuyến đi, Hoa nở về đêm,…
Nhưng phải đợi đến năm 1962 (lúc đó Phương Dung vừa tròn 17 tuổi) khi nhạc phẩm Nỗi buồn gác trọ của Mạnh Phát – Hoài Linh ra đời qua tiếng hát Phương Dung thì tên tuổi bà mới thật sự được khẳng định và sánh ngang với các ngôi sao ca nhạc lúc bấy giờ như Lệ Thanh, Thanh Thúy, Duy Khánh, Minh Hiếu… Bài hát này sau được đưa vào phim Saigon By Night của hãng phim Alpha.
Với tiếng hát đặc biệt của mình, Phương Dung đã chinh phục được tất cả mọi người. Riêng tại Sài Gòn, Phương Dung đã cộng tác liên tiếp mỗi đêm với 7 phòng trà và vũ trường – một thành tích hiếm có ca sĩ nào đạt nổi. Bà cũng đã thu âm rất nhiều đĩa nhựa cho các hãng đĩa danh tiếng: Sóng Nhạc, Sơn Ca và băng Akai của các trung tâm Continental, Trường Hải, Nhật Trường... Năm 1964, Phương Dung tiếp tục làm say mê thính giả với tiếng hát cao chót vót trong Những đồi hoa sim (nhạc: DZũng Chinh, thơ Hữu Loan).
Từ năm 1965, Phương Dung chuyển sang hát các ca khúc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (tức ca sĩ Nhật Trường). Với bài hát Tạ từ trong đêm, Phương Dung đã nhận được huy chương vàng dành cho nữ ca sĩ trong năm của Đài phát thanh Sài Gòn.
Dù tên tuổi vang dội như thế nhưng Phương Dung vẫn giữ cho mình sự giản dị, chất phát, không trau chuốt, cầu kỳ như chính giọng hát của bà. Bà không hề ăn diện choáng lộn, mỗi khi lên sân khấu, chỉ mặc áo dài và thường là áo dài trắng, cách trang điểm cũng thật kín đáo, trang sức bà cũng chẳng quan tâm. Chính vì cái hay, cái đẹp trong tiếng hát, trong tâm hồn, trong sự lao động miệt mài của cô ca sĩ miệt biền Gò Công mà Hà Huy Hà – nhà thơ xứ Kiên Giang đã đặt cho Phương Dung mỹ danh “Con nhạn trắng Gò Công” trong một bài báo ông viết về bà. Từ đó, con nhạn trắng vẫn tiếp tục bay trên bầu trời âm nhạc cho đến khi bà lập gia đình vào năm 1968.
Nhạn trắng còn được mời thử sức ở lĩnh vực điện ảnh và sân khấu cải lương. Tuy nhiên, hai mảnh đất mới này không mang lại thành công cho Phương Dung. Có lẽ, trời sinh Phương Dung với giọng hát như tiếng nhạn kêu sương là để hát tân nhạc vậy!
Hồng nhan hạnh phúc
Cuối năm 1968, ca sĩ Phương Dung kết hôn với người chồng lớn hơn mình 13 tuổi sau lần gặp ở Bangkok, Thái Lan và sống hạnh phúc cho đến giờ. Vợ chồng bà có với nhau tất cả 8 người con (6 trai và 2 gái).
Sau khi thành hôn, Phương Dung quyết định nghỉ hát trong khi tên tuổi vẫn đang trên đỉnh cao. Hai lần xuất hiện cuối cùng của Phương Dung đã diễn ra trong một chương trình đại nhạc hội tổ chức tại hai rạp Quốc Thanh và Hưng Đạo. Sau đó, Phương Dung chỉ còn hát qua những lần thu thanh cho hãng Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với hai băng nhạc nổi tiếng là Sơn Ca 5 và Sơn Ca 11.
Gia đình Phương Dung tới Úc năm 1977 và cư ngụ ở Melbourne. Chỉ 8 tháng sau khi tới đây, vợ chồng bà đã đứng ra kinh doanh 2 nhà hàng có trình diễn ca nhạc là Cửu Long và Tự Do. Sau khi không còn kinh doanh nhà hàng vào năm 1983, Phương Dung sang Mỹ để thu cuốn băng mang tựa đề Kỷ niệm còn đây, gồm 10 ca khúc tiêu biểu của Phương Dung. Năm 1984, bà trở lại làm tổng đại lý những phim bộ Hồng Kông chuyển âm tiếng Việt. Nhưng chỉ được một thời gian vì quá vất vả và nhất là tiền bản quyền càng ngày càng cao, nên bà chuyển qua làm may mặc.
Từ hơn chục năm nay Phương Dung chỉ chú tâm vào những công tác từ thiện và tu học để tìm được sự thanh thản trong tâm hồn. Bà là một trong những người thành lập Hội See The Light chuyên giúp đỡ những bệnh nhân và người nghèo tại Việt Nam qua việc giúp đỡ tiền bạc để mổ mắt, xây nhà, trường học. Bà còn vận động văn nghệ sĩ, bạn bè của mình tham gia vào chương trình này thông qua những show nghệ thuật gây quỹ từ thiện tại những quốc gia có đông người Việt. Năm 2011, Phương Dung làm nhiều công tác từ thiện tại Gò Công và mở một nhà hàng Cơm tấm tại Dĩ An- Bình Dương.
Hiện, Phương Dung đang sống ở Mỹ cùng hai con gái là Phương Vy và Hoàng Ly – cũng đang đi theo con đường ca hát của mẹ. Ước nguyện duy nhất của Phương Dung là thực hiện một DVD kỷ niệm về cuộc đời đi hát của mình. Sau đó bà sẽ xuất gia đi theo hạnh Bồ Tát cho đến cuối đời…