Cần phải làm rốt ráo

Chính trị - Ngày đăng : 10:51, 13/04/2012

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, tinh thần chung là các Bộ, ngành, địa phương đều khẩn trương rà soát, cắt giảm và điều chuyển vốn đầu tư theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng “trong triển khai, nhiều Bộ, ngành và địa phương còn băn khoăn, chần chừ...”

Tình trạng chưa cắt giảm, hoãn tiễn độ triệt để các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước vẫn còn phổ biến (Ảnh:PV)


Muốn cắt giảm, nhưng sợ “đụng” (!?)


Quyết tâm chưa cao và chưa đều trong cắt giảm đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương thể hiện ở chỗ một số địa phương còn triển khai chậm và chưa có báo cáo đầy đủ. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011 tổng số vốn đã cắt giảm và điều chuyển là 80.550 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, số vốn giảm ngay từ khâu lập kế hoạch là 30.000 tỷ đồng so với vốn thực hiện năm 2010. Số vốn cắt giảm và điều chuyển của các Bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong kế hoạch năm 2011 là 55.500 tỷ đồng.


Một số Bộ, ngành chưa cắt giảm điều chỉnh và hoãn tiến độ triệt để các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Số vốn điều chuyển, cắt giảm là khá thấp so với số dự án khởi công mới không thuộc đối tượng triển khai trong năm 2011. Các tỉnh mới chỉ cắt giảm các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, chưa ráo riết cắt giảm các dự án sử đụng vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng đầu tư nhà nước, xổ số kiến thiết, vốn vay...


Nhiều địa phương, Bộ, ngành còn băn khoăn, chần chừ việc cắt giảm đối với các dự án đã có thủ tục đầu tư, đã đấu thầu, đã ký hợp đồng và những dự án vừa khởi công trước ngày Nghị quyết 11 được ban hành. Lý giải cho điều này, một số địa phương cho rằng nếu cắt giảm thêm nữa sẽ “đụng” những dự án mà nếu dừng nó, sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Thậm chí, một số Bộ, ngành và địa phương còn trông chờ Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu đình hoãn, giãn tiến độ các dự án theo Nghị quyết 11.


Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, Bộ hiện đã cắt giảm 68 dự án với số vốn là 1.200 tỷ đồng, nhưng nếu cắt giảm nữa thì ảnh hưởng lớn đến một số dự án có khả năng hoàn thành năm 2011, hoặc ảnh hưởng đến an toàn giao thông và nếu điều chuyển vốn hơn nữa thì một số công trình tuy chưa cấp bách phải hoàn thành trong năm 2011 bị điều chuyển vốn sẽ rơi vào tình trạng dở dang, sẽ bị hỏng một số kết cấu như nền móng, móng mặt đường...


Để hoàn thiện những công trình đang dở dang có khả năng hoàn thành trong năm nay, Bộ Giao thông - Vận tải xin Thủ tướng bổ sung thêm 6.800 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ để thực hiện các dự án mà Bộ này cho là cấp bách…


Chính phủ “không khoan nhượng”


Tại cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh khẳng định: sẽ kiên trì thực hiện Nghị quyết 11/NQ - CP, không vì bất cứ lý do gì mà tăng đầu tư. Trường hợp những dự án của Bộ Giao thông - Vận tải mà thiếu một vài phần trăm thì yêu cầu Bộ tự sắp xếp, xem xét. Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ký duyệt cho các công trình không thuộc Nghị quyết 11.


Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những vướng mắc và đề xuất của địa phương đã được báo cáo Thường trực Chính phủ. Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục kiên định thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đến hết ngày 30-6-2011. Thông điệp được Chính phủ đưa ra là sau thời hạn trên, thu hồi toàn bộ về ngân sách Trung ương đối với số vốn mà các Bộ, cơ quan, địa phương đã bố trí không đúng quy định.


Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc cắt giảm đầu tư công và điều này đã phần nào phản ánh hiệu quả trong thực tế ở những phần vốn đã được cắt giảm một cách triệt để. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, việc giảm đầu tư công vẫn cần phải làm rốt ráo và có sự quyết tâm đồng đều của các Bộ, ngành, địa phương thì mới có được hiệu quả rõ nét hơn, làm nền tảng cho đầu tư công bền vững trong dài hạn.

Nguyễn Huyền

congly.com.vn