Cần theo dõi và phản biện chính sách kịp thời, thúc đẩy sự phát triển kinh tế
Chính trị - Ngày đăng : 17:41, 25/12/2017
Phiên họp đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có những giải pháp cho phương châm hành động năm 2018 như “hành động, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ.
Phiên họp Tổ tư vấn
Kế hoạch năm 2018 để tạo sự đột phá
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã báo cáo về tình hình KTXH hiện nay với những bất cập, khó khăn trước mắt. Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao; Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp; Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm; Nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đạt thấp; Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của DNNN chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát.
Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng thành lập mới khá cao nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen... vẫn xảy ra.
Trước tình hình đó, nhiệm vụ mà Thủ tướng đặt ra trong năm 2018 là Chính phủ sẽ điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa. Nâng cao hiệu quả phân tích, dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế để bảo đảm ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về lao động, việc làm, NSNN, vốn đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, an ninh lương thực và năng lượng. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên gắn với kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối.
Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN ở tất cả các ngành, các cấp. Tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá. Triệt để tiết kiệm chi; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; khoán chi hành chính, sử dụng xe công; đẩy mạnh đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công. Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ; phấn đấu giảm bội chi NSNN; đẩy nhanh cải cách khu vực sự nghiệp công gắn với tinh giản biên chế. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công; chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực NSNN gắn với huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT. Tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ đầu tư ngoài nhà nước phát triển hạ tầng, bảo đảm tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản.
Đồng thời, hoàn thiện và triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật, tập trung vốn đầu tư công và tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển. Hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật trong đầu tư xây dựng; có giải pháp phù hợp, áp dụng ngay để tiết kiệm vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình quan trọng cấp bách, các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, dịch vụ, du lịch quy mô lớn…
Cần có sự theo dõi và phản biện chính sách
Để thực hiện được những nhiệm vụ cấp bách này, Thủ tướng đã yêu cầu các chuyên gia trong Tổ tư vấn góp ý về các biện pháp điều hành phát triển nền kinh tế đất nước, nhất là về phương châm năm 2018 như “hành động, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”.
Theo các thành viên của Tổ tư vấn đánh giá, năm 2017 là năm có nhiều cải cách và đạt kết quả khá thành công khi 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt và vượt, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ có yếu tố quyết định đối với kết quả này.
Còn TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright thì nhận xét, tăng trưởng cao “ngoài dự tính” đến từ khu vực tư nhân, kể cả trong nước và nước ngoài. Bài học lớn nhất là kinh tế tư nhân giữ vai trò then chốt của kinh tế tư nhân”. Để làm được những chủ trương, chính sách này thì cần có động lực, do đó Chính phủ cần có thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy động lực của các địa phương, nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách. Đây là cách để tạo sinh khí, tạo động lực tăng trưởng mới.
Các ý kiến khác cũng cho rằng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt kiều quan tâm đầu tư về Việt Nam. Tâm lý đầu tư, niềm tin tạo ra từ phía nước ngoài rất tốt, giúp cho thị trường vốn tăng trưởng mạnh thời gian qua. Tuy nhiên tăng trưởng nhưng phải bền vững, tránh tăng quá nóng, dễ dẫn đến nhiều rủi ro. Các nước trên thế giới dùng hệ thống quản lý hiệu suất, các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao ngay đầu năm và được nhập vào hệ thống phần mềm, sẽ tự động cập nhật, cho kết quả ngay. Vì vậy Việt Nam cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý công vụ để nâng cao chất lượng công vụ.
Các thành viên Tổ tư vấn góp ý nội dung dự thảo Nghị quyết 01 về các biện pháp chỉ đạo, điều hành năm 2018 của Chính phủ và một số vấn đề khác của nền kinh tế. Các ý kiến cũng cho rằng, thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco vừa qua là thành công và đặt vấn đề là làm sao sử dụng đồng tiền thu về có hiệu quả, minh bạch. Cùng với đó hiện nay thị trường tiền ảo Bitcoin đang phát triển nóng với nhiều nguy cơ “bong bóng” cần phải chấn chỉnh kịp thời, tránh hệ lụy có thể xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kết quả đạt được năm 2017 khá toàn diện, nhưng những khó khăn, bất cập vẫn còn tồn tại. Vậy nên thử thách vẫn đang ở trước mắt, kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra nên những ý kiến mà Tổ tư vấn kinh tế đóng góp có vai trò rất quan trọng cho Chính phủ lúc này. Thủ tướng đề nghị không chỉ tư vấn về kinh tế vĩ mô mà cả các lĩnh vực khác của sự phát triển kinh tế-xã hội bởi có nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế. Vậy nên cần phải có sự thúc đẩy để cả 3 khu vực công, nông nghiệp, dịch vụ cùng phát triển.
Thủ tướng đề nghị, các thành viên chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế-xã hội, nhạy bén để kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, không để tình trạng phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra. Nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, lưu ý tính kịp thời, thực tiễn, khả thi trong điều kiện hoàn cảnh thể chế, kinh tế-xã hội của nước ta. Cùng với đó là làm tốt vai trò tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách; chủ động theo dõi, tham gia ý kiến về dự thảo chính sách để quyết định của Thủ tướng được đưa ra đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình.