Vẫn còn nhiều bất cập
Chính trị - Ngày đăng : 10:51, 13/04/2012
Hàng nội muốn “hút” khách đòi hỏi phải có chất lượng cao
Hàng Việt đã có… “chỗ đứng”
Con số ấn tượng nhất là số người tiêu dùng mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước tăng lên đáng kể. Cụ thể, theo khảo sát của Viện nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tiến hành tháng 9-2010, có đến 59% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt; trong khi trước đây, chỉ là khoảng 23% (thống kê của Tập đoàn Grey - Mỹ); 80% người tiêu dùng được hỏi cho biết, họ ưa chuộng sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép “made in Vietnam”; 58% người tiêu dùng ưa chuộng mặt hàng thực phẩm và rau quả; 49% ưa chuộng các sản phẩm đồ gia dụng; 34% ưa chuộng đồ chơi và dụng cụ học tập dành cho trẻ em; 26% ưa chuộng các sản phẩm điện tử, điện lạnh… có nguồn gốc xuất xứ trong nước. Tại nhiều siêu thị trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, tỷ lệ bày bán hàng hóa sản xuất trong nước chiếm đến 95% số lượng hàng.
Góp phần làm nên con số ấn tượng đó phải kể đến vai trò của Bộ Công Thương. Theo báo cáo đã có 80 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.124 gian hàng được Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức, thu hút gần 4,8 triệu lượt khách tham quan, mua sắm. Doanh thu bán hàng đạt 1.467 tỷ đồng. Các hoạt động như hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng đã được tổ chức rộng rãi, phong phú và quy mô. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm... đã giúp cho người tiêu dùng được tiếp cận trực tiếp với hàng hóa thương hiệu Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá chất lượng sản phẩm chính xác, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.
Bên cạnh đó là vai trò của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước đã ý thức được đây là “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Từ nhận thức trên, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào xây dựng và phát triển thương hiệu và hàng loạt chiến dịch tổng lực của Number One, Bia Sài Gòn, VTB, Nutifood,... phối hợp triển khai trên nhiều kênh thông tin, kèm theo một kế hoạch được thiết kế chuyên nghiệp đã đánh dấu bước phát triển về chất trong hoạt động quảng bá của các doanh nghiệp, đã góp phần hỗ trợ một số thương hiệu Việt thành công nhanh chóng.
“Cuộc chiến” trên “sân nhà”
Thực tế trên là đáng mừng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, mà điều dễ nhận thấy nhất là hàng hóa Việt chưa phải đã chiếm lĩnh độc tôn trên “sân nhà”. Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, hiện nay, hàng Trung Quốc tuy không còn làm mưa làm gió như trước nhưng vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam. Điều này không có nghĩa là hàng Trung Quốc tốt hơn hàng Việt Nam và người Việt Nam sính hàng Trung Quốc mà là do hàng Trung Quốc phong phú hơn về kiểu dáng, mẫu mã, công dụng mà giá cả rẻ hơn.
Cùng có quan điểm như trên, rất nhiều chuyên gia nêu một thực trạng: Hàng Việt Nam hiện nay vẫn nghèo nàn về mẫu mã thiết kế, hàm lượng chất xám ít nên không có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Thêm vào đó là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, thực phẩm không an toàn bày bán vô tư đang khiến uy tín của hàng “made in Vietnam” giảm sút. Đó là chưa nói điểm yếu của hàng Việt là khâu phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng và chế độ hậu mãi, dịch vụ chăm sóc sau khi mua hàng còn thua xa DN nước ngoài. Bên cạnh đó, có một thời gian dài, các DN lo đầu tư cho xuất khẩu, bán hàng ra thị trường ngoài nước, khi “bí” đường, quay về muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước gặp cảnh loay hoay như “gà mắc tóc” bởi nhiều loại hàng thiết yếu đã bị hàng ngoại lấn át, độc tôn.
Đáng lo ngại hơn là thời gian gần đây các loại hàng hóa nước ngoài xa xỉ vẫn nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, lôi kéo được một bộ phận cư dân lắm tiền. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập siêu trên 3 tỷ đôla hàng hóa, trong đó các mặt hàng xa xỉ chiếm hơn 1,2 tỷ đôla, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Những loại xa xỉ đó bao gồm: xe hơi, thiết bị, máy móc không cần thiết cho sản xuất, điện thoại di động, rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm. Trong số các loại hàng xa xỉ, số xe hơi lên tới hơn 11.000 chiếc, có những hiệu Roll Royce giá bạc triệu đôla một chiếc, Mercedes, BMW vài trăm ngàn đôla một chiếc v.v.
Nói như vậy để thấy chuyện ưu tiên mua hàng Việt Nam mới chỉ là chuyện “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, hiệu quả mới chỉ ở một bộ phận cư dân thu nhập thấp, hoặc trung bình.
Thiết nghĩ để cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Bộ Chính trị phát động đạt được hiệu quả, cần phải tiếp tục có sự chung tay hành động của cả 3 phía: Nhà nước, người tiêu dùng và DN. Nhà nước phải đề ra đường lối, chính sách sát hợp, còn mỗi DN phải nỗ lực tối đa để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo thêm tiện ích cho người tiêu dùng, hạ giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống phân phối, thường xuyên cung cấp thông tin trung thực đến khách hàng, đồng thời lắng nghe người tiêu dùng để hiểu nhu cầu của họ và phục vụ tốt hơn…
Làm được điều trên cũng chính là cách để tạo niềm tin và sự vững lòng cho người tiêu dùng khi họ ưu tiên dùng hàng Việt.
Minh Quang